Dấu chân tình nguyện
10:11', 22/7/ 2004 (GMT+7)

Hè 2004, những bước chân của các bạn thanh niên tình nguyện (TNTN) lại tiếp bước lên đường nối dài phong trào tình nguyện bằng những việc làm thiết thực, góp sức cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm và hiểu thêm cuộc sống của đồng bào.

* "Kỷ luật, thiết thực, sáng tạo"

TNTN giúp học sinh làng Canh Thành ôn tập hè

So với những chiến dịch mùa hè xanh trước đây, TNTN lần này có thời gian tập huấn khá ngắn (1 ngày). Nhiều hạng mục làm việc của một số nhóm TNTN gần như bị phá sản vì khắp nơi đang vào mùa thu hoạch. Nhiều nhóm TNTN chỉ có nhiệm vụ gặt lúa, sửa chữa đường làng và ôn tập hè cho thiếu nhi. Không thể bó gối ngồi không, TNTN đã kịp ứng phó bằng nhiều việc thiết thực, gần gũi với đời sống đồng bào dân tộc.

Tại xã Bok Tới (Hoài Ân), TNTN của 6 thôn không thể thực hiện kỹ thuật trồng lúa nước vì đang trong mùa khô nên đã tự lên kế hoạch riêng cho từng thôn. TNTN ở thôn T6 được mọi người gọi vui bằng cái tên "Vua hố rác" vì họ đào được 18 hố rác cho gần 25 hộ trong thôn. TNTN ở thôn T3 lại có nhiệm vụ khá quan trọng. Bạn Hoàng Xuân Thủy - học viên trường Quân sự quân đoàn 3 - cho biết: "Từ lâu, đồng bào nơi đây đã được cơ quan chức năng kêu gọi di dân về thôn T6 sinh sống vì nơi đây bị ngăn cách bởi hai con dốc khá cao, hiểm trở là dốc Bà Bơi và dốc Thanh niên xung phong. TNTN vừa giúp đỡ đồng bào vừa tuyên truyền, phân tích để thuyết phục đồng bào di dân".

Tuổi trẻ đầy sức sáng tạo nên cái khó không bó nổi cái khôn. TNTN thôn T2 (thôn trung tâm của xã) đã mở buổi thảo luận "Sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng, chống AIDS". Các chủ đề: Thế nào là tình yêu hay tình bạn; có nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai như thế nào là đúng cách và có hiệu quả… đã được thanh niên trong thôn và TNTN thảo luận sôi nổi bằng các hoạt cảnh, bài hát tự sáng tác. Từ đó, TNTN đi đâu cũng được mọi người trong thôn bắt làm nhà tư vấn "bất đắc dĩ".

Chúng tôi đến thôn Canh Thành, xã Canh Hòa (Vân Canh) khi nhóm TNTN đang cùng với bà con dọn vệ sinh ở khu vực nhà rông. Nhóm trưởng Nguyễn Đức Phán, thuộc Sư đoàn 31, có cuộc họp mặt với trưởng thôn và một số già làng để bàn bạc công việc. Ở đây mọi công việc mà TNTN muốn thực hiện đều được đưa ra bàn bạc rất kỹ với trưởng thôn và các già làng. Cách làm việc có tính kỷ luật cao của quân đội được các TNTN Sư đoàn 31 áp dụng. Buổi tối, TNTN không hò hát, vui đùa quá 10 giờ. Anh Phán cho biết: "Mọi việc sinh hoạt của chúng ta đều được bà con để ý, do đó, chúng tôi phải gương mẫu để bà con học tập…". Trong hơn 2 tuần có mặt tại đây, đội TNTN đã giúp dân sửa chữa lại nhà rông, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, dọn vệ sinh và tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong xóm, làng cho người dân của thôn. Tại thôn Canh Phước, chúng tôi đã được chứng kiến một câu chuyện thật vui và cảm động: Vợ của chiến sĩ TNTN Nguyễn Xuân Lộc, thuộc SƯ đoàn 31, đã lặn lội từ Gia Lai đến đây để thăm chồng. Lộc khoe với mọi người: "Vợ tớ xuống để báo cho tớ biết là đứa con mà vợ tớ đang mang là con trai đấy…".

* Đi dân nhớ ở dân thương

Chỉ còn vài ngày nữa, chiến dịch TNTN về giúp các xã khó khăn kết thúc nên tất cả các đội TNTN đều đang cố gắng để hoàn tất các công trình đã dự kiến trong đợt này.

Thế nhưng, những gì mà TNTN đã làm thì chỉ có đồng bào mới cảm nhận hết được. Anh Đinh Văn Phước - trưởng thôn T6 - cho biết: "Nhờ có hố rác do TNTN đào và chỉ cách sử dụng mà đường thôn sạch sẽ và vệ sinh hơn nhiều. Ai cũng thấy đó là điều tốt và cố gắng thực hiện theo sự hướng dẫn của TNTN". Việc vận động di dân đã nhận được kết quả tốt đẹp khi gié (bà) Đinh Thị Miết - thôn T6 - nói: "Gié chẳng muốn bỏ nhà, bỏ nương đi vì quen ở đây rồi nhưng TNTN nói nhiều điều đúng nên gié cam kết sẽ về thôn T6 cùng mọi người". Còn trưởng thôn T2 Đinh Văn Khơn thì bộc bạch: "TNTN về thôn đã giúp người Bana rất nhiều công việc, như tuyên truyền về "ba sạch" để đảm bảo sức khỏe và phòng chống sốt xuất huyết; làm cho thanh niên người làng mình mạnh dạn phát biểu chứ không rụt rè như trước".

Ông Trần Văn Miểu, người được các TNTN thôn Canh Phước giúp khiêng đất đổ nền nhà, vui mừng cho biết: "Các TNTN có cái bụng thật tốt, nếu không có sự giúp đỡ của họ thì cái nền nhà của mình còn lâu mới xong, vì nhà mình ít người quá mà, bà con thì lo đi làm rẫy, trồng rừng nên đâu có giúp cho mình được…".

Trong ánh mắt thân thương, Gié Toan (thôn T1- Bok Tới) tâm sự: "Gié chẳng dám nghĩ đến lúc phải xa mấy đứa TNTN, chừng đó chắc gié buồn và nhớ tụi nó lắm. Mong là năm nào cũng có TNTN về giúp đồng bào".

. Hải Yến-Công Tâm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đêm Trường Sơn huyền thoại   (21/07/2004)
Chuyện dân số ở xã đảo Nhơn Lý  (21/07/2004)
Có một lớp học không nghỉ hè   (20/07/2004)
Chất vấn không nhiều, giải trình minh bạch   (20/07/2004)
Tìm giải pháp cho giáo viên mầm non lớn tuổi hệ dân lập   (19/07/2004)
Mặt trận với các phong trào thi đua yêu nước   (19/07/2004)
Chuyện người lính may cờ bên sông Bến Hải  (18/07/2004)
Làng Cam mở hội mừng nhà rông  (18/07/2004)
Xung kích trên mặt trận nhân đạo  (18/07/2004)
Sự lên ngôi của vật liệu mới  (14/07/2004)
Công tác tư tưởng với phát triển bền vững kinh tế biển ở Bình Định   (14/07/2004)
Hội Sử học Bình Định ra đời - Một tín hiệu đáng mừng  (13/07/2004)
Học sinh phổ thông học văn: Thực trạng buồn  (13/07/2004)
Ghi nhận từ Liên hoan gia đình văn hóa huyện An Lão lần thứ I   (12/07/2004)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú An Lão: Thực hiện tốt quy ước quản lý, giáo dục học sinh   (12/07/2004)