Ấn tượng Quy Nhơn
16:1', 4/7/ 2004 (GMT+7)

Quy Nhơn - nơi vẫn luôn mở toang lồng ngực để đón gió biển khơi. Quy Nhơn còn dang rộng tay để đón hàng vạn thí sinh từ khắp nơi trong cả nước đổ về vào những ngày hè oi bức này. Người Quy Nhơn đã cởi lòng mình để san sẻ những khó khăn với anh em, bầu bạn. Sự hào hiệp và mến khách, sự chỉn chu và thân thiện của người Quy Nhơn chắc chắn sẽ còn neo lại trong lòng khách thập phương những hảo cảm dài lâu.

Tư vấn cho thí sinh tại bến xe Quy Nhơn

12 giờ trưa ngày 2-7, tôi có mặt tại bến xe thành phố Quy Nhơn. Trên chuyến xe đò chật chội từ Quảng Ngãi vào Quy Nhơn hôm ấy có hai mẹ con chị Hiền. Chị dẫn cháu Dung đi thi đại học. Suốt chặng đường gần 200 cây số, chị Hiền cứ thở ra, vẻ mặt lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng. Tôi hỏi: "Ba cháu đâu không dẫn con đi thi mà là mẹ?". "Ảnh đi biển, lỡ chuyến nên giao việc này cho tui. Tui lo quá anh à!". Tôi hỏi: "Chị lo cháu trượt đại học hay lo cho ông xã trên biển?". "Chỉ lo mỗi việc là vào Quy Nhơn mấy ngày nữa sẽ biết ăn nghỉ, đi lại thế nào thôi".

Chị Hiền quê ở vùng đông Bình Sơn (Quảng Ngãi). Có lẽ đây là lần đầu tiên chị đi xa nhưng lại phải gánh vác một trọng trách quá sức mình. Trông vẻ mặt bồn chồn và nhàu nhĩ của chị, tôi vừa buồn cười, vừa thương. Tôi nói như một công dân Quy Nhơn thứ thiệt để trấn an người đàn bà tội nghiệp này: "Chị cứ yên tâm đi, vào Quy Nhơn sẽ có người đón mẹ con chị và chỉ chỗ ăn nghỉ, đi lại trong những ngày cháu đi thi!". Chị Hiền trố mắt: "Tui có quen ai ở Quy Nhơn đâu anh!". Tôi lại lấp lửng: "Có người quen đấy. Họ sẽ nhận ra mẹ con chị thôi". Một thoáng vui trên khuôn mặt hai mẹ con. Tôi cũng nói phứa với chị Hiền thế thôi chứ trong lòng cũng thấy lo lo. Ngộ nhỡ không ai đón, mẹ con chị Hiền lại "bám" theo tôi thì tôi chỉ có… chết. Chiếc xe đò từ từ rẽ vào bến đỗ. Một cảnh tượng đông đúc mà trật tự, ngay cả bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ, nói gì hai mẹ con "bà nhà quê" này: Hàng trăm thí sinh tay xách nách mang, đứng kín một góc bến xe. Họ từ từ tiến về phía bàn đón tiếp thí sinh để được hướng dẫn. Xe ôm sắp thành hàng, không chèo kéo, không mặc cả. Những chàng trai, cô gái trong trang phục áo xanh khá bắt mắt, miệng luôn tươi cười đón "khách" đi thi.

Một chiếc áo xanh tiến về phía chị Hiền. Giọng cô gái thật mềm: "Dạ thưa, cô đưa em đi thi ở điểm thi nào ạ?". Chị Hiền không trả lời, chỉ móc trong túi đưa ra mảnh giấy được xếp khá ngay ngắn. Vẫn giọng cô gái: "Như vậy là mẹ con cô sẽ ở khu vực gần Trường Đại học Quy Nhơn. Giá nhà thuê ở đây chừng 10.000đ đến 12.000đ/người/ngày. Hai mẹ con đi xe ôm từ đây về Trường Đại học Quy Nhơn hết 5 ngàn". Nói rồi cô gái "lệnh" ngay một anh xe ôm: "Anh đưa hai người này về Trường Đại học Quy Nhơn. Năm ngàn thôi nghen". Anh xe ôm rồ máy, bỏ lại phía sau bến đỗ đông đặc người là người. Tất cả những mẩu đối thoại này, cùng với việc "điều động" xe ôm chỉ diễn ra trong 2 phút. Mẹ con chị Hiền lên xe ôm, vẫy tay tạm biệt và không quên ném cho tôi cái nhìn ơn nghĩa. Tôi chỉ sang cô gái "tình nguyện" và muốn nói với chị Hiền: "Chị nên cảm ơn cô gái ấy thì đúng hơn".

Những chiếc áo xanh "tình nguyện" cứ tất bật lại qua như mắc cửi. Họ cố gắng "giải phóng" số thí sinh "tồn đọng" tại bến xe càng nhanh càng tốt. Chỉ ngày hôm sau là bước vào phòng thi nhưng giờ này vẫn còn những chiếc xe đò nêm chặt thí sinh từ các tỉnh lân cận liên tục "rót" về Quy Nhơn. Hình như số thanh niên tình nguyện này không hề hay biết, hoặc chẳng quan tâm gì đến thời gian. Hàn thử biểu đã nhích lên con số 38 độ, song mặt ai cũng vui. Tôi đã đọc trong ánh mắt của họ niềm vui thật sự chứ không cố cưỡng. Anh Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), trưởng nhóm thanh niên tình nguyện tại bến xe, thuyết trình cho tôi về cái sự "xuyên trưa" này: "Từ ngày 26-6 đến nay, chưa hôm nào anh em chúng tôi ăn trưa đúng giờ. Gần như anh em có mặt tại đây 24/24". Tôi hỏi: "Ở trên bắt buộc phải trực xuyên trưa xuyên tối à?". Hưng cười: "Cũng chẳng ai buộc mình cả. Mình tự buộc mình đấy thôi. Qua kỳ thi này, chúng tôi muốn gửi cho tất cả mọi người đến đây một thông điệp: Quy Nhơn luôn hiếu khách. Quy Nhơn luôn có trách nhiệm với tất cả mọi người". Thật ra nói đến "trách nhiệm" thì "bao la" lắm. Tôi vừa từ Huế vào và đã chứng kiến nhiều thí sinh vẫn lếch thếch dọc các con đường tuyệt đẹp của cố đô. Cũng có những chiếc áo xanh đấy, song sự nhiệt tình và tận tụy thì không có được như ở Quy Nhơn.

Năm ngoái, cũng đúng mùa thi, tôi có mặt tại Quy Nhơn. Thành phố gần 30 vạn dân ấy, mỗi mùa thi lại cõng thêm trên lưng mình khoảng 10 vạn người nữa. Việc "thêm người" đột biến như thế, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì rất dễ "quáng gà" lắm. Thế mà đâu ra đó. Tất nhiên, mùa thi năm ngoái vẫn còn những "hạt sạn" trong một nồi cơm ngon mà người Quy Nhơn đã dọn ra để đón khách. Nhưng những gì mà Quy Nhơn đã làm trong mùa thi ấy, dư âm tốt đẹp của nhiều người dành cho thành phố biển này thì vẫn còn đó. Có lưng vốn liếng kinh nghiệm của mùa thi năm trước, năm nay Quy Nhơn đã làm thêm những việc mà ít ai nghĩ tới. Chỉ mỗi cái việc là "xe ôm cũng vào cuộc", đủ để thấy các nhà tổ chức và chính quyền địa phương ở đây đã chỉn chu đến mức nào rồi. Để có được thông tin "xe ôm cũng vào cuộc", ngoài việc chứng kiến mẩu đối thoại và cái cách "giao việc" của cô gái "tình nguyện " ở bến xe như tôi đã kể ở trên, tôi phải "trả giá" cho thông tin ấy bằng chính cuốc xe ôm của mình. Đã quá trưa, tôi vẫy một anh xe ôm: "Về công viên trung tâm thành phố, bao nhiêu?". Anh xe ôm Lê Quốc Phong, nhìn tôi một lượt, rồi hô: "Mười ngàn!". Tôi đồng ý lên xe. Một chiếc áo xám xán lại: "Không được lấy giá như thế!". Chỉ vào tôi, anh áo xám giải thích cho chàng xe ôm: "Anh này không phải đi thi nhưng là người "phục vụ" cho mùa thi của Quy Nhơn đấy!". Chừng như nhận ra được điều đó, anh Phong xe ôm vui vẻ: "Anh cho em bao nhiêu cũng được!". Hóa ra, tôi chẳng phải là thí sinh nhưng cũng được "ăn theo mùa thi"! Trên đường về trung tâm thành phố, anh Phong nói như một thành viên của ban tổ chức kỳ thi: "Hai chục ngàn nhà trọ đã và đang mở cửa đón thí sinh. Một ngàn nhà dân cho ở miễn phí". Tôi hỏi: "Một ngày chỉ lấy 10-12 ngàn, làm sao có lời?". Phong nói bằng giọng chủ nhà: "Lời lãi gì những ngày này anh. Chủ yếu là lấy lại tiền điện, nước thôi. Như em đây, giá xăng lẻ đã 7.500đ/lít mà chở một cuốc về thành phố chỉ được lấy 5 ngàn thì chỉ đủ bù tiền xăng. Tất cả người dân Quy Nhơn đều lấy việc phục vụ cho mùa thi là chính".

Xe ôm cũng nói như "chính khách", chỉ Quy Nhơn mới có - tôi trộm nghĩ thế. Tôi định lưu lại Quy Nhơn vài hôm, song tất cả các nhà nghỉ, khách sạn đều chối từ vì phòng đã có chủ. Vâng, nơi lưu trú ở Quy Nhơn những ngày này có thể là kín chỗ, song tôi biết, tấm lòng của người Quy Nhơn thì luôn rộng mở để đón mọi người. Một ấn tượng đẹp về Quy Nhơn chắc chắn sẽ còn theo chân nhiều thí sinh sau mùa thi này.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004: Sôi động trước giờ "G"   (02/07/2004)
Những gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu: Họ đều rất nỗ lực   (02/07/2004)
Cửa ngõ vào Quy Nhơn đang chìm trong "biển bụi"!   (01/07/2004)
Lực lượng vũ trang Bình Định: Có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa   (01/07/2004)
Công ty TNHH Mỹ Tài: Chủ động đào tạo nghề cho công nhân   (30/06/2004)
Ở một Chi bộ khu phố trong sạch vững mạnh nhiều năm liền  (30/06/2004)
Đi qua miền đất lở  (29/06/2004)
Tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2004 tại Cụm thi Quy Nhơn  (29/06/2004)
Thị trường sách Quy Nhơn: phong phú nhưng chẳng dễ mua   (28/06/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em  (28/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6   (27/06/2004)
Đọc Ngục trung nhật ký, càng sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập, tự do   (27/06/2004)
Dự án xây dựng 7 tuyến cống thoát nước ở nội thị Quy Nhơn: Thi công dây dưa, dân lãnh đủ   (25/06/2004)
Quy Nhơn xây dựng đời sống văn hóa  (25/06/2004)
Nhà trọ ơi, mở ra!  (24/06/2004)