Từ trung tâm huyện lỵ Vân Canh lên trung tâm xã Canh Liên chỉ chừng 40km, vậy mà chiếc xe hai cầu phải "bò" mất hơn tiếng rưỡi đồng hồ mới lên đến nơi. Những con đường khô màu đất, thi thoảng hai bên đường những khoảnh sạt, lộ ra cả những rễ cây ngoằn ngoèo. Nhìn con đường, ai cũng ao ước: một lúc nào, đường lên Canh Liên sẽ thuận lợi hơn...
* Canh Liên hôm nay
|
Một góc trung tâm xã Canh Liên |
Chưa đến cổng trời, mà những người cùng đi trong đoàn đã đôi lần nhầm: dốc nào cũng vất vả cả, có khác chi cổng trời, nhưng hết dốc này rồi lại thêm dốc nữa. "Vẫn chưa tới dốc cổng trời đâu"- anh bạn đồng hành cho biết. Nhìn con đường, tôi cứ hình dung đến những ngày mưa, mường tượng ra cái vất vả của người dân mỗi khi có việc xuống trung tâm huyện, mà… xót.
Cổng trời là đây, dốc lên dựng đứng. Vượt qua cổng trời, con đường bằng phẳng hơn. Đã bắt đầu thấy những gốc cây lớn xen giữa những rừng cây. Mười lăm, hay hai mươi năm… tôi nhẩm tuổi rừng bằng những cây cao to nhất. Nhưng vẫn chưa thấy bóng cổ thụ. Ai đó nói cho tôi hay, rằng đây chỉ là rừng tái sinh sau những ác liệt của bom đạn chiến tranh rồi những cánh rừng trồng sau này. Trong kháng chiến, vùng rừng núi này từng là căn cứ của Huyện ủy An Nhơn. Bởi vậy, bom đạn và cả chất độc da cam hằn trên mảnh đất, con suối, cánh rừng nơi đây không ít. Thế mà màu xanh ở đây thật non tơ...
Ngang qua những con suối, nay đã in bóng những cây cầu bê tông, rồi lại thấp thoáng một công trình nước sạch. Hẳn là vốn chương trình 135. Hơn hai chục phút sau, đã đến Canh Liên. Khu trung tâm cụm xã hiện lên trong nắng sớm. Ông Đinh Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã, vừa đi vừa giới thiệu với chúng tôi về những công trình mới: "Trung tâm cụm xã được xây dựng theo vốn chương trình 135 đấy. Đây là nhà đài, rồi cái nhà to to kia là trạm y tế, và đây nữa là nhà mẫu giáo… Nhờ có vốn 135, vốn Ngân hàng Thế giới, rồi cả Dự án Hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng… nữa đã đem đến cho Canh Liên một diện mạo như vậy".
Thấy tôi nhìn vào một dãy nhà khá lớn, ông Tâm cho biết: "Trường bán trú đấy. Xã mình hiện có 610 học sinh. Ngoài một số đang học ở trường nội trú tỉnh, huyện, trường tiểu học ở các làng, còn lại theo học bán trú ở đây. Kể ra thì cũng cực, vì bà con còn nghèo, nuôi con học bán trú cũng khó khăn. Vậy nên xã thống nhất cùng góp gạo nuôi học sinh. Mỗi gia đình nộp 60 kg gạo một năm, riêng những hộ có con em đang đi học bán trú thì nộp thêm 15kg gạo nữa và đóng tiền 10.000 đồng một tháng".
Chúng tôi đến làng Hà Giao, gặp ông Đinh Lưu đang ngồi đan trước hiên nhà. Cả cuộc đời 75 mùa rẫy của ông trải cùng những bước thăng - trầm của mảnh đất này. Ngay từ những năm 1954-1955, ông đã tham gia vào lực lượng vũ trang địa phương. Ông Lưu so sánh: "Bây giờ đỡ hơn trước nhiều rồi. Trước: bà con mình phải ở trong khe, sông núi, ăn không có mà ăn, phải ăn trái cây, muối cũng thiếu. Đi thì cứ bươn rừng, bươn núi mò mò mà đi. Nhà thì cứ phải thay đổi liên tục, một năm ba, bốn cái. Giờ thì có ăn, có mặc, có trường cho lũ nhỏ học, đau thì có bác sĩ ở huyện mới tăng cường về trạm y tế xã. Vậy là sướng rồi chứ còn gì nữa". Vừa nói, đôi tay ông vừa thoăn thoắt trên chiếc rổ khá lớn đang dần nên hình. Thấy tôi có vẻ tò mò, ông giải thích: "Cái này mình đan để bắt cá đấy. Nhà mình cũng có ao cá trên khu sản xuất. Đợt rồi bắt cũng khá".
Trên đường đi, nhìn những chiếc xe máy ngược xuôi trên những con đường quanh núi, ông Tâm nói: "Xã mình giờ có hơn trăm cái xe máy. Mà anh có biết là nhờ đâu không? Nhờ nuôi bò cả đấy. Lượng bò của xã hiện vào loại nhiều nhất so với các xã khác trong huyện. Xã có 424 hộ thì có tới 2.363 con bò, vậy là bình quân mỗi hộ có tới 5 con bò rồi. Có hộ còn nuôi cả hàng mấy chục con".
* Vẫn còn những "cổng trời" khác
Đổi thay, đây là điều chúng tôi cảm nhận rõ khi đến Canh Liên mùa thu này. Ngay những con đường, tuy vẫn còn khó khăn đấy, nhưng cũng đã khác xưa nhiều. Rồi hàng loạt những công trình nước sạch, trường học, nhà mới cho hộ nghèo… đã mọc lên. Dẫu vậy, so với nhiều địa phương khác, người dân Canh Liên vẫn còn không ít khó khăn. Toàn xã vẫn còn tới 127 hộ nghèo, tức là tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 29,9%! Và còn những hộ đói vào mùa giáp hạt.
Quỹ đất của Canh Liên không nhỏ. Toàn xã có hơn 883 ha đất sản xuất. Như vậy, bình quân mỗi hộ có hơn 2 ha đất sản xuất. Một thế mạnh khác của Canh Liên là rừng. Rừng ở đây hầu hết là rừng thưa, nhưng cũng có mặt những cánh rừng già bán nhiệt đới bát ngát, với những loại gỗ và lâm sản quý. Rồi những triền đất ven chân núi hoàn toàn có thể phát huy lợi thế chăn nuôi đại gia súc… Còn người Canh Liên thì đã sẵn một truyền thống cần cù, chịu khó. Vậy mà sao Canh Liên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng?
"Tuy xã có 221 ha ruộng lúa nước đấy nhưng năng suất lại quá thấp, chỉ khoảng 25-28 tạ/ha. Trong đó, chủ yếu lại là ruộng sử dụng nước trời nên chỉ sản xuất được một vụ"- lãnh đạo xã giải thích vậy. Còn chăn nuôi đại gia súc tuy có phát triển về số lượng, nhưng trong 2.363 con bò hiện nay thì lại chỉ có 32 bò lai (chưa tới 1,37%). Nguyên nhân là do đồng bào thả rông vùng chân núi nên việc lai tạo khó.
Trong những khó khăn hiện tại của Canh Liên, thì con đường vẫn là trở lực lớn nhất. Ông Lĩnh nói: "Xã giao cho từng thôn đảm nhiệm tu sửa từng đoạn, và phải làm thường xuyên hàng quý. Nhưng rồi cũng chỉ trụ được trong mùa khô, còn đến mùa mưa là… xong. Chúng tôi chỉ mong tỉnh giải cho đoạn từ Kà Te lên Canh Liên, đến được với cửa rừng là mừng rồi. Có con đường thì sẽ giải cho xã được nhiều thứ". Cây mì là một ví dụ. "Cây mì dưới xuôi bán được chứ ở đây trồng nhiều thì biết bán cho ai? Mì ở đây trồng để làm rượu cần thôi"- một người dân nói vậy. Hay như một chuyện tưởng chừng rất đơn giản là xuống trung tâm huyện làm dịch vụ sinh đẻ kế hoạch, chi phí đi lại mất cả… trăm ngàn đồng…
Nhưng ngoài cái khó do điều kiện xa xôi, giao thông cách trở (dù đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây) thì nguyên nhân quan trọng làm cho cái nghèo còn đeo bám lấy người dân nơi đây là họ còn thiếu về kỹ thuật, cách làm ăn mới.
Và cứ thế, cái khó, cái nghèo lại như một "cổng trời" khác với người Canh Liên. Mà cái "cổng trời" này thì thật sự khó vượt qua nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, sự hợp lực của các ngành chức năng trong mục tiêu chung đưa mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều tiềm năng này phát triển…
* Để Canh Liên không còn xa
Buổi trưa. Khi nắng đã thả đều trên những tán rừng trước mặt, đập vào mắt tôi là những con đường phơi màu đất vàng thổ ngoằn ngoèo ôm ngang những triền núi. Trong tiếng vi vút của gió núi đại ngàn, có điều gì như một ước mong. Rằng trên những tuyến đường giao thông còn nhiều cách trở hôm nay, sẽ dày thêm bóng dáng những cán bộ khuyến nông, y tế, những tri thức trẻ đến với Canh Liên mang theo kỹ thuật, kiến thức mới. Và mong sao, rồi những con đường lên Canh Liên sẽ sớm được mang áo mới. Để rồi con cá mới bắt buổi sáng có thể tươi nguyên khi về đến chợ huyện, và người dân mỗi khi phải cáng người thân xuống cấp cứu dưới Trung tâm Y tế huyện không còn phập phồng trước cái xa xôi trên mỗi cung đường...
. Lê Viết Thọ |