Đêm Trường Sơn huyền thoại
16:20', 21/7/ 2004 (GMT+7)

Trong câu chuyện vui với chúng tôi, khi nhận xét về vùng đất quê hương, nhà văn "Cửa Gió" Xuân Đức nói thật như đùa: Quảng Trị có tiềm năng là... mộ liệt sĩ, thế mạnh là... nghĩa trang, bản sắc là... người khuyết tật. Đó cũng là một cách lý giải của anh với những người bất đồng chính kiến khi Quảng Trị nhận đăng cai tổ chức giải thi đấu thể thao toàn quốc người khuyết tật lần thứ nhất.

Nghĩa trang Trường Sơn tháng 7-2004    

Rồi bây giờ, trong lễ hội Văn hóa Du lịch Quảng Trị với chủ đề "Nhịp cầu xuyên Á" thì điểm nhấn lại là Nghĩa trang Trường Sơn (NTTS) đêm 27-7, ngày giỗ chung, cả đất nước dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (LS) đã hy sinh vì Tổ quốc. Quảng Trị có 72 Nghĩa trang LS quy tập hơn 6 vạn ngôi mộ LS. Riêng NTTS đã quy tập được 10.327 mộ LS, Nghĩa trang Đường 9 quy tập gần 1 vạn mộ LS.

Sau Hiệp định Giơnevơ, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới quân sự tạm thời, sông Bến Hải trở thành đường biên chia cắt đất nước, Quảng Trị trở thành địa bàn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, nơi đụng đầu lịch sử giữa 2 thế lực: cách mạng và phản cách mạng. Trên từng mảnh đất của Quảng Trị đều thắm máu đào của các anh hùng, LS. Đất nước hòa bình, nhân dân Quảng Trị bảo quản, chăm sóc hơn 6 vạn mộ LS, đa số là con em của mọi miền đất nước. Có những NTLS cấp xã quản lý, quy tập vài ngàn LS nhưng LS quê ở Quảng Trị chỉ có 20-30%. Vì thế, thân nhân và đồng đội của các LS đến Quảng Trị viếng mộ LS và tìm mộ LS mỗi ngày mỗi đông. Cũng vì thế, thế mạnh của du lịch Quảng Trị là các tour DMZ, tour tham quan chiến trường xưa, di tích lịch sử cách mạng và chiến tranh vệ quốc với những địa danh đã từng một thời lừng lẫy năm châu bốn biển: Đường 9-Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, đôi bờ sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị...

16 năm mở đường Trường Sơn, đường thống nhất non sông, trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại  này 2 vạn chiến sĩ của Đoàn 559 đã hy sinh. Hơn 1 vạn LS đã được quy tập về NTTS, khoảng 1 vạn liệt sĩ vẫn còn đang ẩn khuất giữa bạt ngàn Trường Sơn. Đây là lần đầu tiên trong không gian của một NTLS diễn ra một lễ hội đặc biệt với chủ đề: "Huyền thoại cõi Trường Sơn". Một lễ hội tôn vinh truyền thống đấu tranh cách mạng có sự gắn kết giữa nghi lễ Nhà nước và nghi lễ cộng đồng được hình thành từ 3 yếu tố: Không gian trang nghiêm và huyền thoại ẩn hiện giữa đại ngàn Trường Sơn; mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt người từ mọi miền đất nước hành hương về NTTS; NTTS đã đi vào lòng người và đã có ý nghĩa về mặt tâm linh. VTV3 sẽ truyền hình trực tiếp lễ hội, tái hiện một bản anh hùng ca về Trường Sơn những năm tháng hào hùng nhất qua các phóng sự truyền hình, trích đoạn phim tài liệu. Nhiều nhân chứng lịch sử sẽ giao lưu với khán giả, hồi tưởng về mở đường, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên đường Trường Sơn; kể chuyện đi tìm đồng đội, di dời hài cốt đồng đội từ các chiến trường về bảo quản, gìn giữ từ năm 1973 và bắt tay xây dựng NTTS ở Bến Tắt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, từ năm 1975. Tuổi trẻ Quảng Trị hành hương về NTTS, tổ chức cắm trại, sinh hoạt, tái hiện cuộc sống Trường Sơn...

Xen lẫn các nội dung lễ hội là những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, những bài ca Trường Sơn hùng tráng ở khu trung tâm NTTS. Những hợp xướng, hát múa tập thể: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Bài ca bên cánh võng sẽ do trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội trình diễn. Nhà thơ Phạm Tiến Duật kể chuyện sáng tác ở Trường Sơn. Các ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Lệ, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đăng Dương... tham gia chương trình với các ca khúc: Màu hoa đỏ, Tiếng đàn, Bài ca không quên, Em ở nơi đâu, Trường Sơn đông -Trường Sơn tây, Xe ta đi trong đêm Trường Sơn, Quảng Trị yêu thương,Đường chúng ta đi...

Rồi lễ dâng hương tưởng niệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Binh đoàn Trường Sơn. Hơn 10 ngàn ngọn nến lung linh trên tất cả các ngôi mộ, hoa đăng rực sáng trên mặt hồ trong khuôn viên nghĩa trang. Những ngọn nến lung linh tưởng niệm những người anh hùng, những liệt sĩ đang yên nghỉ ở chốn linh thiêng giữa đại ngàn Trường Sơn, tưởng niệm tất cả các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Giữa các khu mộ quy tập theo từng tỉnh, thành các ca sĩ hát những bài hát hay nhất, sâu lắng nhất về từng vùng đất, hát cho anh linh các liệt sĩ cùng nghe những bài ca về đất mẹ quê hương.

. Thanh Tùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện dân số ở xã đảo Nhơn Lý  (21/07/2004)
Có một lớp học không nghỉ hè   (20/07/2004)
Chất vấn không nhiều, giải trình minh bạch   (20/07/2004)
Tìm giải pháp cho giáo viên mầm non lớn tuổi hệ dân lập   (19/07/2004)
Mặt trận với các phong trào thi đua yêu nước   (19/07/2004)
Chuyện người lính may cờ bên sông Bến Hải  (18/07/2004)
Làng Cam mở hội mừng nhà rông  (18/07/2004)
Xung kích trên mặt trận nhân đạo  (18/07/2004)
Sự lên ngôi của vật liệu mới  (14/07/2004)
Công tác tư tưởng với phát triển bền vững kinh tế biển ở Bình Định   (14/07/2004)
Hội Sử học Bình Định ra đời - Một tín hiệu đáng mừng  (13/07/2004)
Học sinh phổ thông học văn: Thực trạng buồn  (13/07/2004)
Ghi nhận từ Liên hoan gia đình văn hóa huyện An Lão lần thứ I   (12/07/2004)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú An Lão: Thực hiện tốt quy ước quản lý, giáo dục học sinh   (12/07/2004)
Dấu ấn mùa thi   (11/07/2004)