"Xuyên Á" qua vùng gió Lào
10:46', 26/7/ 2004 (GMT+7)

. Ghi chép của Trần Đăng

Tối 25-7, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ hội "Nhịp cầu xuyên Á". Tôi đã làm một cuộc viễn du xuyên qua "nhịp cầu" nghèo khó nhất miền Trung này: Từ Trường Sơn đến Cửa Tùng.

Một góc Nghĩa trang Trường Sơn

Nghe tôi đề xuất ý định xuyên qua vùng gió Lào Quảng Trị, một đồng nghiệp ở đây giới thiệu: "Gặp ông Ngô Thanh Bảo, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị là chắc ăn nhất". Tôi hơi "thất vọng" một chút khi biết ông Bảo là cựu sinh viên khoa toán của Trường Đại học Sư phạm Huế - ngành học chẳng liên quan tẹo nào đến di tích lịch sử và danh thắng. Ông Bảo chẳng tự ái về điều đó mà còn hào hứng: "Sống trên mảnh đất mà "ra ngõ là gặp di tích" này, không muốn cũng phải biết thôi". Nói đoạn, ông thống kê luôn: "Quảng Trị hiện có gần 400 di tích lịch sử, trong đó có 24 di tích và cụm di tích được xếp hạng quốc gia". Bản thân số lượng di tích như thế đã là quá đậm đặc, song điều đáng nói ở đây là, tiếng vang của các địa danh ấy, không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia nữa: Một cầu Hiền Lương gợi nhớ nỗi đau hai mươi năm chia cắt, một Thành Cổ Quảng Trị chất chồng xương máu, một Đường 9 - Khe Sanh tan thây xác Mỹ, một địa đạo Vịnh Mốc với hệ thống đường hầm ngoằn ngoèo chằng chịt đến mức khó tin, một Nghĩa trang Trường Sơn trắng xóa mộ bia - nơi yên nghỉ của hơn một vạn thanh niên từng xẻ dọc Trường Sơn những năm chống Mỹ… Do đặc thù của địa lý và hoàn cảnh lịch sử, vô tình đã biến cả tỉnh Quảng Trị trở thành một khối di tích lịch sử.

* Mười hai nghìn bát nhang

            Cầu Hiền Lương

Ban tổ chức lễ hội "Nhịp cầu xuyên Á" tỏ ra khá cẩn trọng khi chọn Nghĩa trang Trường Sơn làm nơi tổ chức lễ. Đây là lần đầu tiên trong cả nước, một lễ hội mang "màu sắc kinh tế" lại được tổ chức ngay trên địa điểm hết sức nhạy cảm này. Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lý giải: "Có thể Nghĩa trang Trường Sơn đối với du khách nước ngoài chỉ là một địa chỉ bình thường, nhưng với người Việt Nam thì đây là điểm đến không thể thiếu trên cuộc hành trình xuyên Việt hay xuyên Á. Họ đến đây không chỉ dừng lại ở ý nghĩa là một điểm tham quan đơn thuần mà là như sự tìm về  cõi thiêng. Một khái niệm hãy còn mới mẻ với chúng ta: Du lịch tâm linh". Cái cõi-thiêng-tâm-linh ấy đã là nơi ký thác vĩnh hằng của trên 12 ngàn số phận.

Chưa một nghĩa trang nào trên cả nước mà những người đồng đội của tất cả các tỉnh thành lại được nằm bên nhau như ở nghĩa trang này. Trong số họ, có người là sĩ quan, có anh chỉ là chiến sĩ; người có tên, kẻ chưa biết quê quán nơi đâu, nhưng đối với những người Việt Nam khi đặt chân đến đây, tất cả những số phận nằm bên dưới lớp bia mộ kia, họ đã là những anh hùng. Vì vậy, hàng vạn du khách hành hương về đây mỗi năm không chỉ là để chiêm bái những anh hùng có tên hay không tên tuổi ấy mà còn là để hiểu hơn cái giá phải trả cho một đất nước không muốn cắt chia. Có người đến đây để tìm người thân, nhưng cũng có người đến đây chỉ để được nhẹ lòng mình.

Anh Trương Lý Ninh, người Lệ Thủy, Quảng Bình dẫn hai đứa con đi tìm người anh trai hy sinh ở Trường Sơn năm 1972, nghe nói đang nằm ở nghĩa trang này: "Đây là lần thứ 3 tôi đến đây để tìm người anh. Tôi đã xem qua tất cả các bia mộ, vẫn không thấy tên anh ấy, song tôi vẫn hy vọng". Tôi đã nhìn thấy trên lưng áo của hai cháu nhỏ con anh Ninh đẫm mồ hôi trong nắng chiều và đọc được trong mắt các cháu những tia hy vọng về nấm mộ của người bác mình. Vâng, có thể là người thân của các liệt sĩ sẽ không tìm ra cái địa chỉ mà mình cần tìm, song họ có quyền hy vọng. Không phải hy vọng ở một nấm đất cụ thể nào mà hy vọng vào một điều lành. Những cái chết ấy đã hóa đất đai sông núi từ thuở nào rồi. Vì vậy, ở nghĩa trang này không có đất cho những kẻ mánh mung chụp giựt đến đây "xin số"! Chọn "điểm nhấn" cho một cuộc hành trình của lễ hội là ở chỗ ý nghĩa ấy.

* Nơi địa đầu của "hậu phương lớn"

Bước vào nhà trưng bày của Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là câu nói nổi tiếng từ một nhân vật của văn hào Sếch-spia: "Tồn tại hay không tồn tại". Để "tồn tại", trên 100 gia đình của làng Vịnh Mốc đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc bằng một hệ thống hầm hào chằng chịt với đầy đủ những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống không ánh mặt trời nằm sâu trong lòng đất. Người Vịnh Mốc đã "tồn tại", bất chấp hàng vạn tấn bom hủy diệt trút xuống nơi này. Đảo Cồn Cỏ - chiến hạm nổi nơi địa đầu của hậu phương lớn miền Bắc đã "tồn tại" nhờ vào sự chi viện từ hệ thống địa đạo độc đáo ấy. Và xa hơn, cả nước Việt Nam cũng đã "tồn tại" trước một cuộc chiến tranh tàn khốc chưa từng có trong lịch sử của mình. Anh Trần Văn Minh, cán bộ của khu di tích đưa tôi chui vào "căn hầm" kỳ bí này. Một cảm giác vừa lo sợ, vừa thích thú cứ bám lấy tôi xuyên suốt hàng trăm mét đường hầm. Anh Jone, một du khách người Úc, sau khi tham quan địa đạo đã ví von: "Ai chui vào địa đạo cũng đều phải cúi đầu. Không phải vì chiều cao của nó không cho phép chúng tôi đứng thẳng mà cúi đầu vì bái phục người Việt Nam!". Lời khen ấy không mới mẻ gì, song nó khẳng định rằng, để "tồn tại", chúng ta đã làm những việc mà người "ngoài cuộc" cho là không tưởng.

Tôi cũng không ngờ rằng, câu nói từ một nhân vật của đại văn hào người Anh vẫn còn nóng hổi đến hôm nay. Những hiện vật và hình ảnh mà ngành văn hóa sẽ trưng bày trong khu di tích nhân dịp lễ hội này, có những tấm ảnh trông thật đau lòng: Các nạn nhân đã chết không toàn thân bởi những cuộc rà phá bom mìn. Bên dưới lớp cỏ xanh rì và những vườn tiêu trĩu quả ở vùng đất Vĩnh Linh vẫn còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Để "tồn tại" trong cuộc sống còn quá nhiều thiếu thốn, người Vịnh Mốc đã phải cuốc bấu vào lòng đất, dù họ thừa biết cái chết đang chờ đón mình. Ông Hồ Văn Triêm, 69 tuổi, một trong những "công trình sư" của địa đạo Vịnh Mốc, nói: "Trong số hơn 200 người trực tiếp đào địa đạo, giờ chỉ có chừng 20 người được hưởng chế độ với mức vài trăm ngàn mỗi tháng. Không cuốc đất, không lao ra biển kiếm con cáy con cua thì lấy gì để "tồn tại"?".

* Hàng rào cuối cùng

Khách nước ngoài tại địa đạo Vịnh Mốc

Ông Bảo thống kê với tôi về các loại "hàng rào" mà Mỹ đã thiết lập tại vùng đất Quảng Trị: Nào là "hàng rào" đồn bót dày đặc bên này sông Bến Hải, "hàng rào" pháo bầy pháo chụp từ Hạm đội 7 của Mỹ, hàng rào điện tử Mc Namara… Các loại "hàng rào" ấy đã góp phần biến Quảng Trị thành một vùng đất chết và để lại một hệ thống di tích lịch sử khổng lồ mà không một tỉnh thành nào trong cả nước có được. Tôi "lý sự" với ông: "Vấn đề là làm sao biến những ưu thế ấy thành nơi thu hút khách tham quan, tiện thể "móc" hầu bao của họ nữa, chứ chỉ "sướng vì nhiều di tích" mà "khổ với áo cơm" thì… chán quá!". Ông Bảo thanh minh: "Mỗi năm chỉ thu từ tiền bán vé được hơn tỷ bạc nhưng những điểm di tích cần trùng tu thì phải tốn hàng chục tỷ. Làm sao để có thể "sống" được nhờ vào hệ thống di tích này là một bài toán không dễ giải đối với Quảng Trị".

Mỗi năm, hàng triệu du khách trong nước và quốc tế "ngang qua" Quảng Trị, tham quan một số điểm di tích, xong là "vù" vô Huế hoặc ra Đồng Hới ngủ  qua đêm. Không thu được tiền ngủ nghỉ, tiền ăn uống, tiền vui chơi của du khách thì Quảng Trị chỉ dừng lại ở khẩu hiệu "sống bằng tiềm năng, ăn vào triển vọng" mà thôi. Và như vậy, người dân Quảng Trị vẫn không vượt qua lớp "hàng rào" do chính mình tạo nên. Đó là đói nghèo và tụt hậu. Tôi gửi vào ông Bảo một tia hy vọng, với tư cách của một du khách: "Hy vọng qua lễ hội này, Quảng Trị sẽ làm được một "nhịp cầu" vững chắc để bước qua lớp "hàng rào" cuối cùng ấy". Ông Bảo cười vang lẫn với tiếng sóng nơi biển Cửa Tùng.

. T.Đ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trước thềm năm học mới: Đồng phục học sinh có gì mới?  (25/07/2004)
Phụng Sơn có CLB Gia đình hạnh phúc   (23/07/2004)
Hành trang HĐND nhiệm kỳ 2004-2009 có gì mới?   (23/07/2004)
Dấu chân tình nguyện  (22/07/2004)
Đêm Trường Sơn huyền thoại   (21/07/2004)
Chuyện dân số ở xã đảo Nhơn Lý  (21/07/2004)
Có một lớp học không nghỉ hè   (20/07/2004)
Chất vấn không nhiều, giải trình minh bạch   (20/07/2004)
Tìm giải pháp cho giáo viên mầm non lớn tuổi hệ dân lập   (19/07/2004)
Mặt trận với các phong trào thi đua yêu nước   (19/07/2004)
Chuyện người lính may cờ bên sông Bến Hải  (18/07/2004)
Làng Cam mở hội mừng nhà rông  (18/07/2004)
Xung kích trên mặt trận nhân đạo  (18/07/2004)
Sự lên ngôi của vật liệu mới  (14/07/2004)
Công tác tư tưởng với phát triển bền vững kinh tế biển ở Bình Định   (14/07/2004)