Vừa qua, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử tỉnh nhà đã họp đại hội thành lập Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định, thành viên tự nguyện của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng thời cũng là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định.
|
Thầy, cô giáo và học sinh Trường Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn tham quan Nhà truyền thống các LLVT tỉnh (ảnh: Phạm Biết) |
Tuy Hội Sử học Bình Định ra đời khá muộn màng, nhưng đó là đòi hỏi khách quan, là tín hiệu đáng mừng đối với tỉnh nhà. Từ thuở hoang sơ cho đến buổi bình minh lập phủ chiêu dân rồi trở thành một đơn vị hành chánh cấp tỉnh ngày càng phát triển như hôm nay, tỉnh Bình Định đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, huy hoàng, oanh liệt có mà bi thương cay đắng cũng có. Đang còn biết bao sự kiện lịch sử trọng đại mang ý nghĩa truyền thống, mang bản sắc văn hóa dân tộc có tính giáo dục cao đến nay chưa được khám phá, nghiên cứu, kết luận bảo đảm tính chân thật lịch sử.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cơ quan chức năng đã cố gắng sưu tầm tư liệu, tổ chức nghiên cứu, giám định, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử địa phương, song vẫn còn nhiều vấn đề chưa được đi sâu tìm hiểu. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định, ngôi nhà chung của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử sẽ phát huy trí tuệ tập thể thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện, giám định các đề tài, các sự kiện lịch sử, đi đôi với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học lịch sử, tổ chức nghiên cứu, biên soạn một số công trình lịch sử có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Dân gian có câu Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tập hợp trong một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tiềm năng, tiềm lực nghiên cứu, giảng dạy lịch sử của tỉnh nhà sẽ được phát huy và nhân lên gấp bội. Tình trạng có quá nhiều véc-tơ ngược chiều mang tính tiêu cực, có một vài người lợi dụng cương vị tìm cách "thao túng" để được "độc quyền" nhận lãnh nghiên cứu, biên soạn các đề tài lịch sử chắc chắn không thể xảy ra.
Vạn sự khởi đầu nan. Ra đời trong hoàn cảnh "ba không" (không được cấp kinh phí, không có biên chế bộ máy, không có trụ sở), trước mắt Hội Sử học Bình Định sẽ gặp vô vàn khó khăn. Phải tự thân vận động. Phải tự tạo nguồn thu để trang trải các hoạt động của Hội. Để tránh nguy cơ biến thành một "hội trang trí", những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, trước hết là Chủ tịch, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội cần tăng cường đoàn kết, toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp sử học tỉnh nhà, năng động, sáng tạo tìm đối tác, khai thác các nguồn tài trợ, tạo lực đẩy ban đầu đồng thời tích cực triển khai các hoạt động dịch vụ khoa học lịch sử.
Hội Sử học là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nghề nghiệp đối với Hội Sử học không phải là nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường mà là nghề nghiệp nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực xã hội - nhân văn. Chất lượng tư vấn, phản biện, giám định và dịch vụ khoa học lịch sử, chất lượng các công trình nghiên cứu, biên soạn là thước đo uy tín, ảnh hưởng và hiệu quả hoạt động của Hội Sử học.
Vận động thành lập Hội đã khó, tạo đầy đủ các tiền đề và điều kiện bảo đảm Hội hoạt động hiệu quả lại càng khó hơn. Trên cơ sở phát huy nội lực, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của các tổ chức, các cá nhân và tập thể người Bình Định trong nước và ngoài nước tâm huyết với sự nghiệp sử học tỉnh nhà, tin rằng Hội Sử học Bình Định sẽ đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong thời gian tới.
. Hoài Nam |