Ghi nhận tại phiên giải trình và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X:
Chất vấn không nhiều, giải trình minh bạch
9:40', 20/7/ 2004 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, chỉ có 2 ngành phải trả lời chất vấn, không có đại biểu nào chất vấn tại hội trường. Dù vậy các giải trình của lãnh đạo các sở, ngành cũng đã đề cập thẳng vào những vấn đề bức xúc mà các đại biểu HĐND yêu cầu giải trình và có không ít vị giám đốc tiếp thu nghiêm túc.

Các đại biểu HĐND tỉnh đang thảo luận ở tổ

Người đầu tiên được giới thiệu để trả lời chất vấn là Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Võ Thành Tiên. Theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, ngành Nông nghiệp - PTNT phải trả lời 2 vấn đề: một là, hồ Suối Cả (thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đã có chủ trương xây dựng từ hơn 15 năm qua nhưng vì sao không thực hiện được; hai là, một số cây trồng theo chỉ đạo của cấp trên ở huyện An Lão kém hiệu quả (xoài không cho quả, dứa phát triển kém và quế không tiêu thụ được), nhân dân gặp khó khăn đã phản ảnh nhiều lần nhưng sở, ngành chủ quản không có biện pháp tháo gỡ.

Với câu hỏi đầu tiên tình hình có vẻ lạc quan khi Giám đốc Võ Thành Tiên cho biết, dù không triển khai xây dựng hồ Suối Cả nhưng việc công trình Thủy điện Kanak - An Khê do Tổng công ty Điện lực Việt Nam đang lập thiết kế kỹ thuật xây dựng có nhà máy đặt tại thôn Thượng Sơn (lòng hồ Suối Cả dự kiến) cùng với việc Sở Nông nghiệp - PTNT đang nghiên cứu xây dựng dự án kênh tiếp nước xả của nhà máy này sẽ giải quyết nước tưới cho cả vùng trong vòng vài năm tới. Vấn đề thứ 2, Giám đốc Võ Thành Tiên cho rằng cây xoài và cây dứa trồng phân tán ở An Lão không cho trái và phát triển kém là do khâu kỹ thuật trồng và chăm sóc của nhân dân không đúng, Sở đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng Trạm Khuyến nông huyện An Lão tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc trong thời gian tới. Riêng cây quế, Sở giao cho Tổng công ty PISICO tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng, gửi chào hàng tìm thị trường. Tuy nhiên chủ tọa kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu không nhất trí một phần trong giải trình này. Ông Dương cho rằng Sở Nông nghiệp- PTNT phải xem lại khâu cung cấp giống dứa và giống xoài cho dân, bán giống phải có trách nhiệm cho đến khi cây con phát triển tốt.

Người thứ hai phải trả lời chất vấn là bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế. Bà Hương trả lời 2 vấn đề: thứ nhất là giải quyết việc "nợ tiền trực" cho cán bộ ngành y tế và thứ hai là giải trình các biện pháp chấn chỉnh tình trạng bác sĩ làm trình dược viên mà Báo Bình Định đã phản ảnh. Với tình trạng "nợ tiền trực" bà Hương cho rằng việc giải quyết đã cơ bản từ nguồn ngân sách của Trung ương, phần còn lại hơn 1 tỉ đồng đang nằm ngoài tầm tay giải quyết của ngành y tế. Còn giải trình về bài báo "Khi bác sĩ làm trình dược viên", bà Hương thừa nhận hiện tượng mà Báo Bình Định nêu là có xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp chỉ đạo giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghiêm túc làm rõ những vấn đề mà bài báo đã nêu, xử lý nghiêm khắc cá nhân vi phạm và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Ban giám đốc về việc quản lý bệnh viện trong thời gian qua, đồng thời lãnh đạo Sở Y tế cũng đã yêu cầu giám đốc bệnh viện tổ chức triển khai ngay các công văn chỉ đạo của Sở; tăng cường giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi CBNV bệnh viện. Sở Y tế sẽ tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra chuyên đề về cung ứng sử dụng thuốc trong thời gian tới.

Giải trình của ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT tập trung phân tích những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay không cao (chỉ 7,9% so với 8,7% của 6 tháng đầu năm ngoái). Những nguyên nhân đó là: giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận chuyển và chi phí một số dịch vụ tăng mạnh; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ giảm sút hoặc tăng chậm... Ông Tâm cũng đưa ra một dự báo: GDP năm 2004 của tỉnh có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 11%. Tuy nhiên để đạt được tốc độ tăng trưởng đó cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; tháo gỡ kịp thời những khó khăn của các doanh nghiệp...

Ông Bùi Trần Hà, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp trong giải trình về công tác giải tỏa mặt bằng, tái định cư Khu công nghiệp Phú Tài, trước khi nêu một loạt các nguyên nhân khách quan đã nhận trách nhiệm: "Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ban quản lý các KCN và Công ty Phát triển hạ tầng các KCN." Và chính việc chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến trình đầu tư của các nhà đầu tư. Để làm tốt công tác này, ông Hà đã đưa ra 2 đề nghị quan trọng: 1.Ưu tiên bố trí vốn chi trả bồi thường cho dân, vốn xây dựng các khu tái định cư. 2. Cần có một chính sách, giá cả phù hợp với tình hình thực tế và nhất quán cho cả dự án.

Đối với ngành giáo dục, những vấn đề bức xúc mới không phát sinh nhiều. Về vấn đề dạy thêm và học thêm tràn lan, ông Trần Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định Sở không làm ngơ đối với vấn đề này. Theo phân cấp quản lý thì bậc học mầm non, tiểu học và THCS thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các huyện, thành phố. Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra để chấn chỉnh đối với bậc THPT theo phương châm: "Kiên trì giáo dục, kiên quyết xử lý, liên tục kiểm tra và đồng bộ trách nhiệm". Sở sẽ không dung túng với những trường hợp lợi dụng việc cho điểm để bắt ép học sinh đi học.

Giải trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Quang Mươi bao giờ cũng gây nhiều chú ý đối với các vị đại biểu dù ông là người thực hiện giải trình cuối cùng vào buổi sáng của phiên họp. Có 4 vấn đề khá bức xúc được ông Mươi giải trình gãy gọn, khúc chiết. Đối với vấn đề tình hình khai thác đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ông Mươi cho hay, Đoàn thanh tra môi trường do Sở thành lập hoạt động từ ngày 10-4 đến nay đã thanh tra được 31 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác - chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả thanh tra cho thấy không có doanh nghiệp nào khai thác chế biến đá bảo đảm yêu cầu về môi trường, trong đó có những đơn vị vi phạm nghiêm trọng như Công ty TNHH 28-7, Công ty CTGT 504 gây ô nhiễm bụi và nổ mìn gây thiệt hại và phải bồi thường cho dân nhiều lần. Sở đang kiến nghị UBND tỉnh xử lý trong đó có cả biện pháp rút giấy phép đối với những doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng và đình chỉ những doanh nghiệp không chịu phục hồi, tái tạo môi trường theo quy định. Về giải quyết môi trường tại khu công nghiệp, ông Mươi cũng đã nêu hàng loạt đề nghị với UBND tỉnh gồm: triển khai xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Phú Tài trước mùa mưa lũ năm 2004; đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất cồn của DNTN Vạn Phát; thu hồi giấy phép khai thác đá đối với 8 doanh nghiệp đang khai thác tại núi Hòn Chà... Ngoài ra những vấn đề về xử lý đất cấp cho các doanh nghiệp nhưng không sử dụng hết; việc có hay không hiện tượng gây khó khăn khi cấp đất cho các nhà đầu tư; tình trạng lấn chiếm đất trái phép... cũng được ông Hồ Quang Mươi giải trình rốt ráo.

. Quang Khanh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tìm giải pháp cho giáo viên mầm non lớn tuổi hệ dân lập   (19/07/2004)
Mặt trận với các phong trào thi đua yêu nước   (19/07/2004)
Chuyện người lính may cờ bên sông Bến Hải  (18/07/2004)
Làng Cam mở hội mừng nhà rông  (18/07/2004)
Xung kích trên mặt trận nhân đạo  (18/07/2004)
Sự lên ngôi của vật liệu mới  (14/07/2004)
Công tác tư tưởng với phát triển bền vững kinh tế biển ở Bình Định   (14/07/2004)
Hội Sử học Bình Định ra đời - Một tín hiệu đáng mừng  (13/07/2004)
Học sinh phổ thông học văn: Thực trạng buồn  (13/07/2004)
Ghi nhận từ Liên hoan gia đình văn hóa huyện An Lão lần thứ I   (12/07/2004)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú An Lão: Thực hiện tốt quy ước quản lý, giáo dục học sinh   (12/07/2004)
Dấu ấn mùa thi   (11/07/2004)
Ai đã tiếp tay cho gia đình ông Lê Đức Tỏ?   (09/07/2004)
Đi dân nhớ, ở dân thương   (09/07/2004)
Củng cố mạng lưới y tế cơ sở: Không nên "khoán gọn" cho ngành y tế   (08/07/2004)