Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004: Sôi động trước giờ "G"
15:54', 2/7/ 2004 (GMT+7)

Năm nay, tuy số lượng thí sinh đăng ký dự thi đã giảm nhiều so với năm ngoái nhưng "sự kiện mùa thi" vẫn là "điểm nóng" lôi cuốn sự quan tâm, chuẩn bị của mỗi người dân và các ban ngành chức năng.

* Chuyện ăn, chuyện ở

Ở khu vực đường Cần Vương, phía sau Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN), các nhà trọ được mở ra khá nhiều. Nhà anh Cương, chị Nguyệt, chị Đấu... từ mấy hôm trước đã sửa sang, quét vôi lại để chuẩn bị đón tiếp thí sinh. Anh Cương cho biết: "Tôi có 8 phòng cho thuê, mỗi phòng rộng chừng 12 m2 có thể đáp ứng chỗ trọ cho khoảng 20 thí sinh và người nhà". Nhà anh Cương rộng rãi lại được xây cất khang trang nên đây là nơi trọ khá lý tưởng cho thí sinh trong những ngày này. Đặc biệt, giá thuê trọ ở đây khá mềm, chỉ 6.000 đồng/người/ngày. Đây cũng là mức giá chung của hầu hết các nhà trọ ở KV 9 phường Nguyễn Văn Cừ mà chúng tôi có dịp đến tham khảo. Anh Cương cho biết thêm: "Năm nay thí sinh đến Quy Nhơn có vẻ ít hơn năm ngoái nên đến giờ này các phòng trọ vẫn còn trống khá nhiều...".

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tìm nhà trọ

Để giúp đỡ thí sinh từ các nơi đến Quy Nhơn thi, UBND phường Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo các nhà cho thuê chỉ lấy từ 5.000-7.000 đồng/người/ngày và hầu hết họ đều vui vẻ chấp hành. Nhiều gia đình tuy không cho thuê trọ nhưng đã tình nguyện nhường chỗ cho thí sinh đến ở nhờ, không thu tiền. Chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Minh Châu ở KV4 đã nhiều năm tình nguyện nhường phòng ở cho thí sinh trong những ngày thi. Bà nói: "Các cháu cũng như con cháu mình. Ở xa đến đây "lạ nước, lạ cái" đã vất vả lắm rồi nên giúp được gì vợ chồng tôi cũng luôn sẵn sàng...". Với 25.000 chỗ trọ đã được Đoàn thanh niên khảo sát thống kê và nhiều chỗ trọ không thu tiền như nhà của bà Châu thì cơ hội tìm được nơi ở tử tế của các thí sinh trong mùa thi này đã ở trong tầm tay.

Chỗ ở đã nhiều, chỗ ăn cũng chẳng thiếu. Trong những ngày này các quán ăn đều tích cực chuẩn bị trữ nguyên liệu để phục vụ thí sinh. Chị Hoa, chủ một tiệm cơm bình dân ở đường Ngô Mây cho biết: "Năm ngoái, người đi thi đến ăn đông quá, chúng tôi bán không kịp. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi đã chủ động thuê thêm vài người phục vụ hỗ trợ trong những ngày cao điểm". Bình thường, khu vực quanh đường Ngô Mây, Nguyễn Lữ… các quán ăn bình dân đã khá nhiều. Trước đợt thi tuyển sinh vài ngày, không khí ăn uống càng nhộn nhịp hơn. Thời tiết ở Quy Nhơn mấy hôm nay rất nóng. Vậy mà, khá đông người ăn chen chúc trong những quán bình dân có phần tạm bợ, nhếch nhác, cùng với mùi thịt nướng, cá kho quyện vào mùi khói bếp bốc lên làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, đối với ông Nguyễn Thang, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, lần đầu tiên dẫn con vào đây thi đại học thì: "Tuy không hợp khẩu vị lắm nhưng được cái tiền ăn rẻ. Chỉ 3.000 đồng một đĩa cơm. Cha con tôi đã gọi thêm một ít cơm và thức ăn bồi dưỡng, chủ quán cũng chỉ lấy 5.000 đồng". Như vậy, mặc dù giá cả đều tăng, nhưng trong những ngày có cơ hội "ăn theo" mùa tuyển sinh, hầu hết các chủ kinh doanh ăn uống đều không tăng giá. Chị Hoa phân trần: "Mình buôn bán lấy số nhiều làm lãi. Tăng giá, họ đi nơi khác ăn thì bán cho ai. Hơn nữa, mấy đứa đi thi phần lớn ở xa đến, trông đã khổ rồi, ai nỡ lòng nào tăng giá thêm!".

Trong thời điểm như thế này, vấn đề vệ sinh ăn uống trở nên bức xúc. Ông Nguyễn Khắc Minh, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ cho biết: "Ngay từ khi thành phố có kế hoạch triển khai phục vụ mùa thi, chúng tôi đã thường xuyên lên lịch tổ chức các đoàn đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại những điểm kinh doanh ăn uống thuộc địa bàn quản lý".

* Chuyện đi lại

Ông Phan Chánh, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Bình Định cho biết: "Rút kinh nghiệm từ đợt thi trước, chúng tôi đã lên kế hoạch triển khai phục vụ thí sinh và người nhà trong đợt thi tuyển sinh đại học khá sớm. Theo đó, các đơn vị vận tải sẽ huy động tối đa lực lượng xe khách để đảm bảo việc di chuyển thí sinh và người nhà, tập trung vào 2 ngày cuối của mỗi đợt thi. Ngoài lực lượng của bến xe còn có sự hỗ trợ của các đơn vị bạn trong việc đưa thí sinh của tỉnh mình đến thi và nằm chờ cho hết đợt thi mới quay về". So với năm ngoái, năm nay số thí sinh đã giảm khá nhiều nên các chuyến nội tỉnh huy động về 2 huyện Tuy Phước và An Nhơn không còn "nóng" như lần trước. Hiện tại, Bến xe trung tâm đã mở rộng bến bãi nên bình quân mỗi ngày có 180 chuyến xe xuất bến. Còn ở trạm Nhơn Phú, năng lực phục vụ cũng đã tăng cường 30 chuyến/ngày.

Nhìn chung, năm nay, vấn đề huy động xe để chuyên chở khách trước, trong và sau kỳ thi không vấp phải sự "lúng túng" như năm trước. Bên cạnh các phương tiện vận tải lớn, đội "Hon-đa thồ" của bến xe đã tổ chức hoạt động theo hình thức tự quản và khá cơ động. Anh Nguyễn Hồng Hải, đội trưởng đội xe cho biết: "Đội có 40 xe thường xuyên hoạt động theo 2 ca liên tục để phục vụ thí sinh và người nhà. Ca đầu từ 3 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Ca thứ hai, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút chiều". Để đảm bảo an toàn, tránh các tình trạng giành giật, níu kéo, tự ý tăng giá lấy thêm tiền của khách, ngoài các nội quy chung của bến xe, đội xe cũng vạch ra một số quy định riêng để hoạt động. Trong đó, anh em đã thống nhất giảm giá từ 1.000- 2.000 đồng cho mỗi chuyến chở thí sinh và người nhà đi thi. Mỗi tài xế đều đeo bảng tên để khách đi xe tiện giao dịch mà đội cũng dễ dàng quản lý. Chú Trần Minh Khánh, chạy xe ôm đã 4 năm nay tâm sự: "Tôi có hai con, đứa nhỏ năm nay cũng thi đại học. Vì thế, tôi rất thương mấy cháu đi thi. Ngẫm cái cảnh thí sinh và người nhà đi thi cực khổ mới thấy hết quyết tâm cho con ăn học đến nơi đến chốn của những người nghèo nên anh em trong đội tự quy định giảm giá cho các cháu".

Bởi thế, ngay từ rất sớm, đội xe thồ phối hợp với thanh niên tình nguyện túc trực tại bến xe để đón khách. Khi chở các thí sinh và người nhà đi thi các anh đều nói giá cả và tình nguyện tìm giúp địa chỉ nhà trọ gần điểm thi. Chú Khánh kể chuyện: "Tôi vừa chở một thí sinh từ bến xe về Trường ĐHQN, xong đâu đấy lại chở qua Ngô Mây tìm nhà. Tìm không được, lại vòng sang đường Nguyễn Lữ… lòng vòng suốt cả buổi chiều nhưng cũng chỉ lấy có 3.000 đồng".

* Và chuyện trường thi

Đến giờ này, các điểm thi đã sẵn sàng. Để bố trí cho khoảng 26.000 thí sinh dự thi khối A, Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Quy Nhơn đã chọn 36 điểm thi ở TP Quy Nhơn để tổ chức 793 phòng thi. Cũng nhờ lượng thí sinh đăng ký dự thi ít hơn so với năm ngoái nên các điểm thi được chọn lựa kỹ càng hơn. Những điểm không đủ điều kiện hoặc tách lập như Trung tâm Hội chợ triển lãm Quy Nhơn, Trường Công nhân Lâm nghiệp Trung ương 2 (cũ) ở khu vực Phú Tài không bị trưng dụng phục vụ thi như năm ngoái.

Giải thích nguyên nhân số lượng thí sinh đăng ký dự thi ở cụm Quy Nhơn, trong đó chủ yếu là thí sinh thi vào Trường ĐHQN giảm đột biến (năm ngoái có trên 48.000 thí sinh đăng ký thi vào Trường ĐHQN, năm nay, chỉ hơn 22.600 thí sinh), ông Nguyễn Quý Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐHQN, Phó chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường cụm Quy Nhơn cho biết: "Do năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép mỗi thí sinh được dự thi vào một trường duy nhất. Mặt khác, năm ngoái, Trường ĐHQN là một trong những trường lấy điểm đầu vào ở "top" cao nên buộc thí sinh phải cân nhắc thi vào trường nào dễ đậu nhất".

Thắng, một SV ở Quảng Bình, đang học ở Quy Nhơn cho biết: "Hầu hết các bạn SV ở các tỉnh phía bắc vào đây thi và học đều nhận xét, sống ở Quy Nhơn có ba cái sướng: ăn rẻ, ở rẻ và môi trường sống thật an lành...". Quả vậy, với tất cả những gì mà người dân và các ban ngành chức năng đã làm để chuẩn bị đón tiếp thí sinh đến Quy Nhơn thi đã và sẽ luôn để lại trong lòng các em những ấn tượng khó quên.

. Ngọc Quỳnh - Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu: Họ đều rất nỗ lực   (02/07/2004)
Cửa ngõ vào Quy Nhơn đang chìm trong "biển bụi"!   (01/07/2004)
Lực lượng vũ trang Bình Định: Có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa   (01/07/2004)
Công ty TNHH Mỹ Tài: Chủ động đào tạo nghề cho công nhân   (30/06/2004)
Ở một Chi bộ khu phố trong sạch vững mạnh nhiều năm liền  (30/06/2004)
Đi qua miền đất lở  (29/06/2004)
Tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2004 tại Cụm thi Quy Nhơn  (29/06/2004)
Thị trường sách Quy Nhơn: phong phú nhưng chẳng dễ mua   (28/06/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em  (28/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6   (27/06/2004)
Đọc Ngục trung nhật ký, càng sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập, tự do   (27/06/2004)
Dự án xây dựng 7 tuyến cống thoát nước ở nội thị Quy Nhơn: Thi công dây dưa, dân lãnh đủ   (25/06/2004)
Quy Nhơn xây dựng đời sống văn hóa  (25/06/2004)
Nhà trọ ơi, mở ra!  (24/06/2004)
Xăng dầu tăng giá, nỗi lo của nhiều người   (24/06/2004)