Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Geneve (20.7.1954-20.7.2004):
Chuyện người lính may cờ bên sông Bến Hải
17:48', 18/7/ 2004 (GMT+7)

Trong những tháng năm chiến tranh ác liệt, ông đã miệt mài may những lá cờ Tổ quốc để treo lên cột cờ Hiền Lương. Đó là ông Nguyễn Đức Lãng, quê ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, nay đang sinh sống tại khu phố 7, phường 5, thị xã Đông Hà (Quảng Trị).

Ông Nguyễn Đức Lãng

Năm 1959, vừa bước vào tuổi 20, chàng trai Nguyễn Đức Lãng háo hức lên đường nhập ngũ trong đoàn quân đầu tiên thực hiện nghĩa vụ quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau một thời gian được huấn luyện tân binh ở đặc khu Vĩnh Linh, anh được điều về công tác ở phòng hậu cần thuộc lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh. Năm 1960, anh được cấp trên giao nhiệm vụ ra kho 101 Cục tham mưu bộ tư lệnh ở Hà Nội để nhận cờ về treo trên cột cờ Hiền Lương. Thời đó, cờ Tổ quốc có rất nhiều cỡ, anh nhận về 2 loại: loại cỡ 4,8m x 3,2m dùng để treo trên cột cờ Hiền Lương tạm làm bằng thân của cây phi lao. Loại 4m x 6m dùng treo trên cột cờ bằng sắt. Những lá cờ Tổ quốc được anh gói ghém cẩn thận, gùi cõng an toàn mang về treo trên cột cờ Hiền Lương. Những ngọn cờ ngày ngày tung bay trong niềm tự hào của nhân dân bờ Bắc và thỏa lòng mong ngóng của đồng bào ruột thịt ở bờ Nam.

Cách một quãng của dòng sông Bến Hải, từ phía bờ Nam, mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió ở phía bờ Bắc là bọn giặc vô cùng căm tức, chúng lồng lộn nã đạn liên hồi để phá rối, chúng thường xuyên cho tăng chiều cao của cột cờ và cho may những lá cờ ba que to hơn. Để đáp lại, phía ta cũng cho tăng chiều cao của cột cờ và không ngừng tăng diện tích của những lá cờ. Lúc cột cờ của ta có chiều cao cao nhất là 38,6 mét và diện tích của lá cờ là 96 m2 (loại 8m x 12m), đó là thời điểm năm 1962.

Thời gian đầu, anh Lãng thường xuyên ra Hà Nội để nhận những lá cờ như thế về treo, nhưng hoàn cảnh chiến tranh ngày mỗi thêm ác liệt, bọn địch ở bờ Nam ngày mỗi tăng cường bắn phá dữ dội ra hướng bờ Bắc. Khoảng cách từ Vĩnh Linh ra Hà Nội lại quá xa, trong lúc điều kiện về phương tiện giao thông và đường sá thời bấy giờ vô cùng hạn chế. Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh quyết định cấp tiền cho lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh tự mua vải về để may cờ. Anh Lãng lại được phân công nhiệm vụ đi mua vải mang về thuê Hợp tác xã May Nam Hồng ở xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh may, cứ mỗi lá cờ như thế phải thanh toán tiền công may đến 15 đồng (đây là một khoản tiền rất lớn vào thời điểm này). Toan tính đủ mọi phương cách để làm sao giảm được chi phí trong việc may cờ, và thế là trung sĩ Nguyễn Đức Lãng đã mày mò để học cách tự may cờ.

Khi đã may thạo, ngay lập tức đơn vị điều động cho anh một chiếc máy may Liên Xô. Những lá cờ đầu tiên anh may có chút ít bỡ ngỡ, nhưng sau đó thì "mô cũng vô nấy cả". Cứ trung bình 5 ngày anh Lãng hoàn tất việc may 2 lá cờ, mỗi lá may hết 122 mét vải màu đỏ, 12 mét vải màu vàng. Do điều kiện chiến tranh không mua được vải xoa, anh phải may cờ bằng vải của dệt Nam Định loại khổ 80, ký hiệu 152, trên mỗi biên cờ phải may đến 5-6 đường chỉ, mới hy vọng chịu nổi sức gió. Mỗi lá cờ thời đó, sau khi may xong, đóng gói thì cân nặng đến 12kg.

Ngày tháng cứ qua đi như thế, để ngọn cờ Tổ quốc mãi mãi tung bay trên bờ sông giới tuyến, anh Lãng đã phải ngày đêm cần mẫn may cờ. Thời đó, cứ gần một tháng là thay một lá cờ mới, nhưng mùa gió Lào thì 15 ngày đã phải thay cờ. Vậy là mỗi năm anh Lãng phải may từ 10 đến 12 lá cờ diện tích 96 m2. Những năm 1967-1968, địch ngày càng leo thang ra đánh phá miền Bắc ác liệt, vùng giới tuyến Vĩnh Linh trở thành một vành đai lửa, là tọa độ số một trong kế hoạch oanh kích của quân thù. Sau mỗi cuộc bắn phá ác liệt là cờ Tổ quốc bên dòng sông Bến Hải lại bị rách tả tơi. Vậy là, một phần phải may lại cờ mới, một phần những lá cờ bị rách thì nhờ vào đôi bàn tay và tấm lòng của mẹ Nguyễn Thị Diệm (Vĩnh Linh) vá lại.

Ngoài công việc may, vá để những ngọn cờ đỏ sao vàng thường xuyên tung bay trên vùng trời giới tuyến, anh Lãng còn nhận nhiệm vụ may những lá cờ cỡ 4m x 6m để cung cấp cho các Đồn Mũi Si, Cửa Tùng, Cù Bai, Huỳnh Thượng, Phát Lát… Những phút rảnh rang anh còn may vá áo quần cho anh em đồng đội.

Năm 1968, anh được cấp trên cử ra Bắc để tập huấn lớp quân chính kéo dài 6 tháng, sau đó trở về Vĩnh Linh tiếp tục nhiệm vụ may cờ Tổ quốc cho đến năm 1973. Năm 1974, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, anh được tổ chức điều động vào với chiến trường khu 5 và được bổ sung vào lực lượng an ninh Phú Yên. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, anh về làm trợ lý hậu cần lực lượng Công an vũ trang tỉnh Phú Khánh. Năm 1979, anh nghỉ hưu với cấp hàm trung úy, sau đó anh đưa gia đình về định cư tại thị xã Đông Hà cho đến ngày nay.

Bây giờ thì chàng trai Nguyễn Đức Lãng, người may cờ bên sông giới tuyến năm xưa, đã thành một ông già qua tuổi "thất thập cổ lai hy". Từ ngày nghỉ hưu đến giờ ông vẫn tham gia vào công tác Đảng ở địa phương, hiện ông là Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam phường 5, thị xã Đông Hà. Anh con trai cả của ông là kỹ sư xây dựng, người con trai kế nay là sĩ quan an ninh, cô con gái út là giáo viên ngoại ngữ. Cả ba người con ông đều đã thành gia thất và sinh sống bình yên bên cạnh ông bà.

Chiến tranh đã dần trôi về quá khứ rất xa, nhưng khi gợi nhớ về những câu chuyện của gần 50 năm trước, ông vẫn hào sảng như ngày đang là thanh niên dồi dào sức trẻ. Kể chuyện cho tôi nghe, ông vẫn nhớ như in từng "đường kim, múi chỉ", con tim vẫn sục sôi như thuở nào khi nói về lá cờ Tổ quốc, nói đến niềm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng.

. Văn Triệu Sơn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng Cam mở hội mừng nhà rông  (16/07/2004)
Xung kích trên mặt trận nhân đạo  (15/07/2004)
Sự lên ngôi của vật liệu mới  (14/07/2004)
Công tác tư tưởng với phát triển bền vững kinh tế biển ở Bình Định   (14/07/2004)
Hội Sử học Bình Định ra đời - Một tín hiệu đáng mừng  (13/07/2004)
Học sinh phổ thông học văn: Thực trạng buồn  (13/07/2004)
Ghi nhận từ Liên hoan gia đình văn hóa huyện An Lão lần thứ I   (12/07/2004)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú An Lão: Thực hiện tốt quy ước quản lý, giáo dục học sinh   (12/07/2004)
Dấu ấn mùa thi   (11/07/2004)
Ai đã tiếp tay cho gia đình ông Lê Đức Tỏ?   (09/07/2004)
Đi dân nhớ, ở dân thương   (09/07/2004)
Củng cố mạng lưới y tế cơ sở: Không nên "khoán gọn" cho ngành y tế   (08/07/2004)
Đổi thẻ đảng viên đợt I: Đảm bảo các nội dung, yêu cầu và tiến độ   (08/07/2004)
Mặt trận - chiếc cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước   (07/07/2004)
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: Khi bác sĩ làm trình dược viên  (07/07/2004)