. Phóng sự của Lê Viết Thọ
Từ trên cầu mới của thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) nhìn xuống, những chiếc lều phủ bạt xanh nằm rải dọc theo con nước của dòng sông Kôn trông như những căn chòi của cư dân du mục nào đấy… Nhưng nhìn kỹ, những đàn vịt lớn, bé đang thư thả lặn ngụp trong nước, mới biết đây là lều của những người chăn vịt. Không thể đếm hết có bao nhiêu lều vịt như thế dọc theo dòng sông Kôn này.
* Xóm lều giữa lòng sông
Lui cui mãi mà tôi vẫn chưa tìm ra đường để đi xuống dưới bãi sông. Bờ kè thì cao và dốc, sơ sảy chân mà lăn tòm xuống thì… khốn. Hỏi đám trẻ đang đá bóng dưới bãi, chúng quát vọng lên: "Đứng lại! Nhìn xuống dưới chân". Đang ngơ ngác thì chợt, một người đàn ông từ trong xóm đi ra, vác ngang vai bao tải to tướng, phăm phăm bước lại bờ kè. Rồi cứ thế, ông thẳng bước xuống phía dưới. Hóa ra, ngay dưới chân chúng tôi, ai đó đã đắp những bậc xi măng làm đường lên xuống. "Con đường của những người chăn vịt" - đám trẻ đá bóng nói với chúng tôi vậy.
Theo bước chân thoăn thoắt như chạy của người đàn ông nọ, chúng tôi lần ra phía bên kia bãi sông. Ngay gần mé nước, những chòi vịt phủ bạt màu xanh nổi giữa nền cát vàng. Đã chiều mà cái nóng vẫn hầm hập đổ xuống đầu, nắng hắt lên từ mặt cát. Chui vội vào một mái bạt, vẫn nóng, lại thêm mùi vịt khá nồng. "Oi quá" - tôi bắt chuyện. Anh thanh niên đang cho những chú vịt con chừng hơn tuần tuổi uống nước, vui vẻ: "Ra đây thì chấp nhận vậy thôi. Mà chú đi tiếp thị thức ăn hả. Loại nào đấy?". Rồi chỉ vào đàn vịt, anh nói: "Tui mới mua hôm qua. Chừng 800 con. Ba ngàn mấy một con đấy, chẳng ít đâu. Mà ăn tốn dữ quá. Thức ăn gì mà cứ lên hoài" - anh Lê Tấn Lợi, tên người thanh niên này, nói. "Vịt nhỏ vậy làm sao chịu thấu cái nóng giữa bãi cát này?" - tôi hỏi. Anh Lợi vừa tranh thủ làm vừa cho biết: "Mấy bữa nay còn nhỏ quá, lại chưa quen nên ban ngày tui cứ phải bỏ vào giỏ, gánh đi xuống dưới chân cầu, gần mặt nước kia, quây lại rồi thả cho mát. Chỉ khi trời chiều mới gánh về đây thôi".
Khác với anh Lợi đã làm nghề này mười mấy năm nay, anh Trần Văn Dũng thì mới chỉ làm nghề nay được chừng hơn tháng. "Đây là lứa vịt đầu tiên của tui" - anh Dũng nói. Day tay sang chiếc chòi vịt kế bên, anh Dũng cho biết: "Chòi bên kia là của thằng em, nó cũng tên Dũng, hay gọi Dũng em, làm nghề này lâu nay rồi. Thực ra, trước đây tui cũng đã làm, nhưng rồi có một thời gian chuyển qua nghề khác, lại thấy không ăn, đành quay lại nuôi vịt". Theo tay anh Dũng chỉ, tôi nhìn sang chòi kế bên, một thanh niên đang lùa vịt vào trong quây. Anh ta lùa vịt dồn một góc rồi dong cho chúng chạy dần sang góc bên kia để đếm và tách riêng vịt đực ra khỏi đàn. "Phải nhốt riêng chúng cho khỏi phá" - anh Dũng giải thích vậy.
So với đàn vịt anh Dũng thì đàn vịt đẻ của bà Nguyễn Thị Nhan có vẻ già tuổi hơn. "Nuôi ba tháng tuổi rồi đấy chú" - bà Nhan nói. Đàn vịt 450 con của bà, con nào con nấy mập tú ụ. "Bây giờ còn nóng, chưa thuận, mỗi đêm chỉ thu được chừng 350, 360 trứng, chứ cữ tháng 11 đến tháng 4, tháng 5, mỗi đêm tui thu chừng trên 400 trứng. Vịt này mỗi ngày 90% cho trứng là thường" - bà Nhan nói.
* Nghề chăn vịt, nuôi cả xóm
Chỉ một đoạn sông Kôn dài vài trăm mét phía sau cầu mới, vậy mà chúng tôi thử đếm đã thấy có 5 chòi vịt của 5 chủ khác nhau. Còn khúc sông giữa cầu mới và cầu cũ lại có 4, 5 chủ khác. Mỗi đàn có đến hàng trăm đến cả ngàn vịt là thường. "Ôi thôi, nếu cứ theo dọc cái con sông này thì biết bao nhiều chòi mà kể" - bà Nhan nói. Kẻ mới một lứa, người cũ nuôi vịt hàng chục năm nay giữa dòng sông Kôn. Họ cứ quây sông thành từng khúc, thả vịt bơi dưới lòng sông. Mùa mưa thì nước dâng đến đâu dồn vịt lên đến đấy. Lũ lớn thì dong tạm về sân nhà trong xóm mấy ngày. Mưa cũng như lũ, vịt bám lấy con nước mà sống và nguồn sống của chừng ấy hộ gia đình bám chủ yếu vào những chòi vịt.
"Thu nhập kể thì cũng được nhưng bấp bênh. Như thời điểm hiện tại giá rất được. Mỗi cân tới mười mấy ngàn đồng. Nhưng bù lại, giá cám, giá thóc cũng lên, đầu tư cũng lớn. Mỗi ngày đàn vịt của tui ăn mất bốn, năm trăm ngàn là thường. Nên cậu đừng thấy mấy cái chòi đơn sơ thế này mà tưởng ít vốn, tụi tui cũng dốc sức đầu tư cả vào đây mới nên cơm nên cháo đấy" - anh Dũng nói. Gần như anh Dũng có mặt cả ngày nơi chòi vịt. Nắng thì núp dưới chân cầu, mưa thì chui trong chòi, lấy chiếc radio nhỏ làm nguồn giải trí. Còn bà Nhan thì tâm sự, nhà bà có cả thảy 6 người con, nếu không nhờ cái nghề này thì biết lấy gì mà sống. "Nhà tui nay còn hai đứa đang đi học. Nhưng lạ là lớn lên rồi thì chẳng mấy đứa ưng cái nghề chăn vịt này. Nó cứ bỏ theo nghề khác, còn tui vẫn lui cui giữa lòng sông" - bà Nhan nói.
"Hàng ngàn con thế này, làm thế nào cho khỏi lạc" - tôi hỏi. Người đàn ông đang thư thả bập điếu thuốc bên chiếc chòi sát mé sông cười nói: "Chú em chưa làm nghề này nên không hiểu, chứ vịt của mình, con nào rồi cũng nhận ra được. Hơn nữa, nó lại đi theo bầy. Còn rủi có thi thoảng lạc một, hai con thì đã có dấu đầu mỏ, lộn sao được" - ông nói.
Trời chiều, anh Lợi, anh Dũng đã ra lùa vịt dưới sông về. Nhìn cái lòng sông nước kiệt nước chỉ còn như chiếc lạch nhỏ, nước sắp ngang ngực này, bản thân tôi cũng chẳng hình dung được, có lúc lại trở nên ầm ào, cuồn cuộn về phía biển là vậy trong mùa lũ. Và nếu không gặp họ, tôi cũng chẳng nghĩ, rằng bất kể mưa hay lũ, vẫn có những cuộc đời người chung sống với dòng sông, bám lấy lòng sông làm nguồn sống. Ôi, con sông hiền hòa và dữ dội, và lạ thay cho những con người biết chung sống hòa điệu cùng thiên nhiên…
. Lê Viết Thọ
|