Liên hoan gia đình văn hóa (GĐVH) huyện An Lão lần thứ I năm 2004 diễn ra giữa lúc cả huyện sôi nổi chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng An Lão. Có 22 GĐVH tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn GĐVH toàn huyện về tham dự, có 12 GĐVH là người dân tộc H’re, Bana. Liên hoan được chia thành 2 vòng sơ khảo và chung kết.
Ở vòng thi sơ khảo, sau phần tự giới thiệu, các gia đình tham gia các phần thi: hùng biện, hiểu biết xã hội, thi sáng tác thơ chuyển thể bài chòi, nấu bữa ăn gia đình, cắm hoa (với người Kinh); thi hát dân ca, làm bánh tét, đan lát (với người dân tộc thiểu số). Phần thi hùng biện, các gia đình tự chọn chủ đề là một trong những tiêu chí về xây dựng GĐVH. Mỗi bài hùng biện không quá 4 phút, đa số các gia đình trình bày ngắn gọn, khúc chiết vấn đề mình đưa ra. Các tiêu chí được chọn trả lời đều gần gũi với địa phương như: vấn đề độ tuổi trẻ em đến trường, quan niệm hạnh phúc gia đình, phòng chống tệ nạn tự tử, kế hoạch hóa gia đình…
Phần thi nấu bữa ăn gia đình thu hút đông đảo khán giả đến xem. Các gia đình tự nấu ăn tại chỗ với số tiền quy định 30.000 đồng cho 4 người ăn với yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như: chất bột, vitamin, muối khoáng… Những hương vị quê nhà như cá niêng, rau dớn, tôm suối đều được tận dụng đưa vào nấu nướng ở đây. Nhìn sự tất bật chuẩn bị bữa ăn cho gia đình của các "đấng mày râu" mới thấy quan niệm "trọng nam khinh nữ" đã lỗi thời. Cuộc thi đã chứng tỏ được việc xây dựng tổ ấm gia đình hôm nay dựa trên sự bình đẳng trong quan hệ gia đình: vợ - chồng, bố mẹ - con cái…
Đến vòng chung kết, cuộc thi lại càng quyết liệt hơn bởi chỉ còn 10 gia đình tham dự. Đêm chung kết lôi cuốn đông đảo bà con tới xem và cổ vũ nhiệt tình. Các gia đình lại phải trải qua phần thi hùng biện nhưng với tiêu chí khác với tiêu chí đã trình bày trước, phần sáng tác thơ chuyển thể bài chòi, thi hát dân ca cũng vậy.
Ấn tượng của Liên hoan gia đình văn hóa lần đầu tiên tổ chức ở An Lão là sự tham gia nhiệt tình của các gia đình, có những gia đình tận vùng cao An Toàn, An Nghĩa cũng về dự… Tất cả họ cùng góp sức tạo nên sự thành công của liên hoan. Phần phổ thơ thành bài chòi, hát dân ca các làn điệu ca lêu, ca choi, các tiết mục văn nghệ đã góp phần làm cho Liên hoan gia đình văn hóa sôi động hẳn.
Chị Mai Thị Thúy Phượng, giải nhất của khối đồng bằng cho biết: "Chúng tôi phải tìm hiểu nhiều tư liệu về tiêu chuẩn GĐVH, làng văn hóa do cơ quan VHTT, LĐLĐ huyện cung cấp. Ở mỗi phần thi, gia đình tôi đã có sự chuẩn bị kỹ, phân công cụ thể từng thành viên. Ví dụ như: phần nấu ăn phải làm sao cho bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với số tiền quy định và điều quan trọng là nhìn vào mâm cơm, chưa ăn đã thấy cảm giác ngon miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức hấp dẫn. Gia đình tôi cũng như các gia đình tham dự liên hoan lần này mong muốn rằng huyện nên tổ chức nhiều cuộc thi như thế này để chúng tôi có điều kiện giao lưu, học hỏi trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống".
Những ai đến xem liên hoan đều thực sự hài lòng với bài hùng biện của chị Đinh Thị Tuyết người dân tộc H’re, xã An Trung về tiêu chí KHHGĐ. Và giải nhất khối miền núi đã thuộc về chị.
Liên hoan gia đình văn hóa huyện An Lão lần thứ I thật sự là một sân chơi bổ ích, giúp mọi người tìm hiểu kỹ hơn về các tiêu chí xây dựng GĐVH và làng văn hóa để áp dụng vào thực tế. Cuộc thi tạo đà để phong trào xây dựng GĐVH ngày một nhân rộng và phát triển.
. Thy Phương
|