57 đơn vị tham gia Hội chợ (HC) Việc làm tỉnh Bình Định lần thứ II có nhu cầu tuyển dụng 21.161 lao động. Tuy nhiên, kết thúc HC, các đơn vị này mới chỉ tuyển chính thức được 877 lao động.
* Tổ chức: có kinh nghiệm hơn
|
Tư vấn việc làm cho người lao động ở gian hàng của Công ty TNHH Quốc Thắng |
Nhìn chung, HC năm nay đã được tổ chức bài bản và quy mô hơn năm 2003. Không chỉ BTC đã bố trí, tổ chức các hoạt động nhịp nhàng mà ngay cả các đơn vị tham gia HC cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Rút kinh nghiệm từ HC năm trước, năm nay hầu hết các đơn vị đã quan tâm trang trí gian hàng đúng chủ đề của HC theo quy định đồng thời phản ánh đặc trưng riêng của từng đơn vị, nhất là việc niêm yết nhu cầu cần tuyển và hướng dẫn thủ tục tuyển. Từ khâu hình thức như phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, bảng tuyển dụng đến chuẩn bị nội dung như phiếu đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển, các đơn vị đều đã có sự chăm chút kỹ lưỡng bởi "đó cũng là bộ mặt của đơn vị, công ty". Không ít doanh nghiệp còn sử dụng cả đèn chiếu để quảng cáo hình ảnh, sản phẩm của công ty. Có thể kể đến một số gian hàng thu hút được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm như Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIA, Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn, Khách sạn Life Resort, các công ty TNHH: Tiến Đạt, Duyên Hải, Quốc Thắng...
Ngoài ra, năm nay BTC HC đã đưa các hoạt động như Hội thi tay nghề may, trưng bày các sản phẩm của làng nghề truyền thống góp phần làm cho HC thêm sôi động.
* Lao động kỹ thuật cao: cung chưa đủ cầu
Các đơn vị tham gia đăng ký tuyển dụng trên 21.000 lao động, kết quả chỉ có 877 lao động được tuyển chính thức, trong đó 315 lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Hầu hết các DN đều chung nhận xét: "Trình độ của NLĐ ở Bình Định còn thấp, khó tuyển được người phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Chúng tôi cần người có năng lực, kinh nghiệm thực tế nhưng người đến xin việc lại hầu hết là những SV mới ra trường, chưa cọ xát với thực tế. Nếu tuyển dụng, phải mất thời gian và công sức để đào tạo lại". Hai bạn sinh viên Nguyễn Đức Tân, Đinh Ngọc Tiệp mới tốt nghiệp trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) Khoa Chế biến lâm sản năm 2004, băn khoăn: "Nghe các thầy dạy giới thiệu Bình Định là nơi có ngành chế biến lâm sản phát triển mạnh nên chúng em tìm vào, thuê nhà trọ ở Phú Tài hơn nửa tháng nay. Vào HC, thấy có nhiều doanh nghiệp tuyển đúng nghề của chúng em nhưng yêu cầu phải là người có kinh nghiệm. Không biết mới ra trường như bọn em họ có chấp nhận không?".
5 chức danh giám đốc, phó giám đốc mà DNTN Duyên Hải rao tuyển với mức lương 5 triệu đồng/tháng, đến ngày bế mạc vẫn không có có một ứng viên nào đạt yêu cầu mặc dù đã có trên 300 lao động đến đăng ký dự tuyển. Anh Lê Văn Trung, Trưởng phòng Nhân sự công ty, cho biết: "Người chúng tôi cần phải biết về ngành gỗ, có năng lực quản lý nhân sự, kinh nghiệm thực tế nhưng chẳng ứng viên nào hội đủ các yêu cầu đó. Trong số gần 100 hồ sơ đăng ký vào 25 vị trí quản đốc, giám sát thì chỉ khoảng hơn 10% có khả năng lọt vào vòng phỏng vấn thứ hai của công ty". Tuy không có nhu cầu tuyển dụng vào các chức danh khá "sáng" như Duyên Hải nhưng Công ty TNHH Tiến Đạt cũng gặp phải tình trạng "việc không gặp được người" dù chỉ cần công nhân làm mộng bậc cao, nhân viên KCS.
* Cần "tiếp thị" NLĐ hơn nữa
Ông Phan Văn Đại, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thiết bị Vật tư thông tin (chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: "Tôi đã tham gia buổi giao lưu "Cơ hội việc làm và nghề nghiệp" tại HC và thấy rằng cơ chế cho vay tiền đi XKLĐ của Bình Định còn hơi cứng, chưa tạo hết điều kiện cho NLĐ vay vốn. Ở các tỉnh khác, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ, người đi XKLĐ rất đông là bởi vì ở đó tỉnh tạo điều kiện tối đa cho người đi XKLĐ vay tiền, mặt khác làm tốt công tác tuyên truyền về XKLĐ, giao cho chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý nhân thân, gia đình của người đi XKLĐ, nhắc nhở họ trả nợ ngân hàng". Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thìn, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Dịch vụ tổng hợp (STC-Seaprodex) nhận xét: "NLĐ Bình Định vẫn còn mù mờ về XKLĐ, đa phần không biết các thủ tục tiến hành đi XKLĐ".
Nhiều NLĐ tham gia HC còn mang tâm lý "đến để cho biết", hoặc có sự chuẩn bị nhưng không đạt yêu cầu. Không ít sinh viên rất thụ động, chỉ biết kiến thức ở nhà trường và không chịu khó học hỏi, cọ xát với thực tế nên khi phỏng vấn ít đạt yêu cầu" - ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nhân sự Chi nhánh Công ty Bitis’ tại Nha Trang nói.
. Thu Hà |