Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện An Lão được thành lập vào năm 1984, nơi ưu tiên đào tạo kiến thức phổ thông cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Trải qua 18 năm giảng dạy và học tập, từ niên học 2002-2003 nhà trường đã xây dựng quy ước giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
|
Học sinh người Bana đang đọc báo Bình Định |
Đây là một việc làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục toàn diện học sinh dân tộc thiểu số, loại bỏ dần những thói quen, tập tục lạc hậu còn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc. Điều đáng mừng là học sinh người Hre, Bana ở An Lão mỗi năm vào học ở Trường PTDTNT huyện ngày càng tăng (kể cả hệ nội trú, bán trú và phổ thông). Từ năm học 2002-2003, lần đầu tiên trường tổ chức giảng dạy hệ trung học phổ thông với 3 lớp 10, có 105 em học sinh dân tộc theo học, chấm dứt tình trạng hàng trăm học sinh người dân tộc thiểu số học hết lớp 9 phải nghỉ học hoặc chuyển sang học nghề, vì việc tiếp tục vào học ở Trường PTDTNT tỉnh thì có hạn, còn ở địa phương lâu nay chưa có trường hệ trung học phổ thông dành cho con em người dân tộc thiểu số.
Hiện nay Trường PTDTNT An Lão có hơn 1.000 học sinh theo học thì đã có 714 em là người Hre, Bana, chiếm 69,3% tổng số học sinh, trong đó học sinh ăn, ở nội trú có 203 em, bán trú 406 em (đang học từ lớp 6 đến lớp 10). Cơ sở vật chất ở Trường PTDTNT An Lão đã được trang bị khá khang trang với 15 phòng học 3 tầng, 10 phòng học cấp 4. Học sinh ăn ở nội trú được bố trí phòng ốc, giường tủ đầy đủ gọn gàng ngăn nắp. Chất lượng giáo dục đào tạo học sinh ngày một tăng. Thầy giáo Nguyễn Văn Chung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Đa số học sinh người dân tộc thiểu số đều có tư cách đạo đức tốt, hiền, thật thà, chăm học, biết vâng lời thầy cô, yêu thích các hoạt động văn nghệ, thể dục- thể thao. Tuy nhiên vẫn còn một số học sinh uống rượu say quậy phá, hút thuốc, tự ý bỏ học, có vợ có chồng trước tuổi quy định…". Vì vậy thầy, cô giáo ở Trường PTDTNT An Lão ngoài nhiệm vụ lên lớp giảng dạy còn phải làm chức năng người cha, người mẹ thứ hai lo cho học sinh bữa ăn, chỗ ngủ, sinh hoạt và học tập ở nhà.
Để khắc phục tình trạng thiếu lành mạnh, vi phạm các qui định của pháp luật Nhà nước, từ năm học 2002-2003 Trường PTDTNT An Lão đã phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình xây dựng Bản quy ước quy định các hành vi vi phạm của học sinh và biện pháp xử lý, bao gồm 9 điều và 8 đề nghị thực thi. Nội dung bản quy ước quy định nghiêm ngặt học sinh được nghỉ phép khi người nhà viết giấy phép. Nghiêm cấm học sinh tự ý bỏ học, uống rượu, bia, hút thuốc lá, gây mất đoàn kết, vô lễ với thầy cô giáo, quan hệ nam nữ thiếu lành mạnh, cố tình làm hư hỏng, mất mát tài sản của nhà trường… Ban giám hiệu sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, thông báo về gia đình, đuổi học trả về địa phương.
Khi hỏi về việc thực hiện quy ước quản lý, giáo dục ở Trường PTDTNT An Lão trong 2 năm học qua, ông Đinh Văn Miên - phụ huynh học sinh ở xã An Dũng, tâm sự: "Việc thực hiện quy ước quản lý giáo dục học sinh ở Trường PTDTNT An Lão là tốt. Tuy nhiên hầu hết các em người dân tộc thiểu số có tâm lý nghe những lời thuyết phục ngọt ngào hơn so với việc áp dụng các biện pháp kỷ luật cứng rắn".
Trong lần gặp chúng tôi mới đây, thầy giáo Nguyễn Văn Chung - Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT An Lão - vui vẻ báo tin: Bản quy ước quản lý, giáo dục học sinh ở Trường PTDTNT An Lão đã thực sự phát huy hiệu quả, đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm quy ước.
. Hoàng Nam Quốc
|