Sự phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy đã kéo theo việc đua nhau mọc lên của các cây xăng tư nhân. Đội ngũ những người đứng bán xăng dầu thuê ngày càng đông đảo, nhưng có mấy ai hiểu hết công việc của họ cũng chứa bao "nỗi niềm".
* Nghề của những đôi "chân thép"
|
Một nhân viên bán xăng dầu thuê tại một cây xăng tư nhân (ảnh: Văn Lưu) |
Khi chúng tôi đến cây xăng tư nhân Thuận Hùng ở xã Cát Tân (Phù Cát), thì chị Ninh đang cầm vòi để bơm dầu cho một chiếc xe tải. Ngoài trời cái nắng gay gắt đã vượt lên 37 độ. Cái nắng giữa trưa cùng với luồng khí nóng thoát ra từ ống xả của những chiếc xe tải nặng chờ bơm dầu, cộng hơi xăng dầu bốc lên khiến bầu không khí tại đây hầm hập. Lưng áo của chị Ninh ướt đẫm mồ hôi...
Phải bơm xăng liên tục gần một tiếng đồng hồ chị Ninh và anh Trung (trong ca trực từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối) mới ngơi tay. "Nắng gắt như thế này, cộng với xăng dầu bốc hơi nên tụi tôi phải bịt 2 lớp khẩu trang mới bớt rát mặt", chị Ninh - người đã có 10 năm đứng bán xăng thuê, vừa gỡ khẩu trang vừa giải thích. Gạt những giọt mồ hôi rịn ra trên khuôn mặt đỏ gay do nhiệt độ tăng cộng với hơi xăng dầu táp vào mặt, họ mới bắt đầu bữa cơm trưa vội vã lúc 13 giờ với những món ăn đã nguội ngắt.
Để làm được nghề bán xăng thuê chẳng cần phải học cao nhưng phải khỏe, nhanh tay, tính nhẩm giỏi và nhất là phải có một đôi "chân thép" để có thể đứng vững trong vòng 12 tiếng đồng hồ của một ca trực. Những người bán xăng thuê đều có chung những đặc điểm của một nghề chuyên phải đứng giữa mưa, nắng: da đen cháy, mũi luôn khụt khịt do phải hít quá nhiều bụi đường, khói xe, hơi xăng dầu. Chị Ninh cho biết: "Hồi mới vào nghề, trong những ngày đầu đứng bán tôi luôn bị ngất và xây xẩm mặt mày. Giờ lâu thành quen". Còn chị Thanh, một người bán xăng thuê tại một cây xăng tư nhân ở thị trấn Bình Định (An Nhơn), tâm sự: "Trong số người đến đổ xăng dầu, cánh xe tải lại là những người thông cảm với bọn tôi nhất, do họ thường ngồi nghỉ 10-15 phút mới chạy tiếp, qua trò chuyện họ hiểu cuộc sống và công việc của bọn tôi nhiều hơn".
* Phải tự trang bị đồ bảo hộ lao động
|
Nhân viên Công ty xăng dầu Bình Định đang đổ xăng cho khách (ảnh: Văn Lưu) |
Theo Chi cục Quản lý thị trường Bình Định, hiện trong toàn tỉnh có 131 cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu. Trong đó, 38 cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu thuộc đơn vị Nhà nước; 93 cửa hàng, trạm thuộc cây xăng tư nhân. Chỉ tính riêng số cây xăng tư nhân, mỗi cây xăng thường thuê từ 2-4 người đứng bán, nếu cây xăng qui mô lớn thì thuê người bán nhiều hơn, thì với 93 cây xăng sẽ có khoảng 300 người đứng bán xăng thuê. Người đứng bán xăng chia ca mà làm, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối và ngược lại. Cứ mười ngày, nửa tháng lại thay đổi ca một lần. Lương cho những người đứng bán xăng được chủ cây xăng trả khoảng 400-500 ngàn đồng/tháng, ngoài ra không còn một khoản nào khác. Quần áo, khẩu trang để đứng bán xăng, người bán xăng thuê phải bỏ tiền túi ra mua. Một đặc điểm rất chung giữa các chủ cây xăng tư nhân và người đứng bán xăng thuê là đều ký kết hợp đồng lao động "bằng miệng" nên nếu có tranh chấp hoặc sự cố gì xảy ra, bên bị thiệt thòi vẫn là những người bán xăng thuê.
Nghề bán xăng thuê cũng thường xuyên gặp phải "tai nạn nghề nghiệp". Nếu bơm lộn từ xăng sang dầu hay ngược lại vào các xe, khoản chi phí này do người bơm phải gánh chịu, đến tháng chủ trừ vào lương. Trong một tháng nếu xui xẻo bị lộn 2-3 lần thì coi như mất đứt tháng lương. Chưa kể, nếu lỡ bơm thiếu chút đỉnh là bị khách cằn nhằn, nhưng bơm thừa thì sẽ bị chủ trừ tiền.
* Chút băn khoăn
Nghề bán xăng thuê không phải là một nghề hấp dẫn nhưng đối với một số người, rời đồng ruộng ra họ không còn việc gì khác để làm nên đành chấp nhận. Anh Trung cho hay: "Mấy lần tôi bỏ bán xăng về quê làm ruộng, nhưng không có tiền phải quay lại bán xăng. Đứng bán xăng cho các cây xăng nhà nước được hưởng nhiều khoản ngoài lương tháng, còn bán cho các cây xăng tư nhân thì ngoài lương cố định, không còn khoản nào khác. Dù có tháng doanh thu của cây xăng cao ngất trời, thì tiền lương vẫn thế thôi".
Theo ông Phạm Thiên Hoàng, Trưởng phòng Tổ chức Công ty xăng dầu Bình Định, nhân viên đứng bán xăng của công ty khi mới vào làm việc được hưởng bậc lương 1,4, sau mỗi năm được thi nâng bậc lương và bậc cao nhất là 3,28; được hưởng mọi chế độ của Nhà nước; mỗi năm được cấp 2 bộ quần áo, 2 chiếc mũ, 2 đôi giày vải, 8 khẩu trang, 4 kg xà phòng. Mỗi ngày họ làm việc 8 tiếng; hưởng chế độ độc hại 2.000 đồng/ca đứng bán xăng...
Đó là những nhân viên bán xăng cho doanh nghiệp Nhà nước. Còn những người bán xăng thuê cho các chủ tư nhân như chị Ninh, chị Thanh, anh Trung... thì vừa phải chịu lương thấp, vừa phải lo mọi khoản chi phí phát sinh cũng như nguy cơ bệnh tật do hàng ngày hít phải mùi xăng dầu độc hại. Đành rằng, để mưu sinh, nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn riêng của nó nhưng chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn về tương lai của những người bán xăng thuê như anh Trung, chị Ninh, chị Thanh…
. Nguyễn Phúc |