Cơ hội "tiếp thị" của các trung tâm dịch vụ việc làm
15:24', 1/9/ 2004 (GMT+7)

Hiện nay, thị trường lao động Bình Định tồn tại một nghịch lý: nhiều lao động không kiếm được việc làm, nhưng ngược lại, tại các trung tâm dịch vụ việc làm lại không có đủ người để đáp ứng cho các công ty tuyển dụng.

* Khó tuyển sinh học nghề

Từ đầu năm đến nay Trung tâm Dịch vụ việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh) đã mở được 5 lớp may công nghiệp và 1 lớp điện dân dụng, thu hút 81 học viên theo học. Dù tỷ lệ học sinh đến học nghề tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng việc tuyển sinh của trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, không chỉ có các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) của tỉnh có chức năng dạy nghề mà ở các huyện đều tổ chức đào tạo nghề ngay tại địa phương, thu hút khá nhiều người đến học. Ngoài ra, các DN chủ yếu ở ngoài tỉnh, tuyển lao động phổ thông để vào làm việc, vừa đào tạo vừa thử việc, người lao động được hưởng tiền công sản phẩm làm ra nên nhiều người dù lúc đầu có ý định đi học nghề nhưng sau lại chọn đi làm.

Giờ học định hướng xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định

Bên cạnh việc dạy nghề, một số TTDVVL còn liên kết với các nhà tuyển dụng lao động xuất khẩu mở các lớp tiếng Anh và giáo dục định hướng cho những người chuẩn bị đi XKLĐ, bước đầu đã cho kết quả nhất định. Nhưng kể từ khi việc lao động ngành xây dựng ở Malaysia mất việc thì việc tuyển sinh gặp không ít khó khăn. Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc TTDVVL Bình Định (Sở LĐ-TB&XH) nói: "Mấy tháng đầu năm, số người đến đăng ký rất đông nhưng bây giờ nhịp độ đã chững lại. Nếu như trước đây, trong vòng 2 tháng có gần 200 người đến đăng ký thì giờ phải mất 2-3 tháng mới đủ mở một lớp học 20 người".

* Giới thiệu việc làm: trở ngại đầu vào

Thị trường lao động trong tỉnh đang trên đường hình thành và chưa sôi động chính là một trong những khó khăn lớn nhất với các TTDVVL ở Bình Định. Hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều tự tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp ngoại tỉnh thỉnh thoảng có nhu cầu tuyển dụng thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm thì lại thường tập trung vào những ngành nghề khó tuyển dụng hoặc có thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn. Ngay cả khi đã tìm được đầu ra, thì vấn đề đầu vào lại là một trở ngại lớn. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc TTDVVL (Liên đoàn Lao động tỉnh), cho biết: "Nhu cầu đầu ra hiện nay rất lớn, nhất là ở TP.HCM, các KCN phía nam cần công nhân lao động trong ngành may mặc, giày da, cơ khí... nhưng đầu vào lại không có đủ để cung ứng. Thậm chí, ngay như sau HCVL lần thứ nhất được tổ chức, công ty tuyển dụng đã trực tiếp ra tuyển nhưng số người đạt yêu cầu rất thấp, chỉ khoảng 20%".

Lao động phổ thông tuyển đã khó, tìm ra lao động kỹ thuật còn khó hơn. Ngay các doanh nghiệp trong tỉnh cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật, nhưng các trung tâm không thể đáp ứng vì không có nguồn. Các trung tâm giới thiệu việc làm đều gắn với dạy nghề nhưng cũng nằm trong tình trạng chung của các trường nghề là trang thiết bị giảng dạy và thực hành, nhìn chung là thiếu và lạc hậu nên rất hạn chế trong công tác đào tạo. Các nghề đang có nhu cầu lớn trên thị trường lao động như cơ khí, động lực, gò hàn... đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Hội chợ Việc làm: cơ hội để "tiếp thị"

Với các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh thì Hội chợ Việc làm tỉnh Bình Định lần thứ hai sẽ là một cơ hội rất lớn. Đây không chỉ là dịp để trực tiếp tuyển dụng lao động ngay tại hội chợ, mà còn là cơ hội để trực tiếp tiếp xúc, thông tin và giải đáp cho người lao động về những chính sách, chủ trương mới của tỉnh về dạy nghề và việc làm; về những nhu cầu hiện tại của thị trường lao động và cũng là dịp để người lao động biết đến mình nhiều hơn. Ông Đỗ Thành Sơn cho biết: "Sau kỳ HCVL năm ngoái, chúng tôi đã tạo được việc làm cho 200 lao động, chủ yếu làm việc ở trong nước. Tham gia HCVL năm nay, tôi không những hy vọng tuyển sinh học nghề đủ chỉ tiêu mà đồng thời giới thiệu cho người lao động các thị trường XKLĐ mới ở Canada, Nhật Bản (cho lao động có kỹ thuật cao). Hiện TT đã cho in 3.000 tờ rơi giới thiệu các hoạt động của TT".

Cái mới ở HCVL năm nay là Ban Tổ chức đã quyết định tổ chức Hội thi tay nghề may giữa các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Đây cũng là dịp để các TTDVVL quảng cáo, tiếp thị mình nhiều hơn. Điều đáng nói hơn là thông qua việc tổ chức hội chợ, nhằm tạo sự sôi động của thị trường lao động, tạo cơ hội cho các TTDVVL có thêm "đất" để dụng võ.

. Nguyên Hạo

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngày 2-9 khai mạc Hội chợ việc làm: Tất cả đã sẵn sàng!   (01/09/2004)
Nỗi lo từ những cung đường tránh   (01/09/2004)
Đề cao quyền dân chủ của công dân qua đối thoại trực tiếp   (01/09/2004)
Hoạt động khai thác đá ở Nhơn Tân: Lợi bất cập hại  (31/08/2004)
Bá Phương vượt nghèo  (31/08/2004)
Anh bộ đội xuất ngũ làm kinh tế giỏi  (30/08/2004)
Đi mua sắm trên Internet   (30/08/2004)
Hội Nông dân Vĩnh Thạnh: Người bạn đồng hành cùng nông dân  (29/08/2004)
Ai chịu trách nhiệm về 20 tấn "rác" đang nằm lì tại Cảng Quy Nhơn?  (27/08/2004)
Chuyện "vác" luật lên non ở An Lão  (26/08/2004)
Những gia đình tiêu biểu của núi rừng  (26/08/2004)
Tai nạn lao động vẫn còn là hiểm họa  (25/08/2004)
Nhìn lại công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở   (25/08/2004)
Tuổi cao, chí càng cao   (24/08/2004)
Hai cô gái giải Nhất   (24/08/2004)