Củng cố mạng lưới y tế cơ sở: Không nên "khoán gọn" cho ngành y tế
16:41', 8/7/ 2004 (GMT+7)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ở lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010 của tỉnh là củng cố mạng lưới y tế cơ sở (CCMLYTCS). Nhiệm vụ này được cụ thể bằng chiến lược "Chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGYTX) giai đoạn 2001-2010". Trên thực tế sau một thời gian thực hiện cho thấy để y tế xã chuẩn hóa được là cả một chặng đường đầy chông gai.

* Xây đã khó, duy trì càng khó

Năm 2002 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 370/2002/QĐ-BYT về "CQGYTX giai đoạn 2001-2010". Ngày 7-3-2003, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch CCMLYTCS. Và cũng trong năm 2003, Sở Y tế đã bắt tay vào tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện CQGYTX đến các đơn vị trực thuộc; các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Mạng lưới y tế cơ sở cần được củng cố, nâng cao năng lực phục vụ người dân

Tiêu chuẩn để đánh giá một xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu dựa trên 10 chuẩn trong bảng điểm do Bộ Y tế ban hành: xã hội hóa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; vệ sinh phòng bệnh; khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; nhân lực và chế độ chính sách; kế hoạch và tài chính cho trạm y tế; thuốc thiết yếu và sử dụng thuốc an toàn hợp lý. Việc đánh giá được thực hiện rất nghiêm ngặt đến từng điểm nhỏ của mỗi chuẩn. Theo đó, các xã, phường, thị trấn ở thành phố và đồng bằng phải đạt từ 90 điểm trở lên và các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 135 phải đạt 80 điểm trở lên (không có chuẩn nào bị điểm liệt) mới được công nhận đạt chuẩn.

Năm 2003, Bình Định có 15 xã, phường, thị trấn thuộc 6/11 huyện, thành phố đầu tiên đăng ký xây dựng CQGYTX. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ còn 12 xã "theo" đến cùng và được công nhận đạt chuẩn. 2 xã thuộc huyện Tây Sơn và 1 xã thuộc huyện Phù Mỹ qua đánh giá của Trung tâm Y tế huyện tự thấy không đạt đã bỏ cuộc. So với mặt bằng chung, đây là những trạm y tế có cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như năng lực hoạt động tương đối trong tổng số 155 xã. Tuy nhiên, thực chất có 9 xã đạt chuẩn cao nhất là Cát Minh (96,5 điểm) và Cát Tài (96,3 điểm), 3 xã còn lại mới dừng ở mức "chớm đạt".

Dược sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Trong số 10 chuẩn, xét trên thực tế của đợt đánh giá vừa qua cho thấy chúng ta đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Có nhiều chuẩn khi áp dụng vào thực tế đã tạo ra sự "lệch pha" vì chúng ta làm theo quy định cũ". Những hạn chế của các trạm rơi vào khá nhiều nội dung từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho đến vấn đề chuyên môn. Song, nhiều nhất vẫn phải kể đến là định biên cho cán bộ y tế (CBYT) hoạt động quá thiếu so với khối lượng công việc. Đơn cử, theo Nghị định 58 của Thủ tướng Chính phủ, những xã có khoảng 13.000 dân trở lên phải có 5-6 CBYT nhưng thực chất chỉ có 4 CBYT với kế hoạch thực hiện gần 13 chương trình quốc gia chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, trình độ của CBYT lại hạn chế. Toàn tỉnh có 743 CBYT, trong đó chỉ có 105 bác sĩ ở 84 xã, tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng. Riêng 3 huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) chỉ có 8 bác sĩ. Các chức danh còn lại là y sĩ, nữ hộ sinh và điều dưỡng trung học, trong khi quy định của chuẩn phải có ít nhất 7 chức danh. Thậm chí hiện nay vẫn còn tình trạng CBYT sơ học làm trưởng trạm ở xã đồng bằng, trong khi miền núi lượng bác sĩ thiếu trầm trọng nhưng không có nguồn tại chỗ để đào tạo. Về chuyên môn, yếu nhất có thể nói là chuẩn y học cổ truyền và khám chữa bệnh phục hồi chức năng. Các chỉ tiêu: tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh tại trạm y tế đạt từ 20% trở lên, tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hợp lý tại trạm y tế đạt từ 80% trở lên… hầu như rất hiếm đơn vị đạt được.

Bác sĩ Trương Quang Là, Trưởng trạm y tế phường Quang Trung (một trong những đơn vị được đánh giá rất cao trong đợt công nhận năm 2003), tâm sự: "Để đạt chuẩn đã khó nhưng duy trì và giữ vững chuẩn quốc gia lại càng khó hơn". Và đây cũng chính là nỗi lo khiến nhiều đơn vị hoạt động khá tốt phải "e dè" khi đặt bút đăng ký đạt chuẩn.

* Làm gì để đến đích vào năm 2010?

Chỉ còn 6 năm nữa để 143 xã, phường, thị trấn đi đến đích là đạt CQGYTX. Dược sĩ Phạm Thị Thanh Hương băn khoăn: "Việc xây dựng CQGYTX đã tạo ra một phong trào rất tốt, là động lực thúc đẩy đơn vị, địa phương tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Tuy nhiên, lo nhất là các đơn vị đăng ký sau này, đặc biệt đối với các xã miền núi. Năm 2004, Bình Định có 43 xã, phường đăng ký đạt chuẩn và chúng tôi thực sự rất lo cho năng lực yếu và thiếu của 3 đơn vị miền núi là thị trấn Vân Canh (Vân Canh), An Hòa (An Lão), Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh)".

Ngoài việc tăng cường chuyên môn, kinh nghiệm từ các đơn vị có nhiều thành tích trong xây dựng và CCMLYTCS cho thấy, chỉ khi nào xây dựng được mối quan hệ giữa ngành y tế và các ban ngành hữu quan đóng tại địa phương mới tạo được hiệu ứng, nền tảng cho các xã, phường, thị trấn xây dựng chuẩn y tế cơ sở. Bác sĩ Lê Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, cho biết: "Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Trung tâm y tế sẽ hỗ trợ nhưng cũng chỉ ở mức tương đối do vậy sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền địa phương là động lực rất lớn giúp các đơn vị hoàn thành các chuẩn đặt ra." 2 xã vừa đạt chuẩn năm 2003 của huyện An Nhơn là Nhơn Hạnh và Nhơn Hậu đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ cấp ủy và chính quyền địa phương, không chỉ trong thời gian xây dựng chuẩn mà cả khi đã đạt chuẩn. Năm 2003, 2 xã này đã trích kinh phí cả trăm triệu đồng sửa chữa và bổ sung trang thiết bị cho trạm y tế. Còn Trạm y tế phường Quang Trung thì ngoài sự đỡ đầu của UBND phường, đã biết tranh thủ sự hỗ trợ vững chắc từ các đơn vị: Công ty Dược - TTBYT tỉnh, Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa, Trung tâm Phục hồi chức năng lao động…

Từ thực tế đã nêu cho thấy, việc xây dựng CQGYTX không nên chỉ "khoán gọn" cho ngành y tế mà rất cần có sự tham gia tích cực của cấp ủy và chính quyền, của nhiều ban ngành và sự nỗ lực chung của cộng đồng. Có như vậy mới mong đích đến của CCMLYTCS được thực hiện trọn vẹn trong vòng 6 năm tới.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đổi thẻ đảng viên đợt I: Đảm bảo các nội dung, yêu cầu và tiến độ   (08/07/2004)
Mặt trận - chiếc cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước   (07/07/2004)
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: Khi bác sĩ làm trình dược viên  (07/07/2004)
Phát hành sách giáo khoa: không thể độc quyền  (06/07/2004)
Bí ẩn… khăn lạnh  (06/07/2004)
Kết thúc đợt thi ĐH, CĐ khối A tại Cụm thi Quy Nhơn: Chỉ có 19 thí sinh vi phạm  (05/07/2004)
Hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật có nhiều chuyển biến  (05/07/2004)
Ấn tượng Quy Nhơn  (04/07/2004)
Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004: Sôi động trước giờ "G"   (02/07/2004)
Những gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu: Họ đều rất nỗ lực   (02/07/2004)
Cửa ngõ vào Quy Nhơn đang chìm trong "biển bụi"!   (01/07/2004)
Lực lượng vũ trang Bình Định: Có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa   (01/07/2004)
Công ty TNHH Mỹ Tài: Chủ động đào tạo nghề cho công nhân   (30/06/2004)
Ở một Chi bộ khu phố trong sạch vững mạnh nhiều năm liền  (30/06/2004)
Đi qua miền đất lở  (29/06/2004)