Đề cao quyền dân chủ của công dân qua đối thoại trực tiếp
10:37', 1/9/ 2004 (GMT+7)

Chưa đến 7 giờ sáng (ngày 25-8-2004), tại phòng chờ của Phòng Tiếp dân tỉnh đã đông đúc người đến khiếu nại, tố cáo (KN, TC). Trên khuôn mặt của những người hiện diện ở đây, phần lớn không che giấu những tâm trạng, những nỗi lo về kết quả giải quyết KN, TC mà họ sắp được đối thoại trực tiếp với những người có trách nhiệm cao nhất của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh.

* Một buổi tiếp dân thường kỳ

Khi cánh cửa Phòng Tiếp dân tỉnh mở ra, lúc này đúng 7 giờ sáng, ngồi ở bàn chủ trì buổi tiếp dân, được đặt ở vị trí trung tâm là bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phía trước bàn có 2 chiếc ghế dành cho người có yêu cầu KN, TC. Nhìn vào các bảng chức danh chúng tôi thấy ở dãy bàn bên phải là Trưởng phòng Tiếp dân, lãnh đạo Thanh tra tỉnh và Thư ký Tiếp dân; nhiều dãy bàn bên trái là lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có liên quan KN, TC; có đại diện UBMTTQ tỉnh, Hội Luật gia, Hội Nông dân tỉnh làm giám sát.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đầu tiên, bên trái), đang chủ trì buổi tiếp dân ngày 25-8-2004

Không khí trong phòng thật nghiêm túc, người đầu tiên được mời vào phòng, ngồi đối diện với Phó Chủ tịch UBND tỉnh là anh em ông Nguyễn Đạm và ông Nguyễn Trạm, trú ở xã Nhơn Phúc, An Nhơn, KN Quyết định giải quyết KN của Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, về việc không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất ở tại số 107- Ngô Mây, Quy Nhơn. Qua báo cáo của Trưởng phòng Tiếp dân về kết quả xác minh, kiểm tra nguồn gốc lô đất anh em ông Đạm đang khiếu nại, qua đối thoại trực tiếp giữa ông Nguyễn Đạm và các ngành chức năng, bà Nguyễn Thị Thanh Bình đã kết luận: "…Việc ông Nguyễn Đạm và Nguyễn Trạm đòi lại đất cũ do Nhà nước quản lý là trái với quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993; và khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai năm 2003". Vụ thứ hai là bà Nguyễn Thị Ý, trú tại 168 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, KN Quyết định giải quyết KN cuối cùng của Chủ tịch UBND tỉnh; vì bà Ý cho rằng bà có đủ căn cứ, chứng từ để chứng minh việc bà đã nộp khoản tiền ngày công nghĩa vụ lao động năm 2000 vào ngân sách phường Trần Hưng Đạo; không như kết luận của Đoàn phúc tra TP Quy Nhơn. Tại buổi tiếp dân này bà Ý đã đưa ra một số chứng từ, tài liệu mới có liên quan đến vụ việc KN; bà Nguyễn Thị Thanh Bình đã đồng ý: "Giao cho Thanh tra tỉnh phúc tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ chứng từ thu, nộp liên quan đến vụ tranh chấp 4,5 triệu đồng nộp vào ngân sách phường; có kết luận, kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết". Một vụ khiếu nại khác, bà Khổng Thị Cúc, ở 214C- Nguyễn Thị Minh Khai, Quy Nhơn kiến nghị UBND tỉnh bán hóa giá ngôi nhà hiện gia đình bà đang ở theo Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ. Ngôi nhà này UBND tỉnh đã có quyết định trả lại nhà cho ông Nguyễn Hữu Phùng từ năm 1997. Sau khi nghe bà Cúc trình bày, UBND TP Quy Nhơn và các ngành báo cáo vụ việc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: "Không chấp nhận việc bán hóa giá ngôi nhà này cho bà Cúc; giao cho UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xác minh điều kiện cụ thể, đề xuất việc giải quyết đất ở khi bà Cúc có đơn yêu cầu"….

Tại phòng tiếp nhận đơn thư và ghi nhận trình bày trực tiếp về các KN, TC của công dân, công việc của các nhân viên rất dày. Có 28 lượt người đến đăng ký và nộp đơn KN, TC. Không ít những trường hợp do công dân chưa hiểu quy trình làm việc của Phòng Tiếp dân, nên đã nóng vội, nặng lời vì muốn được giải quyết ngay.

* Quy trình tiếp dân

Để lãnh đạo UBND tỉnh có kết luận đúng và thuyết phục đối với người KN, TC, công việc chuẩn bị của Phòng Tiếp dân là hết sức quan trọng. Sau khi tiếp nhận đơn thư hoặc trực tiếp ghi nhận nội dung KN, TC, Phòng Tiếp dân tiến hành phân loại, nắm rõ tính chất, nội dung KN, TC. Nếu là đơn TC thì xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các đơn thư, nội dung KN thuộc thẩm quyền UBND tỉnh tiếp nhận giải quyết thì viết giấy hẹn trong vòng từ 30 đến 45 ngày bố trí gặp Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện quyền KN bằng hình thức đối thoại trực tiếp. Trong thời gian hẹn với đương sự, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và cơ quan có liên quan đến vụ việc phải tiến hành xác minh, kiểm tra, thanh tra và có báo cáo chi tiết gửi đến Phòng Tiếp dân trước 5 ngày. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì của kỳ tiếp dân xem xét, thẩm tra nội dung vụ việc trước khi đối thoại trực tiếp với người KN. Các thành viên của Hội đồng Tiếp dân có trách nhiệm, chuẩn bị nội dung để báo cáo vụ việc và tham mưu trực tiếp cho người chủ trì khi đối thoại.

* Đối thoại trực tiếp, một hình thức đề cao quyền dân chủ của công dân

Ông Nguyễn Hoàng Long- Trưởng phòng Tiếp dân cho biết: "Căn cứ trên các giấy tờ, tài liệu để giải quyết một vụ việc là cần thiết, nhưng được đối thoại trực tiếp giữa người KN và người có thẩm quyền giải quyết, sẽ làm cho vụ việc càng sáng tỏ hơn; những khúc mắc, những tâm trạng của người khiếu kiện nhiều khi không thể bộc lộ hết trên mặt giấy". Mặt khác, các văn bản hành chính khó có thể phân tích, giải thích hết những quy định của pháp luật, nên có nhiều người sau khi đối thoại trực tiếp với Hội đồng tiếp dân, được nghe phân tích, phổ biến những quy định của pháp luật, nên hiểu ra vấn đề và không còn ý kiến KN nữa, như trường hợp của ông Nguyễn Đạm, Nguyễn Trạm, bà Khổng Thị Cúc…. Trong lúc đối thoại với bà Nguyễn Thị Ý, bà Nguyễn Thị Thanh Bình- PCT UBND tỉnh đã lưu ý một chi tiết có ghi trong báo cáo thanh tra: "… Qua kiểm tra xác định kế toán đã hợp thức viết lập phiếu thu và sổ kế toán sau khi Tổ kiểm tra của UBND phường kết thúc việc kiểm tra…". Thế nhưng, bà Ý đã trình các phiếu thu đều có các chữ ký của thủ quỹ, chủ tài khoản; như vậy việc hợp thức hóa khó có khả năng xảy ra, hoặc là những chữ ký trong các phiếu thu là giả mạo. Cho nên, vụ việc này giao cho Thanh tra tỉnh phúc tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ, chứng từ thu, nộp liên quan đến vụ tranh chấp là cần thiết.

Mong muốn của nhiều công dân hiện nay là UBND tỉnh và Phòng Tiếp dân tỉnh nên tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp, qua các hệ thống thông tin đại chúng. Không những đối thoại về những KN, TC mà còn đối thoại về nhiều lĩnh vực khác có liên quan đến việc quản lý nhà nước ở địa phương. Thông qua đối thoại cũng là hình thức biết lắng nghe ý kiến của dân, đề cao quyền làm chủ của nhân dân vậy.  

. Ngọc Diên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoạt động khai thác đá ở Nhơn Tân: Lợi bất cập hại  (31/08/2004)
Bá Phương vượt nghèo  (31/08/2004)
Anh bộ đội xuất ngũ làm kinh tế giỏi  (30/08/2004)
Đi mua sắm trên Internet   (30/08/2004)
Hội Nông dân Vĩnh Thạnh: Người bạn đồng hành cùng nông dân  (29/08/2004)
Ai chịu trách nhiệm về 20 tấn "rác" đang nằm lì tại Cảng Quy Nhơn?  (27/08/2004)
Chuyện "vác" luật lên non ở An Lão  (26/08/2004)
Những gia đình tiêu biểu của núi rừng  (26/08/2004)
Tai nạn lao động vẫn còn là hiểm họa  (25/08/2004)
Nhìn lại công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở   (25/08/2004)
Tuổi cao, chí càng cao   (24/08/2004)
Hai cô gái giải Nhất   (24/08/2004)
Phiên chợ trong sương sớm   (23/08/2004)
Điện thoại di động: Thật - giả khó phân   (23/08/2004)
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục  (22/08/2004)