Hoạt động khai thác đá ở Nhơn Tân: Lợi bất cập hại
15:43', 31/8/ 2004 (GMT+7)

Hoạt động khai thác đá ở quanh hồ Núi Một đang trực tiếp đe dọa đến cảnh quan môi trường, đời sống của những người dân nơi đây và cả dấu tích của một vùng căn cứ cách mạng… 

* Được đá... mất ruộng

Rừng xanh An Trường trở thành vùng trắng do khai thác đá

Tại vùng núi An Trường nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Công ty TNHH Hoàn Cầu được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản trên diện tích 18ha, thời hạn 3 năm. Ngoài ra, Công ty còn được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trên diện tích 21,6 ha với thời hạn 12 tháng (hiện đã hết hạn). Còn Công ty TNHH Tân Long thì được khai thác diện tích 5,2ha trong thời hạn 3 năm. 

Từ phía Quốc lộ 19 nhìn vào, hoạt động khai thác ở vùng núi này đã làm phát sinh nhiều đường công vụ, chia cắt bề mặt núi, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Việc khai thác đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu còn gây sa bồi với vùng ruộng nằm dưới chân công trường khai thác. Năm 2003, tổng diện tích thiệt hại không thể khắc phục được là 7.550m2. Tại cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân có ruộng sa bồi xóm Hòn Tượng A ngày 16-10-2003 với sự có mặt của đại diện Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite, UBND xã Nhơn Tân cùng hơn 10 hộ dân đã thống nhất: Công ty có trách nhiệm đền bù cho hộ nông dân: 299kg lúa/sào x 2 vụ/năm x giá lúa quy tiền đền bù. Việc đền bù tiến hành một lần hằng năm vào tháng 1 của năm đó. Vậy nhưng đến nay, Công ty TNHH Hoàn Cầu mới đền bù một lần vào năm 2003.

Ông Lê Thành Long, một người dân ở thôn Thọ Tân Bắc, chua xót chỉ đám ruộng bị sa bồi, than thở: "Nhà tui có 9 sào ruộng, nhưng bị sa bồi, phải bỏ luôn từ 1 năm nay. Cũng có được hỗ trợ đấy nhưng điều bà con chúng tôi băn khoăn là không hiểu nay mai, khi DN không còn khai thác, khu ruộng có thể được trả lại nguyên trạng như trước đây để người dân canh tác hay không khi mà hiện nay sa bồi có chỗ đã dày đến cả mét". Một người dân khác, ông Ngô Đình Điểm cũng có chung tâm trạng: "Bà con quanh đây nhờ chút ruộng làm ăn. Nhưng như gia đình tui năm ngoái bị sa bồi 4 sào, còn lại 3 sào cũng cố bỏ công sức ra nạo vét để làm, nhưng đến năm nay thì tiếp tục bị sa bồi, chắc phải bỏ luôn quá. Đó là chưa kể mấy ha điều gần núi, xe chở đá lên xuống, không thể không bị ảnh hưởng".

Việc khai thác đá của Công ty TNHH Tân Long cũng đã có dấu hiệu vi phạm. Ngày 6-5-2004, các ban ngành của UBND xã Nhơn Tân kiểm tra việc khai thác đá của DN này đã kết luận: "Việc khai thác của Công ty TNHH Tân Long đã ra ngoài phạm vi cấp phép: Điểm số 1 lấn sang hướng Tây 20 m so với khu vực cấp phép, điểm số 2 cột mốc số 6 lấn qua đường phân thủy về hướng Tây 15 m".

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Hùng, Đội Quản lý công trình Hồ Núi Một (Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi 4), việc khai thác đá ở núi An Trường còn làm ảnh hưởng đến hệ thống kênh thủy lợi. "Nước từ công trường khai thác đổ xuống, không chỉ làm sa bồi ruộng mà nước bùn tràn ra cả 1km kênh mương, có chỗ dày đến 5 tấc. Khổ nỗi đây là bùn nhão nên rất khó xử lý. Anh em tụi tui phải rút kênh nhánh để rửa bùn cho kênh chính thì bùn lại đọng ở các kênh nhánh, nhất là đọng vào đáy xiphông, rất nghiệt" - ông Hùng nói. Còn ông Nguyễn Văn Đức, Trạm trưởng Trạm Du lịch Hồ Núi Một (Xí nghiệp Dịch vụ khai thác thủy lợi), thì khẳng định: "Việc khai thác đá sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan và sinh thái khu vực hồ Núi Một, vốn đang được khai thác để phục vụ hoạt động du lịch".

"Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri nhân dân đều có ý kiến nhưng vẫn không ăn thua gì" - ông Bùi Tấn Lộc, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, chua xót nói.

* Lỗi tại cái... bản đồ (!)

Một cánh đồng đã bị sa bồi, không thể canh tác được

Đứng từ đập hồ Núi Một nhìn lên bằng mắt thường cũng có thể thấy một góc đỉnh núi đã bị ủi bằng, màu đất đỏ nổi bật trên nền thảm xanh của rừng phòng hộ. Tuy nhiên, anh Tạ Anh Tuấn, Kiểm lâm viên chính Hạt Kiểm lâm An Nhơn, cho biết: "Trước đây, chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra và kết luận: Việc khai thác của Công ty TNHH Hoàn Cầu nằm trong phạm vi giấy phép khai thác, có lấn sâu 500m2 đường phân thủy giáp với diện tích đất Công ty Liên doanh Xuất khẩu Đá Bình Định - AC (Bagexco) đã khai thác vượt khoảng 2.000m2. Tuy nhiên, sau đó, khi đối chiếu lại trên bản đồ thì DN lại không vi phạm vì đường phân thủy vẽ trong bản đồ bị chệch. Không thể kết luận họ là vi phạm. Chúng tôi đã đình chỉ hoạt động khai thác trên diện tích này và đề nghị họ trồng cây lại. Sai sót ở đây là do bản đồ".

Tuy nhiên, thiết nghĩ, ngay cả khi bản đồ sai thì khi tiến hành bàn giao mặt bằng khai thác cho DN, những người cấp phép đã không kiểm tra lại trên thực địa. Đây là cách làm việc quan liêu. Và khi phát hiện bản đồ chưa chính xác thì hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh. Hơn nữa, ngay cả khi DN này khai thác trong phạm vi được cấp phép thì không thể nói cảnh quan tổng thể vùng phòng hộ hồ Núi Một không bị ảnh hưởng. Cùng trong một dãy núi An Trường, một bên là rừng phòng hộ hồ Núi Một, bên kia lại tiến hành khai thác đá tràn lan, điều này rõ ràng là không ổn. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2004, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra tại mỏ đá granite đỏ tại sườn Đông núi An Trường. Kết luận của Đoàn Thanh tra cũng khẳng định: "Hiện tại, Công ty (Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite) đang khai thác có quy mô lớn và đang có dấu hiệu khai thác với quy mô công nghiệp, không phù hợp với quy định đối với việc khai thác tận thu và thăm dò khoáng sản; có một lượng lớn đất, đá thải ra nhưng không có biện pháp xử lý phù hợp; có hiện tượng sạt lở gây hại đến thảm thực vật phía dưới, môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng đáng kể…". Cũng cần nói thêm, đá granite đỏ là một tài nguyên quý của Bình Định, nhưng việc cấp phép khai thác nếu không theo quy hoạch, không tận thu, tiết kiệm, thì nguồn tài nguyên quý này chẳng mấy chốc cũng sẽ cạn kiệt. 

* Không chỉ gây hại về kinh tế, môi trường...

Việc Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite khai thác đá tại khu vực cấp phép thăm dò trong khi giấy phép hiện đã hết hạn là vi phạm Điều 27, 30, 31 Luật Khoáng sản. Hơn nữa, DN này lại chưa thực hiện các biện pháp phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường. Những sai phạm này cần xử lý nghiêm. Kết luận của Đoàn Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng khẳng định: "Nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời thì cảnh quan môi trường (núi An Trường) sẽ có diễn biến phức tạp như đối với khu vực Đông núi Hòn Chà".

Đáng lưu ý là việc khai thác đá ở Nhơn Tân đã không chỉ có tác động đơn thuần về kinh tế và môi trường. Theo ông Nguyễn Trung Tín, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, thì vùng núi An Trường từng là chỗ dựa, là bàn đạp của căn cứ Huyện ủy An Nhơn trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây cũng đã ghi dấu một chiến công vang dội của quân và dân ta. Đó là vào năm 1961, một tiểu đoàn khung trên đường hành quân vào Nam, đã phối hợp cùng bộ đội địa phương đã tấn công vào đồn Nhơn Lộc, tiêu diệt cơ bản 2 trung đội dân vệ địch. Trận đánh này đã cổ vũ lớn tinh thần đấu tranh của nhân dân khu vực phía Nam tỉnh. "Tiến hành khai thác đá tại An Trường cần xem xét liệu có làm ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, cảnh quan và sự an toàn hồ Núi Một. Hơn nữa, bên cạnh việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, cũng cần quan tâm bảo vệ môi trường văn hóa, lịch sử, gìn giữ dấu tích của một vùng căn cứ cách mạng" - ông Nguyễn Trung Tín khẳng định.          

. Thạch Trung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bá Phương vượt nghèo  (31/08/2004)
Anh bộ đội xuất ngũ làm kinh tế giỏi  (30/08/2004)
Đi mua sắm trên Internet   (30/08/2004)
Hội Nông dân Vĩnh Thạnh: Người bạn đồng hành cùng nông dân  (29/08/2004)
Ai chịu trách nhiệm về 20 tấn "rác" đang nằm lì tại Cảng Quy Nhơn?  (27/08/2004)
Chuyện "vác" luật lên non ở An Lão  (26/08/2004)
Những gia đình tiêu biểu của núi rừng  (26/08/2004)
Tai nạn lao động vẫn còn là hiểm họa  (25/08/2004)
Nhìn lại công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở   (25/08/2004)
Tuổi cao, chí càng cao   (24/08/2004)
Hai cô gái giải Nhất   (24/08/2004)
Phiên chợ trong sương sớm   (23/08/2004)
Điện thoại di động: Thật - giả khó phân   (23/08/2004)
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục  (22/08/2004)
Quy Nhơn: Những ngày đầu thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm  (20/08/2004)