Tôi đã từng làm gia sư cho rất nhiều học sinh khi còn là sinh viên và cảm nhận của tôi khi đó là học sinh học văn như là một cỗ máy nhai lại. Có thể nói, việc không coi trọng, uốn nắn từ các lớp nhỏ đã tạo nên cho học sinh một thái độ dửng dưng đối với môn văn.
|
Có tới 81% học sinh cho rằng không thích học môn văn (ảnh minh họa) |
Trước khi làm một bài tập làm văn nào trên lớp, giáo viên dặn học sinh về học thuộc lòng bài văn đó trong sách mẫu, rồi hôm sau cứ y như thế mà chép ra. Và khi chấm bài thì có rất nhiều những điểm 7 điểm 8. Đọc bài của đứa cháu, giống như in sách mẫu, nhìn điểm 8 mà cô giáo cho, tôi thấy thật hổ thẹn.
Việc không coi trọng, uốn nắn từ các lớp nhỏ đã tạo nên cho học sinh một thái độ dửng dưng đối với môn văn. Thậm chí giáo viên cũng không định hướng cho học sinh hiểu tác dụng to lớn của việc học văn như thế nào. Khi cô giáo cho một đề bài "Tả về một trận lũ lụt mà em đã từng chứng kiến ở địa phương em hoặc thấy trên tivi" thì ít ra giáo viên cũng nên định hướng cho học sinh hiểu giá trị cốt lõi của đề bài này là ở chỗ nào, đâu chỉ có đơn giản là tả một trận lũ lụt mà đằng sau bài viết đó phải làm cho học sinh thấy được nguyên nhân gây ra lũ lụt, và trách nhiệm của học sinh đối với việc bảo vệ rừng là như thế nào. Khi cầm đề bài, đứa cháu của tôi không thể nào viết được, hóa ra nó không thể nào hình dung ra một trận lũ lụt vì một lý do rất trẻ con: "Cháu chưa chứng kiến và chưa thấy lũ lụt trên tivi nên cháu không biết tả".
Như vậy nguyên nhân trước hết đó là do phía giáo viên không tập trung vào tạo niềm hứng thú học văn cho học sinh ngay từ những lớp nhỏ và cũng không có một phương pháp giảng dạy thật sự tối ưu, giúp học sinh hiểu và cảm sâu sắc những giá trị văn chương. Tất nhiên không phải giáo viên nào cũng như thế nhưng xem ra số lượng giáo viên dạy thành công môn văn chỉ có thể tính được trên đầu ngón tay.
Nguyên nhân thứ hai là do học sinh. Học sinh ở cấp 1 và cấp 2 thường hay ỷ lại vào bài mẫu, không chịu tìm tòi, sáng tạo, lười đọc truyện hoặc thơ để nâng cao khả năng cảm nhận ngôn từ. Niềm đam mê của các em vẫn là những cuốn tập truyện Đô rê mon hay là Taczang mà thôi. Những câu chữ ngắn cũn cỡn không đúng cấu trúc ngữ pháp của các tập truyện tranh đã xuất hiện ngay trong các bài làm của các em. Mất gốc, mất niềm đam mê ngay từ những lớp nhỏ đã tạo cho các cô cậu tú tương lai một thái độ thờ ơ với môn văn.
Các em học sinh cấp 3 thường học lệnh, chỉ tập trung vào các môn tự nhiên còn môn văn thì coi đó là môn học miễn cưỡng, cốt làm thế nào không bị rơi vào điểm liệt là được. Chúng tôi đã làm một cuộc điều tra sơ bộ về việc học môn văn của học sinh hiện nay ở một số trường PTTH, kết quả thật đáng quan ngại: có tới 81% học sinh cho rằng không thích học môn văn, 10% học sinh cho rằng có thích nhưng không thể nào mà học cho tốt, còn lại 9% học sinh thích và yêu mến môn văn.
Đứng trên góc độ quản lý, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất một giải pháp tối ưu để tránh tình trạng học sinh học lệch. Có thể áp dụng việc thi bắt buộc đối với môn văn trong tất cả các trường đại học hoặc ra quy định số điểm môn văn phải đạt yêu cầu là bao nhiêu mới đủ điều kiện để dự thi vào các trường đại học… Mặt khác, Bộ cần chỉ đạo cho các sở giáo dục có biện pháp thanh tra, kiểm tra đối với các trường có số giáo viên thiếu nhưng không nhận thêm giáo viên mới ra trường để một giáo viên phải dạy nhiều lớp dẫn đến chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng.
Ban giám hiệu các trường phổ thông nên tạo điều kiện cho các tổ văn trong trường thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ văn học, tổ chức các cuộc thi sáng tác văn thơ hay những buổi nói chuyện chuyên đề về tầm quan trọng của việc học môn văn đối với việc hình thành nhân cách của học sinh, có như thế mới lôi kéo học sinh trở lại với môn văn.
Về phía các giáo viên dạy văn nên cải tiến phương pháp. Nếu phương pháp giảng dạy văn cũ coi người thầy là trung tâm đã không phát huy được vai trò đồng sáng tạo của học sinh thì phương pháp dạy văn mời với cấu trúc tương tác giữa ba chủ thể thầy, tác phẩm và học sinh phần nào đã tạo cho học sinh một khả năng cảm thụ độc lập và có sáng tạo. Phương pháp này coi giáo viên chỉ là người khơi nguồn còn học sinh mới là nhân vật trung tâm, học sinh là người trực tiếp đi vào mổ xẻ, phát hiện những khía cạnh độc đáo của tác phẩm văn chương.
Cách đây không lâu, tổ văn trường THPT Trưng Vương - Quy Nhơn - đã tổ chức thảo luận về chuyên đề "giảng văn ngắn gọn theo phương pháp đối chứng nhằm phát huy tính tích cực của học sinh" cũng được coi là một phương pháp tích cực nhằm phát huy vai trò chủ thể của học sinh.
. Nguyễn Trung Kiên |