Trong những năm qua MTTQ các cấp ở Bình Định đã tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện có kết quả các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Ủy ban MTTQ VN tỉnh khóa 7 ra mắt Đại hội |
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Mặt trận đã vận động nhân dân hướng ứng tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ mới, đổi mới quản lý và phương thức tổ chức sản xuất…, góp phần đưa nền kinh tế Bình Định tăng trưởng với nhịp độ khá (tổng sản phẩm địa phương tăng hàng năm từ 5,8% đến 9,4% ). Trong phong trào sản xuất nông nghiệp, ngoài việc hưởng ứng chủ trương chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã và đang phát triển ngày càng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm trên 6,4%. Nhân dân thuộc các thành phần kinh tế trong những năm qua đã tích cực phát huy nội lực đầu tư mạnh vào phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề; đưa sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm trên 21%, dịch vụ trên 9,5% và đã góp phần giải quyết hàng vạn lao động có việc làm, thu nhập ổn định.
Thực hiện các chính sách văn hóa-xã hội, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia cùng Nhà nước đầu tư, phát triển giáo dục, thực hiện đạt chuẩn giáo dục tiểu học và phổ cập THCS; số học sinh phổ thông tăng hàng năm gần 2%. Các trường phổ thông nội trú và bán trú, hàng năm có trên 2.000 học sinh con em các dân tộc thiểu số theo học. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp hàng chục tỉ đồng để xây dựng trường - lớp và đóng góp hàng trăm triệu đồng vào quỹ khuyến học các cấp.
MTTQ các cấp phối hợp với ngành văn hóa thông tin, tiếp tục thực hiện các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nhất là xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh. Đến cuối năm 2003, toàn tỉnh có 185 làng văn hóa, 83 cơ quan văn hóa, 272.753 gia đình văn hóa; 501/1.046 khu dân cư tiên tiến được công nhận. Các hoạt động thể thao, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, viên chức, thanh thiếu niên, người cao tuổi tham gia. MTTQ các cấp cũng đã phối hợp với ngành Y tế vận động nhân dân tiếp tục thực hiện các chương trình y tế Quốc gia, tham gia phòng chống các bệnh dịch, thực hiện công tác dân số KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS… đạt nhiều kết quả khả quan.
Phong trào "đền ơn đáp nghĩa" đối với những người và gia đình có công với nước, nhất là gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… được đông đảo nhân dân hưởng ứng; góp phần đưa mức sống của các hộ chính sách bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú. Các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ VNAH được cán bộ, công chức các cơ quan và nhân dân trong tỉnh thực hiện thường xuyên. Đến cuối năm 2003 có 117/155 xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ. Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt, hàng năm giải quyết việc làm mới trên hai chục ngàn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,3% (năm 1999) theo tiêu chí cũ xuống còn 8,42% (2003) theo tiêu chí mới, tương ứng 28.016 hộ.
Cuộc vận động xây dựng quỹ "Ngày vì người nghèo" được tổ chức thực hiện từ năm 2000 đến tháng 5-2004 đã thu được trên 3,8 tỉ đồng; qua đó đã xây dựng 989 nhà tình thương cho hộ nghèo và nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ khác. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên, các ngành đã vận động nhân dân, các tổ chức trong và ngoài tỉnh ủng hộ, cứu trợ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn trên 25 tỉ đồng và nhiều loại hàng hóa, thuốc chữa bệnh trị giá hàng chục tỉ đồng.
Về thực hiện nhiệm vụ an ninh-quốc phòng, MTTQ và các tổ chức thành viên đã phối hợp tuyên truyền nhân dân, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu gây mất ổn định của kẻ thù, nhất là các phần tử cực đoan, chống đối, lợi dụng dân chủ, dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phần tử cực đoan để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ các cấp đã vận động nhân dân thực hiện Luật NVQS đạt và vượt chỉ tiêu tuyển quân hàng năm; đồng thời tích cực tham gia xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng, tăng cường mối quan hệ quân dân, tham gia công tác hậu phương quân đội...
MTTQ đã phối hợp với Công an tổ chức triển khai Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Trung ương Mặt trận và Bộ Công an về bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần hạn chế tình trạng phát sinh và tái phạm tội; vận động nhân dân tham gia xây dựng củng cố Hội đồng an ninh trật tự; phát hiện, tố giác tội phạm; thực hiện cảm hóa, giáo dục trên 4.000 lượt đối tượng tại cộng đồng dân cư và cung cấp hàng ngàn tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội; thực hiện Luật giao thông đường bộ có kết quả.
Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, một số cuộc vận động còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Trong triển khai thực hiện phong trào có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng chéo do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận với các đoàn thể quần chúng và các ngành liên quan.
Vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện những mục tiêu KT-XH của tỉnh là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp. Kết quả hoạt động trong thời gian qua sẽ là những bài học kinh nghiệm quí giá để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ đến (2004-2009).
. Trần Ngọc |