. Phóng sự của Lê Viết Thọ
Cữ tháng chín, tháng mười, khi những cơn mưa đã phủ kín trời, và ngoài xa kia, sóng đã sầm sập đuổi nhau, dội ầm ào vào bờ cát, người dân các vùng cửa sông ven biển ở Bình Định lại nơm nớp trước nỗi lo đất lở…
* Phấp phỏng ở miền đất lở
|
Các hộ dân Xuân Thạnh Nam phải dùng bao cát để chống lại sự xâm thực của biển |
Anh Nguyễn Trung Kiên, cán bộ địa chính xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), dẫn tôi ra cuối thôn Trung Lương, nằm ngay bên bãi cát. Một bên là con đường nội bộ của thôn, bên kia là bãi cát đột nhiên trụt xuống, sâu hoắm như một bức tường cát, cao chừng 2-3 mét. Dọc con đường, sát mé biển, vẫn còn dấu những nền nhà bị sập trong đợt xâm thực của biển vào năm 2001. Trong đợt đó, thôn có 29 ngôi nhà dọc biển bị sóng biển xâm thực. Ngay vách cát thẳng đứng cũng là do sóng biển xâm thực từ nhiều năm tạo ra. Sát những nhà đã bị sập, những ngôi nhà may mắn hơn vẫn còn cố gắng bám trụ. Tôi nhìn những ngôi nhà chênh vênh bên vách cát mà thấy lo khi nghĩ về những con sóng phủ đầu mùa bão. Chia sẻ với tâm sự đó của tôi, chị Nguyễn Thị Bích Phượng, một trong những hộ gia đình này, cho biết: "Cứ vào mùa mưa là đứng ngồi hổng yên. Nhất là những đợt gió to, sóng mạnh. Ngồi trong nhà mà tim cứ thon thót theo từng đợt sóng".
Còn khi đứng dưới bãi biển thuộc thôn Xuân Thạnh Nam (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) ngước mắt lên cũng thấy một vách cát. Chỗ cao 2-3 mét; chỗ thấp cũng hơn một mét. Nhưng khác với Trung Lương, ở Xuân Thạnh Nam vách cát đã được người dân rào dậu, gia cố kỹ hơn bằng bao cát, bằng đá chèn phía trước. Thậm chí, có hộ còn đóng ván, đổ bê tông trước nhà, rồi lại đắp thêm hàng chục bao cát và đất đá bên ngoài. "Nhưng chỉ qua một mùa biển động là chỉ còn trơ bê tông như một bức tường thành thôi" - vừa chỉ cho tôi những bức tường đã được gia cố bằng bê tông khá kiên cố, anh Trần Văn Thừa, Trưởng thôn Xuân Thạnh Nam, vừa nói vậy.
Dọc bờ biển, dấu vết những đợt xâm thực vẫn còn. Trụ sở thôn Xuân Thạnh Nam sóng đã làm sạt cả bờ tường bao, chỉ còn liêu xiêu chiếc cổng bê tông ngay trên vách cát. Tại một góc nhà ông Phạm Kềnh đã sạt, chơ vơ một mảng tường nham nhở và một nền gạch lổn nhổn đất đá. Chị Hồ Thị Sợi, một trong những hộ dân có nhà bị sạt, nói: "Cứ từ tháng chín đến tháng chạp là tụi tui lại sống trong nỗi lo phập phồng. Nghe sóng mạnh là tui vội sơ tán bớt một số đồ đạc, khóa cửa lại rồi đi trú nhờ hàng xóm dãy phía sau. Chỉ đến khi thấy im im mới dám về". Một người dân thôn Xuân Thạnh Nam vừa đi ngang qua, nghe thủng câu chuyện, bổ sung: "Người dân ở đây nhìn sóng quen rồi, không thấy sợ nữa. Chứ chú đến đây vào mùa biển động mới thấy, sóng phủ trùm nhà, dội vào cửa, vào vách cát ầm ầm. Ngồi ở dãy phía sau mà cũng thấy phập phồng". Được biết, hiện nay, hai thôn Xuân Thạnh Nam và Xuân Thạnh Tây có khoảng hơn 400 hộ nằm trải dài ven biển trên chiều dài 600m. Hàng năm, bãi biển lại bị lấn sâu vào hàng chục mét, vài chục hộ gia đình cần được di dời.
Tại những vùng biển khác như thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), cửa An Dũ (huyện Hoài Nhơn) cũng đang phải sống trong tình trạng phấp phỏng khi bước vào mùa biển động. Cửa An Dũ hiện đang tiếp tục phát triển dần ra phía Bắc theo hướng song song với bờ biển. Hàng năm cửa bị bồi lấp bịt kín về mùa khô và xói lở mạnh về mùa mưa bão. Năm 1996, hàng chục căn hộ kiên cố của cư dân thôn Trường Lâm và Ca Công nằm trải ra trên chiều dài 800m đã bị sóng biển làm sập đổ. Hầu hết dân cư thôn Trường Lâm phải di dời đi nơi khác. Thôn Phú Hòa hàng năm bãi biển bị lấn sâu vào hàng chục mét...
* Bám cát mà sống
Hiện nay, tại thôn Trung Lương vẫn còn khoảng trên dưới 400 hộ nằm dọc theo bờ biển trên chiều dài 500-600m. Ngoài những hộ dân ở phía đông con đường thôn có nguy cơ sụp đổ từng ngày, hàng chục nhà dân phía Tây tiếp tục bị đe dọa. Đồng thời, cồn cát phía Nam cũng đang có nguy cơ bị sóng biển phá vỡ, nước mặn sẽ tràn vào gây mặn đồng lúa Đông Nam huyện Phù Cát và Đông Bắc huyện Tuy Phước. Theo ông Đặng Đình Cảnh, cán bộ Văn phòng UBND xã Cát Tiến, sau đợt triều cường xâm thực từ 1999-2001, UBND xã đã có quy hoạch để chuyển được các nhà dân này ra nơi ở mới. Tuy nhiên, mới chỉ có 29 hộ chịu di dời, 30 hộ còn lại, dù nguy cơ cao, nhưng lại không muốn đi, chủ yếu là do không đủ điều kiện kinh tế để cất nhà mới. Chị Phượng tâm sự: "Hồi đó, sợ thì cũng sợ thật nhưng cứ nghĩ là ráng bám trụ vì không có tiền mà di dời. Nhưng giờ nhà tôi chỉ còn cách vách cát hơn hai mét. Mỗi năm biển lấy vào không nhiều thì ít. Do vậy, tôi cũng chẳng biết căn nhà này còn gắng trụ được đến bao giờ nữa". Hiện nay, khi những hộ dân muốn di dời thì xã lại chưa có đất để giao vì chưa quy hoạch. Chị Trần Thị Nam, một hộ dân khác cũng đang sống ở phía đông con đường thôn, cho biết, cả gia đình chị có tới 7 người, nhưng thu nhập chủ yếu dựa vào nghề "đi bạn" của chồng. Riêng đứa con trai đầu của chị năm nay mới 17 tuổi thì cũng đã đi bạn từ hai năm nay. Mấy mẹ con chị ở nhà chỉ biết làm thêm nghề chiếu. Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà đang bị sóng biển đe dọa từng ngày và hiện nay đã có dấu hiệu sạt lở, chị kể: "5 năm trước, hai vợ chồng tui vay mượn thêm của bà con, xóm giềng mới cất được căn nhà này. Tưởng sẽ có chỗ ở lâu dài đặng lo làm ăn. Ai ngờ... Mấy năm nay tụi tui sống trong nỗi lo phập phồng. Chú tính mỗi năm biển xâm thực tới 2-3 mét thì làm sao mà cái nhà này trụ được".
Còn tại thôn Xuân Thạnh Nam chỉ trừ 3 hộ mới chuyển sang khu nơi ở mới và đang tiến hành xây dựng, 19 hộ bị ảnh hưởng nay còn lại nay vẫn sống trong nỗi lo phập phồng. Ngoài ra, hàng chục hộ khác sống dọc mé biển cũng có nguy cơ rất cao nhưng cũng chưa thể di dời. Anh Thừa cho biết: "Xã đã quy hoạch được một khu để di dời và khu này đã được đầu tư làm đường, nhưng người dân vẫn chưa muốn bám biển. Ngoài chuyện thuận tiện để làm nghề, lý do chính là họ chưa có tiền di dời. Anh tính, hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi hộ thì cũng khó mà nói chuyện di dời, làm nhà mới".
* Giải pháp nào cho hiện tượng sạt lở
Trận bão đầu mùa đã diễn ra. Bình Định bước vào mùa mưa bão. Vậy nhưng, những miền đất lở vẫn đang tiếp tục sống trong nỗi lo phập phồng, trong khi những giải pháp nhằm di dời các hộ dân, dù đã được xác định từ lâu, nhưng nay vẫn chưa được tiến hành. Tuy nhiên, ngay cả khi đã di dời được những hộ có nguy cơ cao thì những hộ phía sau nay trồi ra mặt biển lại tiếp tục sống trong nguy cơ, nhất là khi hiện tượng sạt lở vẫn diễn ra đều đặn hàng năm. Nên chăng, Nhà nước cần có những giải pháp khoa học dài hơi để khắc phục tình trạng sạt lở một cách hiệu quả. Đồng thời, chính việc khắc phục tình trạng này mới là giải pháp khả quan nhất để ổn định môi trường ngõ hầu có thể khai thác tiềm năng những vùng ven biển này phục vụ du lịch sinh thái, du lịch biển.
. L.V.T
Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy để duy trì và phát triển thế mạnh của bờ biển, không những chúng ta chỉ bảo vệ môi trường chống lại các tác nhân gây xuống cấp mà còn tạo ra những bãi biển mới theo ý đồ phát triển của đất nước. Để thực hiện được điều này, các địa phương ven biển nên từng bước xây dựng các đề án CIRP (Coastal Improvement, Restoration & Protection) nhằm cải thiện môi trường, phục hồi và bảo vệ bờ biển. Công nghệ lươn địa chất đã áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhanh chóng phục hồi và bảo vệ bờ biển của mình. Đây là công nghệ thân thiện với môi trường, rẻ và có thể áp dụng ở bất cứ địa hình nào.
(Hellbring Charle, Bùi Văn Ga, Phạm Xuân Mai - Công nghệ bảo vệ và phục hồi bờ biển bị sạt lở)
| |