Đời sống ngư dân Nhơn Lý: Không chỉ có nghề biển
10:34', 7/9/ 2004 (GMT+7)

Trước đây, cuộc sống của người dân xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) quanh năm chỉ biết gắn bó với nghề làm biển. Thế nhưng, ngày nay, bên cạnh cái nghề truyền đời, một bộ phận người dân Nhơn Lý đang có sự chuyển hướng nghề nghiệp nhằm từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào biển.

* Bấp bênh nghề biển

Nhơn Lý hôm nay với những ngôi nhà cao tầng và con đường bê tông chạy dài khắp xã

Thôn Lý Hòa tập trung gần 300 hộ dân, hầu hết đều làm nghề đi biển. 2 giờ chiều, những đợt sóng biển vọng vào từng nhà, nhưng những người đàn ông vẫn còn túm tụm quanh các bàn cờ, bàn nước trà và bàn nhậu. Anh Phạm Chúc (33 tuổi), cho biết: "Thường thì vào giờ này, cánh đàn ông đều đi biển, nhưng hôm nay đang vào mùa nước cạn, không làm ăn được đành phải ở nhà".

Vài ba năm trước, người dân Nhơn Lý sắm thuyền lớn giong về các vùng biển phía nam, nhưng nay thì chỉ còn rất ít. Anh Lê Mộng Ân tâm sự: "Làm ăn xa thì có tiền thật, nhưng đấy là chuyện ngày xưa. Bây giờ, ở ngư trường nào cũng đều có dân địa phương khai thác. Hơn nữa, mỗi chuyến đi xa như thế kéo dài đến cả tháng trời, chi phí ăn tiêu, xăng dầu tính ra cũng tốn bộn tiền. Thôi thì làm ở nhà, ngày nào chắc ăn ngày ấy". Hành trình của người làm nghề biển thường bắt đầu vào buổi chiều, 4-5 giờ ra đi, đến sáng hôm sau 7-8 giờ thì về. Một tháng chỉ làm được 20 đêm vì phải trừ những đêm trăng. Anh Ân tiếp: "Trước đây, biển no, các ngư trường khác người làm nghề biển chưa nhiều nên chỉ cần chịu khó đi xa một chút cũng kiếm đủ chi tiêu. Nhưng mấy năm gần đây, nghề biển ngày càng khó, vừa bấp bênh lại vừa cực. Tháng nắng làm ăn ngon lành, ngót nghét được triệu bạc, ít cũng được 400.000-500.000 đồng, nhưng phải mùa đông năm nào kéo dài chừng 2-3 tháng đành chịu ngồi chơi xơi nước". Đó là chưa kể những chuyện xui rủi của nghề biển.

* Tìm hướng làm ăn mới

Ngư dân Nhơn Lý vá lưới chuẩn bị vào mùa đánh bắt hải sản

Khi nghề biển ngày một khó khăn, một bộ phận ngư dân Nhơn Lý đi tìm hướng làm ăn khác. Anh Trung ở thôn Lý Hòa, sau 8 năm gắn bó với biển đến khi lấy vợ, để nuôi sống gia đình, anh đã chuyển sang làm nghề chạy xe thồ. Anh tính: "Mỗi chuyến làm biển về, mọi người phải đi đò sang Quy Nhơn bán cá, rất vất vả. Còn nếu chờ hàng xáo sang đây để mua thì bị ép giá, vì thế nhiều người phải chở cá bằng đường bộ qua Cát Tiến (Phù Cát) để bán. Từ ngày có con đường nối liền Nhơn Lý và Phù Cát thì nhu cầu đem cá đi và mua hàng hóa về bán ngày càng nhiều. Tôi sắm xe, vừa làm phương tiện cho vợ buôn bán vừa chở thồ hàng hóa". Đã thành lệ, một ngày 2 bận anh chạy thồ. Buổi sáng, sau khi đưa vợ sang chợ Cát Tiến bán cá, anh lại quay về thồ hàng của khách. 1 giờ chiều, anh vào bến đò chở khách và hàng hóa về. Thu nhập của anh mỗi ngày như thế cũng được 40.000-50.000 đồng, trừ tiền xăng nhớt còn một ít, lấy công làm lời.

Trong khi đó, vợ chồng anh Triều chị Xinh mới 31 tuổi nhưng đã có một cơ ngơi khá đầy đủ. Cả hai vợ chồng đều làm nghề thợ may, lại kiêm thêm các dịch vụ khác. Chị Xinh cho biết, những ngày bình thường chị may được vài ba bộ đồ. Nhưng vào tháng Tết, hai vợ chồng tối mặt tối mũi vì phải may 200-300 bộ. Làm không xuể việc, năm nào anh chị cũng phải thuê thêm 2 người phụ giúp việc và 2 thợ may lành nghề. Chị bộc bạch: "Thợ may lành nghề trong xã không có bao nhiêu, được mấy đứa giỏi nghề đều đã đi làm ở Quy Nhơn hoặc vào tận Sài Gòn. Hai vợ chồng phải dụ mãi mới kéo được 2 đứa về giúp". Bây giờ trong căn nhà 2 tầng, anh chị tập trung vào nghề may và nuôi dạy cậu con trai vào lớp 3 cùng con gái mới vào mẫu giáo.

Khi nói về nghề nghiệp ổn định cho tương lai, anh Trung cười: "Nghề chạy xe thồ rồi cũng không thể duy trì lâu được vì đã có đường sá đi lại thuận tiện. Nhưng chắc chắn, tôi không quay lại nghề biển mà sẽ chuyển sang một nghề khác". Vâng, người dân Nhơn Lý đang tìm cho mình một hướng đi ngoài nghề biển, nhưng không phải nghề nào cũng dễ ăn, ổn định là trăn trở đang đặt ra.

. Hiền Lê

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chăn vịt giữa lòng sông Kôn   (06/09/2004)
Lao động kỹ thuật cao: Doanh nghiệp cần nhưng không đủ   (06/09/2004)
Làm mặt trận thôn cũng cần sáng tạo   (05/09/2004)
Bình Định vào năm học mới   (05/09/2004)
Để trẻ vui đến trường   (03/09/2004)
Đánh máy vi tính: Nghề phụ, thu góp   (03/09/2004)
Khát vọng Canh Liên   (02/09/2004)
Bình Định trong những ngày Tháng Tám lịch sử   (02/09/2004)
Bác Hồ với việc kiến lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa   (02/09/2004)
Cơ hội "tiếp thị" của các trung tâm dịch vụ việc làm   (01/09/2004)
Ngày 2-9 khai mạc Hội chợ việc làm: Tất cả đã sẵn sàng!   (01/09/2004)
Nỗi lo từ những cung đường tránh   (01/09/2004)
Đề cao quyền dân chủ của công dân qua đối thoại trực tiếp   (01/09/2004)
Hoạt động khai thác đá ở Nhơn Tân: Lợi bất cập hại  (31/08/2004)
Bá Phương vượt nghèo  (31/08/2004)