Tháng 10-1944, giữa lúc thời cuộc thế giới đang chuyển biến có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới là Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc phải đồng lòng tổ chức "Một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các Đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và uy tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc; ngoài thì giao thiệp với các hữu bang… Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh".
Vào giữa năm 1945, tại Tân Trào - thủ đô lâm thời của khu giải phóng, Đại hội Đại biểu quốc dân để lập một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam. Quốc dân đại hội Tân Trào được đánh giá "là một tiến bộ lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay", mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một cơ quan quyền lực lâm thời cao nhất của dân, do dân và vì dân, đã lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức là Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ.
|
Ngày 5-1-1946 Hồ Chủ tịch đến dự họp mặt với các cử tri Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập |
Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhiệm vụ mới của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Phải làm cho Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời tiêu biểu được tính chất Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Ủy ban đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia chính phủ cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ gồm 15 thành viên do Bác làm Chủ tịch kiêm ngoại giao. Các thành viên của Chính phủ gồm có đại diện của Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ và trí thức không đảng phái, đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, của các dân tộc thiểu số. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thật sự là một chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội đề cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức.
Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng đến Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6-1-1946) lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến (2-3-1946), thông qua bản Hiến pháp (9-11-1946) đã đánh dấu sự trưởng thành của Nhà nước cách mạng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền trong toàn quốc do toàn dân bầu lên, hoàn toàn có đầy đủ danh nghĩa về pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại, một nhà nước hợp pháp dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được nhân dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
. Nguyễn Huỳnh Huyện |