Công tác tư tưởng với phát triển bền vững kinh tế biển ở Bình Định
8:41', 14/7/ 2004 (GMT+7)

Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Bình Định đã xác định rõ mục tiêu phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong những năm 2000-2005 và 2000-2010: "Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển; đưa nuôi trồng thủy sản thành một ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn…", tạo điều kiện để kinh tế tỉnh Bình Định phát triển và phát triển bền vững. Như vậy, rất sớm tỉnh Bình Định đã đánh giá đúng vai trò, vị trí và lợi thế của tỉnh về phát triển kinh tế biển. Bởi vì, Bình Định có khoảng 2.500 km2 diện tích vùng lãnh hải, trên 40.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế và có bờ biển dài 134km, có nhiều eo, vũng, cửa biển. Bình Định còn có 27 đơn vị hành chính cấp xã, phường gắn với biển với tổng số dân là 309.862 người. Đây là một lợi thế vô cùng lớn của tỉnh để mở rộng diện tích, đầu tư kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Bình Định có hơn 7.600 ha mặt nước lợ; hàng ngàn ha vùng đất nông nghiệp nhiễm mặn có thể nuôi trồng thủy sản; 5.176 ha diện tích nước ngọt tự nhiên và trên 1.000 ha cát ven biển có khả năng nuôi tôm. Chủ trương phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ có công suất lớn, hiện nay Bình Định có gần 6.000 chiếc tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có 2.500 chiếc có công suất từ 45CV trở lên. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 88.000 tấn. Hệ sinh thái của tỉnh thích hợp cho nhiều loại hải sản có giá trị cao được thị trường trong, ngoài ước ưa chuộng: tôm, cá ngừ đại dượng, mực, cá các loại…

Đông đảo đoàn viên, thanh niên thu gom rác thải, xử lý bảo vệ môi trường ven biển xanh, sạch, đẹp

Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam cho thấy, từ bao đời nay mỗi đội quân xâm lược đều sử dụng biển làm một trong những hướng chính để tấn công nước ta. Vì vậy, vùng biển và ven biển có vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng về an ninh, quốc phòng. Biển còn có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú; du lịch biển có ưu thế hơn hẳn các vùng khác trong nội địa, hiện nay việc khai thác du lịch biển ở Bình Định chưa phát triển tương xứng với tầm vóc của nó. Trong tương lai, Bình Định sẽ trở thành một nơi du lịch lý tưởng với những rặng san hô nguyên sinh, những thảm thực vật biển đa dạng và phong phú chủng loại, với những bãi cát vàng chạy dài vô tận, khí hậu mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông do có sự điều hòa nhiệt của biển.

Tuy nhiên, để phát triển kinh tế biển đúng hướng và bền vững một vấn đề không thể thiếu được đó là bảo vệ môi trường. Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển của chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Một phần do kinh phí đầu tư để bảo vệ môi trường biển hạn chế, một phần do áp lực về phát triển kinh tế dẫn đến hiện tượng đánh bắt hải sản vô tổ chức, dùng mọi phương tiện đánh bắt, kể cả những phương tiện mang tính chất hủy diệt thủy hải sản như xung điện, xiếc máy… Mặt khác, do nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển còn yếu; nhiều người coi biển như một nơi cung cấp thủy hải sản vô tận vì vậy "triệt để" đánh bắt cho đến cạn kiệt. Bên cạnh đó, có người còn xem biển là nơi chứa chất thải do vậy các chất thải của sản xuất, sinh hoạt chưa được qua xử lý đều trực tiếp đổ ra biển. Lượng xăng, dầu và các chất thải khác của các tàu đánh cá, tàu vận tải qua lại trên địa phận tỉnh thải ra và rơi vãi cũng tạo thành một lượng ô nhiễm đáng kể trên biển…

Trong điều kiện của một tỉnh nghèo, vốn đầu tư cho phát triển còn hạn chế, do vậy, hơn lúc nào hết Bình Định cần có chính sách đầu tư thông thoáng, tạo môi trường hấp dẫn thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Muốn vậy, trước tiên Bình Định phải có được môi trường sinh thái biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2003, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ đa dạng sinh học và Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định; Kế hoạch hành động bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010. Đó là điều kiện tiên quyết để Bình Định thực hiện chiến lược "Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển. Đưa nuôi trồng thủy sản thành một ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn" như Nghị quyết Đại hội XVI tỉnh Đảng bộ đã đề ra. Mặt khác, muốn thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay mà công tác tư tưởng ở Bình Định phải tích cực làm là:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tăng cường sự hiểu biết về biển-đảo và các chủ trương, đường lối, chính sách lớn phát triển kinh tế biển-đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

- Tuyên truyền và giáo dục cho quần chúng nhân dân ý thức và trách nhiệm về giữ gìn, bảo vệ, nuôi dưỡng môi trường biển và trở thành ý thức thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các trung tâm dịch vụ nghề cá ở Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan, Hà Ra. Xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật thủy sản. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngăn chặn có hiệu quả các hình thức khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức lại sản xuất trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, khôi phục nguồn lợi thủy sản ven bờ, nâng cao hiệu quả và cải thiện đời sống nhân dân ven biển. Tập trung khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các cửa sông, đầm, hồ, vũng, ở các cảng cá và cảng Quy Nhơn; có quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiến hành xử phạt thật nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

- Tập trung khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, cơ sở vật chất, các nguồn lực, phát triển du lịch biển kết hợp phát triển đa dạng loại hình du lịch. Gắn phát triển du lịch với phát triển các ngành kinh tế, xã hội trên địa bàn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn cảnh quan, môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là một vấn đề không thể thiếu được trong quá trình phát triển đi lên của đất nước. Tuy nhiên bảo vệ và cải thiện môi trường phải được coi là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Tích cực và chủ động phòng ngừa những tác động xấu đối với môi trường là trách nhiệm của mỗi chúng ta, nhất là phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển.

. Nguyên Hùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội Sử học Bình Định ra đời - Một tín hiệu đáng mừng  (13/07/2004)
Học sinh phổ thông học văn: Thực trạng buồn  (13/07/2004)
Ghi nhận từ Liên hoan gia đình văn hóa huyện An Lão lần thứ I   (12/07/2004)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú An Lão: Thực hiện tốt quy ước quản lý, giáo dục học sinh   (12/07/2004)
Dấu ấn mùa thi   (11/07/2004)
Ai đã tiếp tay cho gia đình ông Lê Đức Tỏ?   (09/07/2004)
Đi dân nhớ, ở dân thương   (09/07/2004)
Củng cố mạng lưới y tế cơ sở: Không nên "khoán gọn" cho ngành y tế   (08/07/2004)
Đổi thẻ đảng viên đợt I: Đảm bảo các nội dung, yêu cầu và tiến độ   (08/07/2004)
Mặt trận - chiếc cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước   (07/07/2004)
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: Khi bác sĩ làm trình dược viên  (07/07/2004)
Phát hành sách giáo khoa: không thể độc quyền  (06/07/2004)
Bí ẩn… khăn lạnh  (06/07/2004)
Kết thúc đợt thi ĐH, CĐ khối A tại Cụm thi Quy Nhơn: Chỉ có 19 thí sinh vi phạm  (05/07/2004)
Hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật có nhiều chuyển biến  (05/07/2004)