Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2004-2009 có vinh dự là nhiệm kỳ HĐND đầu tiên được bầu cử trong thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới và đặc biệt là có Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội khóa XI thông qua vào cuối năm 2003, là hành trang chủ yếu của HĐND thời kỳ đổi mới, hội nhập, thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
|
Quang cảnh kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X vừa mới diễn ra |
Có thể nói rằng Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa đáp ứng hết những yêu cầu trong hoạt động HĐND thời kỳ đổi mới nhưng so với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994, đã có nhiều quy định bổ sung, điều chỉnh về cơ bản tạo thêm cơ sở pháp lý và điều kiện để HĐND khóa mới hoạt động hiệu quả hơn.
Về cơ cấu tổ chức: Đại biểu HĐND các cấp cũng tăng so với trước do việc ngày càng có nhiều đơn vị hành chính mới tách ra đã đành nhưng việc bảo đảm có đủ số đại biểu HĐND phân bố đều khắp giữa các vùng, khu vực để việc tiếp xúc, thu nhập phản ảnh ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri được đầy đủ, kịp thời. Thường trực HĐND trước đây, luật quy định chỉ có 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện). Nay tại Điều 5 Luật quy định "HĐND các cấp có Thường trực HĐND". Đối với cấp tỉnh và cấp huyện, Thường trực HĐND trước đây chỉ có Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch HĐND, nay thêm chức danh Ủy viên thường trực.
Các ban của HĐND cấp tỉnh và huyện nay cũng được tăng cường hoạt động chuyên trách đối với trưởng, phó các ban HĐND. Việc tăng cường chức danh cho Thường trực HĐND (tỉnh và huyện) và việc khẳng định Trưởng hoặc phó ban HĐND hoạt động chuyên trách là việc đề cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong hoạt động HĐND nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với chức năng nhiệm vụ, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 tách chức năng giám sát của HĐND thành một chương riêng, quy định cụ thể chức năng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND. Quy rõ trách nhiệm của hai bên giám sát và bị giám sát, nội dung yêu cầu giám sát phải được thông báo trước và phải có kết luận rõ ràng về những nội dung giám sát. Quy định này nhằm tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng cũng xác định rõ trách nhiệm sau khi kết thúc công tác giám sát phải kết luận rõ ràng về nội dung giám sát để có kiến nghị về mặt được, mặt chưa được thuộc về chủ trương nào đó…
Về thẩm quyền: HĐND được giao quyền bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu đó là các chức danh của Thường trực HĐND, thành viên các Ban HĐND, thành viên UBND và thành viên Hội thẩm Tòa án nhân dân…
Trong quá trình giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND nếu có mắt xích nào đó tỏ ra không đảm đương nổi, làm ảnh hưởng đến sự vận hành chung hoặc có vấn đề gì đó thuộc về phẩm chất đạo đức thì HĐND được quyền xem xét.
Với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, HĐND nhiệm kỳ 2004-2009 có đủ cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết khác nhất định hoạt động HĐND sẽ có những chuyển biến mới, tích cực.
. Thái Uyển
|