Những tiếng nổ giữa thời bình từ kho đạn Đèo Son
10:55', 9/9/ 2004 (GMT+7)

Như Bình Định điện tử đã cảnh báo, trong những ngày qua nhiều người dân đã ồ ạt kéo vào Kho đạn Đèo Son (Quy Nhơn) để đào sắt phế liệu, dù hàng ngày họ phải đối mặt với biết bao thứ bom mìn còn sót lại. Và rồi, những hậu quả đau lòng đã xảy ra.

* Những hậu quả đau thương

Hiện trường vụ nổ (ảnh: Văn Lưu)

Vào 15giờ 45 phút ngày 7-9 tại hòn đá nổi giữa hồ Phú Hòa (thuộc tổ 9, khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đã xảy ra một vụ nổ đầu đạn 105 mm làm chết tại chỗ 4 người, 1 người sau khi đưa vào bờ cũng đã chết, 5 người khác bị thương nặng được chuyển vào bệnh viện, trong đó có thêm 2 người chết vào sáng 8-9. Theo những người dân quanh khu vực vụ nổ, có một nhóm gồm 10 người sau khi vào kho đạn Đèo Son đào sắt phế liệu đào được một số quả đạn pháo 105 mm, cối 81 đã đưa ra hòn đá nổi giữa hồ Phú Hòa để đập lấy thuốc nổ chia nhau và vụ nổ đã xảy ra.

Ông Huỳnh Ngọc Hận, Trưởng khu vực 8, phường Nhơn Phú, cho biết: "Vụ nổ này đã làm chết hai người và bị thương một người tại khu vực 8. Trong đó, hai chú cháu ruột là Tống Văn Còn và Tống Văn Bảo đã chết ngay tại vụ nổ, Nguyễn Văn Á còn đang nằm viện. Số còn lại là những người từ huyện Sông Cầu (Phú Yên) ra nên chúng tôi vẫn chưa nắm được tên tuổi. Cũng cách đây 10 ngày anh Hồ Văn Dũng, ở khu vực 8, trong lúc vào kho đạn Đèo Son đào sắt phế liệu đã giẫm phải mìn con cóc và bị cụt mất một chân".

Sáng ngày 8-9, chúng tôi lội ra bãi đá nằm giữa hồ, nơi hiện trường vụ nổ xảy ra. Tại đây, máu của các nạn nhân vẫn còn thấm đỏ cả hai bên khe đá; những bộ đồ bị rách nát, những chiếc bao đựng sắt phế liệu và những mùng, mền, mũi de nằm lăn lóc... Đặc biệt, vẫn còn sót lại 4 quả đạn pháo 105 mm, 3 quả cối 81 và trong chiếc bao có một quả cối 81 đã được đục đầu lấy thuốc. Theo ông Hận, những người này đã chọn hòn đá nổi làm nơi "tập kết" để vào kho đạn Đèo Son đào sắt phế liệu cho gần, vì chỉ cách hơn trăm mét.

Trước vụ nổ đau thương trên, hồi 9 giờ 30 phút sáng 7-9, anh Đặng Văn Út (ở khu vực 6, phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn) cũng đã đập đầu đạn M79 làm quả đạn phát nổ và anh Út cũng bị thiệt mạng. Trước đó, ngày 13-8, trong khi đào sắt phế liệu tại khu vực này, anh Nguyễn Sơn Tùng, 20 tuổi, ở tổ 6, khu vực 1, phường Đống Đa, đã gặp một quả đạn còn sót lại phát nổ làm cho anh bị đứt 1 bàn tay và 2 mắt bị hỏng. Cũng trong tháng 8, Công an phường Quang Trung (TP. Quy Nhơn) đã kiểm tra điểm thu mua phế liệu tại tổ 43, khu vực 5 do bà Phan Thị Dung (sinh năm 1948, ở tổ 4, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân) làm chủ và phát hiện tại đây 500 đầu đạn các loại, trong đó có 52 đầu đạn pháo 105 mm. Tất cả những vụ nổ và số đầu đạn phát hiện được cũng đều có xuất xứ từ kho đạn Đèo Son.

* Vì đâu nên nỗi

Trước tình hình người dân ồ ạt vào khu vực Đèo Son đào sắt phế liệu có thể nguy hiểm đến tính mạng, ngày 7-8-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành công điện khẩn số 12 về việc nghiêm cấm việc khai thác phế liệu trái phép tại khu vực kho đạn Đèo Son CK 52, do ở khu vực này hiện nay có rất nhiều bom mìn, vật nổ chưa được rà phá nên rất nguy hiểm… Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả mọi người không có phận sự không được vào khu vực này; giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm bố trí lực lượng quân đội, cắm biển cấm và quản lý chặt chẽ khu vực ra vào... Tuy nhiên, công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh chưa được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc. Ngày 8-9, khi chúng tôi có mặt tại khu vực Đèo Son, vẫn chưa thấy có một biển cấm nào được cắm, kể cả việc canh giữ cũng không được chặt chẽ như yêu cầu của công điện khẩn.

Bên cạnh đó, UBND các phường Đống Đa, Quang Trung, Ngô Mây và Nhơn Phú cũng đã có thông báo gửi đến từng khu vực, Đài truyền thanh các phường cũng thường xuyên tuyên truyền việc nghiêm cấm khai thác phế liệu trái phép tại khu vực kho đạn Đèo Son đến từng người dân; nhưng do nguồn thu nhập khá cao từ việc đào sắt phế liệu mang lại, nhiều người vẫn bất chấp mọi nguy hiểm và chuyện phải đến đã đến.

Hậu quả của những vụ nổ đau thương đã nêu sẽ còn dai dẳng trong nhiều năm nữa đối với gia đình các nạn nhân. Rõ ràng, nếu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh; những người đào bới sắt phế liệu nhận thức được sự nguy hiểm và trân trọng mạng sống của mình hơn thì những hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhọc nhằn nghề bán xăng thuê   (08/09/2004)
Những chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện cải cách hành chính   (08/09/2004)
Ngôi trường mới mang tên người anh hùng Nguyễn Huệ  (07/09/2004)
Làm từ thiện   (07/09/2004)
Đời sống ngư dân Nhơn Lý: Không chỉ có nghề biển   (07/09/2004)
Chăn vịt giữa lòng sông Kôn   (06/09/2004)
Lao động kỹ thuật cao: Doanh nghiệp cần nhưng không đủ   (06/09/2004)
Làm mặt trận thôn cũng cần sáng tạo   (05/09/2004)
Bình Định vào năm học mới   (05/09/2004)
Để trẻ vui đến trường   (03/09/2004)
Đánh máy vi tính: Nghề phụ, thu góp   (03/09/2004)
Khát vọng Canh Liên   (02/09/2004)
Bình Định trong những ngày Tháng Tám lịch sử   (02/09/2004)
Bác Hồ với việc kiến lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa   (02/09/2004)
Cơ hội "tiếp thị" của các trung tâm dịch vụ việc làm   (01/09/2004)