Ngày mai, 2-9, Hội chợ (HC) Việc làm tỉnh Bình Định lần thứ hai sẽ chính thức khai mạc. Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) tìm được người cần tuyển và người lao động có thêm nhiều cơ may tìm được việc làm phù hợp. Sau đây là ghi nhận của chúng tôi trước giờ khai mạc.
* DN: chờ ứng viên
Đây là lần đầu tiên tham gia HC Việc làm nên Công ty cổ phần Tàu thuyền và Hải sản Cù Lao Xanh đã có sự chuẩn bị kỹ. Theo chị Trần Thị Kim Dung, phụ trách nhân sự của công ty, tham gia HC cũng là cơ hội tốt để quảng bá công ty, về các sản phẩm hải sản mà công ty đang chế biến. Bởi vậy, việc chuẩn bị trang trí logo, hình ảnh giới thiệu hoạt động của công ty, các bảng nêu chức danh cần tuyển cũng như các câu hỏi phỏng vấn trực tiếp người lao động đều đã hoàn thành xong trước đó gần nửa tháng. Trong HC lần này, Công ty cổ phần Cơ khí tàu thuyền và Hải sản Cù Lao Xanh cần tuyển 20 lao động kỹ thuật cao đảm nhiệm các chức danh trưởng phòng quản lý chất lượng, quản đốc... và 100 lao động phổ thông vào làm việc tại công ty. "Ban Giám đốc công ty sẽ trực tiếp phỏng vấn ứng viên", chị Dung cho biết thêm. Mức lương khởi điểm công ty đưa ra cũng khá hấp dẫn: 2-3 triệu đồng/tháng đối với người thực sự có năng lực.
|
Quang cảnh chuẩn bị Hội chợ Việc làm lần II |
Tham gia HC lần này, DNTN Duyên Hải cần tuyển 300 người làm việc tại cơ sở 2 ở KCN Long Mỹ. "Số lượng tuyển giảm hơn năm ngoái nhưng chất lượng lại cao hơn rất nhiều. Năm nay, công ty chúng tôi cần tuyển 5 chức danh giám đốc, phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, quản lý, kế hoạch phụ trách các xí nghiệp và 20 chức danh quản lý, điều hành. Yêu cầu đều phải tốt nghiệp đại học (ĐH) chuyên ngành, riêng các chức danh giám đốc, phó giám đốc phải tốt nghiệp ĐH chuyên ngành về chế biến gỗ, có năng lực quản lý, tuổi đời không quá 32" - anh Lê Văn Trung, Trưởng phòng nhân sự của DN nói.
Không chỉ riêng Duyên Hải mà các công ty khác, nhất là trong ngành chế biến gỗ như Tân Đức Duy, Mỹ Tài, Thế Vũ... tham gia HC lần này cũng rất hy vọng tuyển được nhiều lao động, nhất là công nhân lành nghề - một lực lượng đang thiếu trầm trọng trong ngành chế biến gỗ hiện nay. Trong khi đó, chị Hoàng Thị Huệ, Phó Giám đốc Công ty Sài Gòn - Quy Nhơn Tourist lại hy vọng trong HC này sẽ tuyển được khoảng 200 lao động gồm nhân viên phục vụ và cán bộ quản lý vào làm việc tại Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn Tourist. "Đến giữa năm 2005, khách sạn mới hoàn thành nhưng ngay từ bây giờ phải lo chuẩn bị nhân sự trước. Nếu tuyển được chúng tôi sẽ đưa đi đào tạo tại TP Hồ Chí Minh", chị Huệ cho biết.
Các trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề trong và ngoài tỉnh cũng nhanh chóng vào cuộc với mục tiêu tuyển sinh học nghề, giới thiệu chức năng ngành nghề đào tạo. Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách Cơ sở Dạy nghề của Hội LHPN, cho biết lý do tham gia: "Năm nay chỉ tiêu giao cho cơ sở là 500 người, đến nay chúng tôi đã đào tạo được khoảng 300. Chúng tôi tham gia là để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu".
* Người lao động: tìm kiếm cơ hội
Anh Nguyễn H. Thanh, 30 tuổi, đang làm việc tại một công ty trong TP Hồ Chí Minh, nhân ngày nghỉ lễ 2-9, tranh thủ chạy về để kịp tham gia HC, tâm sự: "Gia đình tôi ở ngoài này hết cả. Nếu tìm được việc phù hợp, dù lương ít tôi vẫn sẽ làm việc ở đây cho gần nhà". Trong khi đó, với nhiều cậu cử, cô tú mới tốt nghiệp ĐH ra trường thì đây là một cơ hội lớn để có thể kiếm được việc làm ngay tại quê hương.
HC cũng là cơ hội tìm được việc làm cho lao động phổ thông và bạn trẻ không có khả năng vào ĐH, chưa biết làm công việc gì phù hợp. Như Uyên, vừa mới thi rớt ĐH cho biết: "Em đang bán hàng quần áo ở một shop dưới Chợ Lớn, nghe có HC Việc làm em đã xin nghỉ để tham gia. Biết đâu tìm được việc phù hợp với em". Còn hai chị em Nguyệt và Nhung sau thời gian sinh con đều muốn đi làm trở lại nhưng chưa tìm được việc: "Chị em tôi nhờ người kiếm việc đã tháng nay nhưng chưa được. Bữa trước thấy có băng rôn quảng cáo "có cơ hội việc làm phù hợp" hai chị em bàn nhau đi xem thử. Chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ xin việc rồi đây".
* Không chỉ là HC
Bên cạnh các hoạt động chính trong HC là tư vấn, tuyển dụng lao động, giao lưu về lao động việc làm và dạy nghề... còn có các hoạt động khác như Hội thi may trang phục nữ của 12 đơn vị dạy nghề ngắn hạn; quảng bá, giới thiệu về các làng nghề truyền thống trong tỉnh. Người lao động không chỉ được thưởng ngoạn sản phẩm nổi tiếng của Bình Định như rượu Bầu Đá - An Nhơn, bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn, nghề chạm, khảm, đúc đồng mà còn được nghe các nghệ nhân nói chuyện nghề.
Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Phó Trưởng Ban tổ chức HC giải thích: "Đây cũng là cách tuyên truyền cho mọi người thấy rằng Bình Định đang khuyến khích các cá nhân, tổ chức học nghề, dạy nghề đồng thời cần phải giữ vững và phát huy các làng nghề truyền thống ở Bình Định trong thực trạng đang ngày càng bị mai một". Ngoài ra, còn có chương trình ký kết hợp tác giữa Sở LĐ-TB&XH Bình Định và Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, tuyển dụng lao động.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, các DN đang tất bật chuẩn bị cho buổi ra mắt vào ngày mai. Nhiều DN sợ "đụng hàng" trong trang trí nên cố tình nán lại chờ phút chót mới tung ra để tạo thêm sự bất ngờ. "Đây còn là bộ mặt của công ty nên phải làm cho thật hoành tráng, khác lạ, thu hút được nhiều người mới được", một DN tiết lộ. Đêm nay (1-9) Hội trại "Thanh niên với việc làm năm 2004" do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức tại phần sân trong khuôn viên Trung tâm Hội chợ - Triển lãm tỉnh sẽ chính thức khai mạc với sự tham gia của đông đảo các bạn đoàn viên - thanh niên đến từ các địa phương trong tỉnh.
. Thu Hà |