Tại các nhà hàng, quán ăn những chiếc khăn lạnh ướp hương luôn tạo cho thực khách cảm giác dễ chịu khi lau mặt, lau tay trước khi ăn. Nhưng có mấy ai biết được cặn kẽ khăn lạnh đã được tái sản xuất như thế nào và thật sự có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không?
* Sản xuất khăn lạnh: Vô phận sự miễn vào!
|
Khó phân biệt đâu là khăn lạnh mới và khăn tái sinh |
Trước đây, các chủ nhà hàng, quán ăn thường dùng các loại giấy ăn màu xanh, đỏ hoặc trắng, cao cấp hơn thì dùng các loại giấy trắng có ướp hương đựng trong các hộp giấy. Ngày nay, theo nhu cầu của thực khách và cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng cáo cho quán của mình, hầu hết các quán ăn, nhà hàng thường sử dụng khăn vải ướp lạnh bọc trong túi nylon có in tên nhà hàng, quán ăn trông rất bài bản. Trung bình một chiếc khăn lạnh được tính với giá từ 1.000 - 2.000đ, nên thực khách nào cũng muốn sử dụng hết công suất của khăn. Nhiều người không chỉ lau mặt, miệng, tay, thức ăn đổ mà còn lau giày, túi xách… Thậm chí có khi khách quá chén, nôn mửa thì khăn lạnh cũng được "tận dụng" triệt để.
Chị Như Phượng - chủ một cơ sở sản xuất khăn lạnh ở đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn - cho biết: "Khăn lạnh được mua từ TP Hồ Chí Minh về với giá 300-500đ/chiếc. Sau đó, khăn được nhúng qua nước lạnh với độ ướt vừa phải, rẩy nước thơm rồi đóng vào túi nylon và bán với giá 500-1.000 đ/chiếc. Nếu nhà hàng, quán ăn nào có yêu cầu thêm về mẫu mã bao bì hoặc hương thơm khác thì sẽ có giá cao hơn".
Trong vai một chủ quán ăn mới mở, tôi đến một cơ sở sản xuất khăn lạnh trên đường Diên Hồng, TP Quy Nhơn để đặt 2.000 chiếc khăn lạnh. Sau khi thỏa thuận giá cả, mẫu mã in trên bao bì, tôi ngỏ ý muốn được vào xem nơi sản xuất khăn lạnh để có phần yên tâm về chất lượng sản phẩm. Nhưng chị chủ cơ sở chỉ đưa tôi đến phòng đóng gói, tẩm ướp cùng lời nhắn nhủ: "Chị cứ khéo lo, từ hồi nào tới giờ không có ai kiện là khăn lạnh lây bệnh đâu!". Còn nơi giặt khăn, phơi phóng thì chị chủ từ chối khéo bằng một nụ cười nửa đùa nửa thật: "Khu này vô phận sự miễn vào. Khi nào quen rồi thì tôi cho vào xem thoải mái".
* Quay vòng… quay vòng
Tuy vậy, lý do cốt lõi của việc thay đổi khăn giấy bằng khăn lạnh ở các nhà hàng, quán ăn vẫn là vì lợi ích kinh doanh. Khăn lạnh sau khi dùng xong sẽ được nhà hàng thu gom và bán lại cho các cơ sở sản xuất khăn lạnh để tái sản xuất. Tùy theo loại mỏng hay dày mà các cơ sở này thu mua lại với giá trung bình 200đ/chiếc hoặc 30.000đ/kg.
Chị Minh K. - chủ một quán nhậu ở Bàu Sen - kể: "Vì là bạn hàng của các cơ sở sản xuất khăn lạnh nên tôi có đặc quyền được vào khu vực sản xuất khăn. Hầu hết các loại khăn lạnh thu mua về đều được giặt bằng xà phòng, chiếc nào quá bẩn thì được ngâm thuốc tẩy công nghiệp. Cơ sở nào khá hơn thì trang bị máy giặt, còn không thì giặt tay theo quy trình là ngâm trong nước, dùng… chân giẫm cho sạch, sau đó ngâm xà phòng rồi lại xả nước lã. Khi khăn được giặt sạch (!?) thì đem ép cho kiệt nước, tưới nước thơm và đóng gói".
Thực tế thì những chiếc khăn lạnh được dùng như thế nào và… dơ đến cỡ nào thì ai cũng biết. Nhưng với cách "tái chế" như vậy thì quả thật không thể đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người sử dụng. Bác sĩ Thân Văn Châu - công tác tại Trung tâm da liễu Bình Định - cho biết: "Nếu khăn lạnh chỉ được giặt bằng xà phòng thì chỉ diệt được những vi khuẩn thông thường chứ không thể diệt các loại nấm dễ lây như: hắc lào, eczema, tổ đỉa… Muốn diệt các loại nấm trên thì khăn lạnh phải được hấp với nhiệt độ trên 700C. Để sản xuất những chiếc khăn lạnh vệ sinh và an toàn, đòi hỏi chủ các cơ sở sản xuất khăn lạnh không chỉ giặt sạch, sấy, ướp hương thơm mà còn phải có thiết bị hấp, sấy tiệt trùng. Nhưng các thiết bị này đòi hỏi phải có một số vốn đầu tư khá lớn trong khi các cơ sở sản xuất khăn lạnh chỉ làm trong quy mô hộ gia đình nhỏ hoặc làm gia công để kiếm thêm thu nhập".
Khăn lạnh cũng là một yếu tố trong một chuỗi các yếu tố bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, trong khi các nhà hàng, quán ăn có đăng ký kinh doanh, được cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì các cơ sở sản xuất khăn lạnh lại bị thả nổi, cả về mặt sản xuất kinh doanh lẫn chất lượng sản phẩm. Trong những chiếc khăn lạnh vừa trắng vừa thơm kia đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây các bệnh ngoài da và bệnh đường hô hấp cho người sử dụng, đặc biệt là loại khăn tái sản xuất. Thực thế trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm tra các cơ sở sản xuất khăn lạnh. Mặt khác, các nhà hàng, quán ăn cũng nên sử dụng loại khăn giấy ướp lạnh dùng một lần.
. Hải Yến |