Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: Khi bác sĩ làm trình dược viên
9:35', 7/7/ 2004 (GMT+7)

. Điều tra của Quang Khanh

Tình trạng một số  bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện nhận làm trình dược viên (TDV) cho các hãng thuốc nước ngoài hoặc các công ty TNHH có chức năng phân phối thuốc đã tiếp sức cho việc đẩy giá thuốc lên cao, đang là vấn đề nhức nhối. Ở Bình Định, tình hình không quá căng thẳng như nhiều nơi do 80% thị phần tân dược của bệnh viện nằm trong tầm kiểm soát của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định nhưng không phải không có những tiêu cực quanh chuyện người bán thuốc là bác sĩ kê đơn hay chuyện bác sĩ "kê đơn giùm" cho TDV.

* 80%, 40% hay 22 người?

Điều trị bệnh nhân nội trú ở BVĐK tỉnh Bình Định

Có lẽ bạn đọc còn chưa quên vụ bác sĩ P.T.Đ công tác tại phòng khám nội Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định vừa lãnh án 3 tháng tù vì tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" (Báo Bình Định đã từng nêu). Trong vụ án này, Toà án TP Quy Nhơn chỉ xét xử hình sự ở hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" còn một hành vi khác của bác sĩ P.T.Đ cho thấy một thực trạng nhức nhối tồn tại từ lâu nay tại BVĐK tỉnh ấy là việc một số bác sĩ làm TDV kéo theo việc kê đơn thuốc không lành mạnh, thiếu hợp lý và an toàn.

Một bác sĩ công tác tại BVĐK tỉnh tiết lộ, ở đây phải có đến 80% bác sĩ là có dính dáng đến công việc của TDV, nghĩa là nếu không làm TDV thì cũng làm CTV hoặc chí ít là kê đơn giùm cho các bác sĩ làm TDV để nhận  một khoản tiền trên đầu đơn thuốc gọi là "hoa hồng". Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Đồng, Phó giám đốc BVĐK tỉnh thì con số không đến mức như vậy. "Chắc khoảng 40%... và con số TDV thực thụ mà tôi có thể đếm ra được là khoảng 22 người!", bác sĩ Đồng sau lúc ngập ngừng đã cả quyết như vậy. Hầu như tại các khoa ở BVĐK tỉnh đều có bác sĩ làm TDV, kể cả khoa Đông y. Làm TDV có nhiều dạng: dạng làm 100% thời gian (full times) có ký hợp đồng với hãng thuốc hẳn hoi như bác sĩ P.T.Đ và dạng một nửa thời gian (half times). Một số khác có ít thời gian hoặc không hội đủ điều kiện thì nhận làm cộng tác viên (bán thuốc cho TDV).

Nhiều người trên thực tế thì làm TDV nhưng khi giao dịch tên tuổi lại là của vợ (hoặc chồng) mình, người không trực tiếp công tác tại bệnh viện. Các bác sĩ làm TDV hầu hết là những bác sĩ trẻ, chưa có chức vụ tại bệnh viện hoặc chưa mở được phòng khám tư. Những bác sĩ trực tiếp kê đơn thuốc là điều kiện mà các hãng phân phối thuốc rất "ưu tiên".

* Ra phòng khám như là đi "xuất ngoại"

Đó là chữ dùng của bác sĩ Nguyễn Đồng. Bác sĩ Đồng cho hay, cách đây 3-4 năm việc một bác sĩ ở BVĐK tỉnh phải điều từ khoa điều trị ra phòng khám thì coi như bị đi đày bởi nhiều lý do trong đó có hai lý do cơ bản là: mỗi ngày phải khám hàng chục, thậm chí cả trăm ca rất chi là mệt nhọc. Thêm vào đó là việc chỉ khám và kê đơn mà hoàn toàn không theo dõi được bệnh nên không biết hiệu quả chữa bệnh của mình. Trong khi đó nếu được ở tại khoa điều trị, công việc nhàn nhã hơn lại có điều kiện rèn luyện tay nghề và nếu ai có ý thức mở phòng khám tư thì đây còn là một cơ hội để có thể quảng bá mình với bệnh nhân. Nhưng vài năm gần đây tình hình đã trở khác. Do tác động của "phong trào" bác sĩ làm TDV khiến bác sĩ phòng khám trở nên rất đắt giá, nhiều bác sĩ đang ở khoa điều trị tìm mọi cách tác động để được ra phòng khám! Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế, khi còn là Phó giám đốc BVĐK tỉnh từng chỉ trích một bác sĩ ở phòng khám: "Cậu nên cởi chiếc áo bờ-lu đi!" do vị bác sĩ này kê đơn "tàn bạo" để bán thuốc mà mình làm TDV; và ông cùng lãnh đạo bệnh viện cho điều chuyển bác sĩ ấy vào khoa điều trị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau khi bác sĩ Mỹ được điều về làm Phó giám đốc Sở Y tế, lại thấy vị bác sĩ này được phân trở lại ở phòng khám. Còn bác sĩ Nguyễn Đồng thì than vãn: "Ngay cả một bác sĩ trưởng khoa sắp về hưu khi Ban giám đốc điều chuyển vào khoa điều trị để công việc được nhẹ nhàng hơn vẫn nằng nặc xin ở lại phòng khám với lý do đã "quen việc" rồi!".

* Đủ kiểu bán hàng

Ở BVĐK tỉnh một thời gian khá dài tồn tại đến 2 hiệu thuốc: Hiệu thuốc số 10 của bệnh viện và Hiệu thuốc số 9 của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định. Đây không chỉ là việc làm trái với quy định của Bộ Y tế mà điều đáng nói hơn là trong thời gian tồn tại ấy, nhân viên bán hàng ở Hiệu thuốc số 9 không chỉ bán thuốc cho Công ty Dược - Trang thiết bị y tế mà còn nhận bán thuốc cho một số bác sĩ làm TDV công tác tại bệnh viện. Các bác sĩ này cứ vô tư mà kê đơn bằng các loại thuốc mà mình nhận làm TDV rồi chỉ bệnh nhân ra Hiệu thuốc số 9 để mua với giá... trên trời! Một số bác sĩ khác không làm TDV thì vì "tình cảm" hoặc vì "sự lại quả" trên đầu đơn mà "tiếp sức" để kê các mặt hàng thuốc cho các bác sĩ làm TDV này. Cách đây khoảng 2 tháng, khi Chỉ thị 05 của Bộ Y tế được triển khai, Ban giám đốc bệnh viện mới ra tay dẹp hiệu thuốc này! Bác sĩ Nguyễn Đồng cho biết: "Dù lý do đưa ra để dẹp bỏ hiệu thuốc này là thực hiện quy định của Bộ Y tế nhưng thực chất là chúng tôi muốn xoá sổ những tiêu cực phát sinh ở đây".

Tuy nhiên với một mạng lưới trình TDV khá dày tại BVĐK tỉnh, việc bác sĩ khống chế trong kê đơn không phải là đã hết. Chỉ tại phòng khám nội, trước đây chừng hơn 1 tháng (khi chưa chia một số bác sĩ sang khám bảo hiểm y tế), đã có 4/6 bác sĩ làm TDV hoặc có vợ làm TDV. Tại phòng khám này, một số thuốc được kê thường xuyên một cách bất thường như Aziwok (có gốc Azithromycine) là một loại kháng sinh mạnh và đắt tiền nhưng được kê để điều trị cho cả những bệnh rất thông thường, hay Reducin 25mg là một loại thuốc giảm đau có giá, được các bác sĩ kê đơn gửi tại các hiệu thuốc cao gấp đôi giá thị trường và một số loại thuốc khác như Prochon (thuốc bổ của Hàn Quốc), HI-CO (thuốc tăng tuần hoàn não), Yelon (chống viêm dạng men); còn ở một khoa khác thì đơn thuốc kháng sinh thường kê Loxof có giá 13.000 đồng/viên.

Một chủ nhà thuốc tây ở trước cổng bệnh viện cho biết hiện tại các hiệu thuốc ở đây nhận đến 80% mặt hàng thuốc của các TDV. Họ được phép bán xong thuốc mới thanh toán và mặc dù BVĐK tỉnh có chủ trương lưu đơn nhưng một số bác sĩ chẳng cần kê trong đơn in sẵn mà tự viết tên thuốc ra giấy và cũng chẳng cần ký tá gì. "Cứ nhìn nét chữ là biết ngay bác sĩ nào kê", ông chủ nhà thuốc này nói. Và dĩ nhiên thuốc kê chắc chắn là một loại biệt dược đắt tiền. Một chị bán thuốc khác phàn nàn: "Có bác sĩ kê đơn yêu cầu bệnh nhân mua thuốc và mang vào cho ông ta kiểm tra. Bệnh nhân này đến chỗ tôi mua và khi kiểm tra thấy không có mặt hàng thuốc mà ông làm TDV (dù rằng thuốc mà tôi thay vào có cùng tên gốc và rẻ tiền hơn nhiều) đã nằng nặc yêu cầu mang trả lại".

Mặc dù có chủ trương lưu đơn nhưng các bác sĩ là TDV cũng chẳng ngần ngại gì khi kê đơn cho mặt hàng thuốc của mình. Qua 2 lần bình đơn thuốc vừa được tổ chức trong thời gian gần đây, Ban giám đốc BVĐK tỉnh đã phát hiện thấy có trường hợp bác sĩ kê đến 70% đơn có chung một mặt hàng thuốc. Bác sĩ Nguyễn Đồng nói: "Thật buồn cười khi bệnh nhân là thanh niên có sức vóc mà bác sĩ lại cứ kê đơn cho mua sâm Hàn Quốc!". Một số đơn kê quá lạm dụng thuốc, ví dụ với mặt bệnh này thuốc chỉ sử dụng chừng vài trăm nghìn là bớt nhưng bác sĩ lại "nhiệt tình" kê loại thuốc đến hơn cả triệu bạc! Tại các khoa phòng hầu hết đều có bác sĩ làm TDV nên tình trạng thay đổi thuốc vẫn xảy ra luôn. Hôm nay bác sĩ này trực sẽ kê loại kháng sinh này, hôm sau đến phiên bác sĩ khác trực lại đổi qua kháng sinh khác. Ấy là chưa kể nhiều khoa, phòng trong BVĐK tỉnh còn nhâïn quà khuyến mãi của các hãng thuốc như tivi, dụng cụ y tế và cả việc hưởng hoa hồng 4000 - 5000 đồng trên một mũi thuốc chích! Một bác sĩ tâm sự: "Kê thuốc nào cũng vậy, vậy thì cứ kê loại có khuyến mãi để khoa còn được thêm một khoản tiền!" Một số hãng thuốc còn "chơi đẹp" mời các TDV, các bác sĩ tiêu thụ thuốc khá đi nước ngoài hoặc bao luôn một bữa tiệc tổng kết khoa hàng năm  có vài mươi khách.

* Chấn chỉnh như thế nào?

Trên tầm vĩ mô, thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm chấn chỉnh giá thuốc như chống độc quyền, giảm bớt khâu trung gian phân phối, tổ chức đấu thầu theo mặt hàng thuốc... Tuy nhiên ở mỗi bệnh viện không thể không có những biện pháp riêng nhằm chống việc liên kết nâng giá thuốc. Việc lưu đơn bằng kê đơn liên 2 của BVĐK tỉnh là một biện pháp tuy nhiên thời gian qua việc kiểm tra đơn và bình đơn chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. 2 lần tổ chức bình đơn gần đây, bệnh viện cũng chưa đưa ra giải pháp nào đủ mạnh trước những đơn thuốc kê bất hợp lý ngoài việc nhắc nhở, trừ tiền phúc lợi. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc BVĐK tỉnh cần ra tay mạnh mẽ hơn để thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Y tế mà động tác đầu tiên là yêu cầu các khoa, phòng và cả những bác sĩ trong bệnh viện ký cam kết không làm TDV, CTV cho các hãng thuốc, không liên kết kê đơn hưởng hoa hồng như BVĐK huyện An Nhơn vừa tổ chức thực hiện. Mặt khác cần nhanh chóng triển khai mạng LAN trong bệnh viện để kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê đơn.

Trên quy mô cả tỉnh, Sở Y tế cũng đang thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc bằng những cuộc thanh tra tại một số bệnh viện, nhà thuốc... và đưa ra các biện pháp yêu cầu không đưa thuốc bổ nhập ngoại vào danh mục thuốc của bệnh viện, thống nhất mỗi bệnh viện chỉ có một danh mục thuốc, không cho các bác sĩ đi xuất ngoại theo "ân sủng" của các hãng thuốc... Tuy nhiên hiện nay, ngay tại văn phòng Sở Y tế có một bác sĩ là cán bộ phòng Nghiệp vụ y (trưởng đoàn thẩm định hành nghề y dược tư nhân) đang làm TDV cho một hãng thuốc và một dược sĩ là cán bộ phòng Quản lý dược có vợ đứng tên làm TDV vậy thì chẳng biết số cán bộ này  "ăn nói" như thế nào mỗi lần đi kiểm tra, thẩm định?

. QK

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát hành sách giáo khoa: không thể độc quyền  (06/07/2004)
Bí ẩn… khăn lạnh  (06/07/2004)
Kết thúc đợt thi ĐH, CĐ khối A tại Cụm thi Quy Nhơn: Chỉ có 19 thí sinh vi phạm  (05/07/2004)
Hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật có nhiều chuyển biến  (05/07/2004)
Ấn tượng Quy Nhơn  (04/07/2004)
Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004: Sôi động trước giờ "G"   (02/07/2004)
Những gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu: Họ đều rất nỗ lực   (02/07/2004)
Cửa ngõ vào Quy Nhơn đang chìm trong "biển bụi"!   (01/07/2004)
Lực lượng vũ trang Bình Định: Có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa   (01/07/2004)
Công ty TNHH Mỹ Tài: Chủ động đào tạo nghề cho công nhân   (30/06/2004)
Ở một Chi bộ khu phố trong sạch vững mạnh nhiều năm liền  (30/06/2004)
Đi qua miền đất lở  (29/06/2004)
Tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2004 tại Cụm thi Quy Nhơn  (29/06/2004)
Thị trường sách Quy Nhơn: phong phú nhưng chẳng dễ mua   (28/06/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em  (28/06/2004)