Những chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện cải cách hành chính
10:3', 8/9/ 2004 (GMT+7)

Ngày 17-9-2001, Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Sau 3 năm thực hiện, tuy còn nhiều tồn tại, bất cập nhưng Bình Định cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Tiếp dân tại Văn phòng UBND thành phố Quy Nhơn

Về thực hiện cải cách thể chế, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển đúng hướng. Hệ thống tổ chức, chế độ công vụ, chính sách cán bộ công chức các cấp đã được bổ sung sửa đổi phù hợp; xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân. Chất lượng công tác ban hành văn bản được nâng lên một bước; tình trạng văn bản cấp dưới mâu thuẫn với cấp trên, sai về thể thức, nội dung đã giảm đáng kể. Một tổ công tác được thành lập, có nhiệm vụ hàng năm rà soát văn bản, kịp thời phát hiện, hủy bỏ những văn bản không còn hiệu lực, sai thẩm quyền. Tỉnh đã sắp xếp tinh giảm các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xuống còn 24 sở, ban; chỉ đạo các huyện, thành phố sắp xếp còn 8-12 phòng, ban. Bước đầu đã chuyển 5 đơn vị sự nghiệp có thu từ chỗ ngân sách bao cấp hoàn toàn sang hình thức tự trang trải một phần hoạt động, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Công tác phân cấp quản lý, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở đã triển khai đạt kết quả bước đầu.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tỉnh đã triển khai nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, xếp ngạch, nâng ngạch; xây dựng và triển khai các đề án đào tạo cán bộ, công chức; thực hiện các quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tỉnh cũng đã ban hành và thực hiện các chính sách trợ cấp cán bộ đi học, chế độ khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và thu hút nhân lực có trình độ cao, chính sách trợ cấp học bổng, học phí có tác dụng tích cực trong việc kiện toàn, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức.

Để thiết lập trật tự kỷ luật, kỷ cương và chống tham nhũng trong bộ máy hành chính Nhà nước, chấm dứt tình trạng "hành dân", Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ lựa chọn những vụ việc điển hình, cụ thể để xem xét, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý dứt điểm. Trường hợp do các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không phù hợp thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Trường hợp do cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, vô trách nhiệm thì kiến nghị xử lý nghiêm minh. Trường hợp cán bộ, công chức không đủ năng lực thì thay thế.

(Ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, tháng 7-2004)

Về cải cách thủ tục hành chính, đến nay đã có 14 sở, ban của tỉnh và hầu hết các huyện, thành phố đã đăng ký thực hiện cơ chế "một cửa". Qua đó, các thủ tục hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết đối với từng loại công việc được ban hành và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân khi có việc phải đến cơ quan công quyền.

Tuy vậy, công tác CCHC ở Bình Định thực hiện chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập. Công tác điều hành thực hiện quy trình giải quyết công việc theo cơ chế một cửa còn nhiều lúng túng; nhiều huyện chưa tập trung các bộ phận chức năng về một nơi làm việc, buộc người dân phải đi lại nhiều nơi mới có thể giải quyết xong một việc. Một số đơn vị được giao thực hiện khoán biên chế, kinh phí hoạt động tuy đã lâu vẫn chưa xây dựng được quy chế khoán chi tiêu trong nội bộ nên chưa tạo được động lực cố gắng cho người lao động. Nguyên nhân đáng kể là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC; thậm chí có người còn bàng quan hoặc cố tình né tránh, chỉ muốn được cho riêng mình. Quá trình xây dựng phương án, kế hoạch CCHC còn chủ quan, đơn giản dẫn đến những vướng mắc trong thực hiện.

Nhanh chóng khắc phục những vướng mắc, tồn tại, đẩy nhanh tiến độ CCHC cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của các cấp, các ngành ở Bình Định như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện CCHC tổ chức trong tháng 7-2004.

. Võ Công

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngôi trường mới mang tên người anh hùng Nguyễn Huệ  (07/09/2004)
Làm từ thiện   (07/09/2004)
Đời sống ngư dân Nhơn Lý: Không chỉ có nghề biển   (07/09/2004)
Chăn vịt giữa lòng sông Kôn   (06/09/2004)
Lao động kỹ thuật cao: Doanh nghiệp cần nhưng không đủ   (06/09/2004)
Làm mặt trận thôn cũng cần sáng tạo   (05/09/2004)
Bình Định vào năm học mới   (05/09/2004)
Để trẻ vui đến trường   (03/09/2004)
Đánh máy vi tính: Nghề phụ, thu góp   (03/09/2004)
Khát vọng Canh Liên   (02/09/2004)
Bình Định trong những ngày Tháng Tám lịch sử   (02/09/2004)
Bác Hồ với việc kiến lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa   (02/09/2004)
Cơ hội "tiếp thị" của các trung tâm dịch vụ việc làm   (01/09/2004)
Ngày 2-9 khai mạc Hội chợ việc làm: Tất cả đã sẵn sàng!   (01/09/2004)
Nỗi lo từ những cung đường tránh   (01/09/2004)