Thông tin Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi mức viện phí (VP), dự kiến tăng 30% so với thời điểm hiện nay. Theo một số nhận định, chủ trương này sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các bệnh viện (BV). Tuy nhiên, trên thực tế, với việc điều chỉnh giá VP lên 30%, các BV vẫn than là chưa thấm vào đâu, trong khi đó người dân lại rất lo.
* Chủ trương của Bộ Y tế
|
Tăng 30% viện phí, người dân lo không đủ tiền nằm viện |
Theo Bộ Y tế, việc sửa đổi chế độ thu một phần VP để phù hợp với điều kiện hiện nay là cần thiết. Giá VP sẽ tăng 30% so với khung giá đã ban hành cách đây 10 năm và điều này phù hợp với việc mức giá sinh hoạt và tiền lương từ năm 1995 đến nay liên tục tăng. Đơn cử như chỉ trong tháng 6-2004, chỉ số sinh hoạt tăng 50-60% so với năm 1995, tiền lương tối thiểu cũng tăng từ 120.000 - 290.000 đồng/tháng so với thời điểm đó. Trong khi, khung quy định giá thu một phần VP tại các cơ sở y tế công lập được ban hành từ năm 1995 không hề nhích lên.
Thêm vào đó, Bộ Y tế cũng cho rằng, đây là bước chuẩn bị cần thiết để các đơn vị y tế sớm triển khai thực hiện Nghị định 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chủ trương giao quyền tự chủ thu chi cho giám đốc các BV. Trong khi đó, tăng 30% VP cũng không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Các đối tượng có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc nằm trong diện được miễn nộp VP (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…) đều được Nhà nước lo.
* Các bệnh viện: mức tăng vẫn chưa đủ bù đắp
BS Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc TTYT huyện Vân Canh cho rằng, lẽ ra Bộ Y tế nên làm việc này sớm hơn, từ năm 1999, 2000. Vì các khoản thu theo Thông tư liên bộ số 14/TTLB ban hành từ năm 1995 với mức giá VP áp dụng gần 10 năm qua rất thấp. Tiền thuốc BV mua vào bao nhiêu thì cung cấp cho người bệnh bấy nhiêu. BV chỉ còn thu các khoản tiền giường, dịch vụ và công khám chữa bệnh. Trong khi đó, các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa không được thu VP. Đến năm 2001, UBND tỉnh ra Quyết định 122/2001/QĐ-UB về việc thu một phần VP khám chữa bệnh tại các cơ sở điều trị đã đưa ra bảng giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Có thể đơn cử một vài ví dụ với mức giá VP ở một vài hoạt động của BV hạng ba: tiền khám 1.000 - 2.000 đồng/người, ngày giường điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu 6.000 - 9.000 đồng, trong khi các BS phải trực cả ngày cả đêm, các dịch vụ phục hồi chức năng và thủ thuật đã cho thu nhưng giá lại rất thấp: 3.000-5.000 đồng. Việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, xét nghiệm tại BV tuyến huyện hạn chế trong vài trường hợp đơn giản 3.000 - 9.000 đồng/lần… trong lúc số hóa chất sử dụng lại tăng lên khá nhiều.
Ngay khi có thông tin Chính phủ dự kiến cho tăng thêm 30% VP, hầu hết giám đốc các BV trên địa bàn tỉnh đều cho rằng việc điều chỉnh này sẽ giúp BV giải tỏa phần nào những khó khăn trong việc thâm hụt vốn hoạt động, một "căn bệnh" kinh niên mà hầu như BV nào cũng vấp phải. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, mức điều chỉnh này cũng chỉ như một hạt muối bỏ bể so với tình hình tài chính hiện nay của các BV.
BS Trần Thị Thu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho biết: "30% điều chỉnh này là dành cho các dịch vụ hiện có trong BV. Do đó, việc điều chỉnh cũng không thấm vào đâu". Mỗi năm, trung tâm được đầu tư 3,7 tỉ đồng với 70% kinh phí trả lương, phụ cấp và chế độ trực cho cán bộ, nhân viên, còn lại dùng để chi phí cho các hoạt động của BV và các chi phí sửa chữa nhỏ tại BV. Mức thu VP mỗi năm của BV khoảng 6 tỉ đồng, trong đó, tiền thuốc, máu, hóa chất, vật tư tiêu hao là 4,5 tỉ đồng, 1,5 tỉ đồng là tiền công trả cho các dịch vụ, có nghĩa là BV sẽ có khoảng 2 tỉ đồng (nếu điều chỉnh 30% giá VP). Không năm nào nguồn VP thu vào đủ chi nên BV thường xuyên bị thâm hụt tiền thuốc phải nợ của Công ty Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định. Do đó, nhiều năm qua các khoản khen thưởng, phúc lợi cho công chức, nhân viên sau khi thực hiện chế độ tiền lương mới theo Quyết định 3442/QĐ-UB của UBND tỉnh cũng không thực hiện được. Đó là chưa kể số trang thiết bị lớn như: máy cắt lớp nội soi, máy xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý về tuyến giáp trạng, máy điện tim gắng sức… đều trông chờ hỗ trợ hoặc phải… mua nợ.
* Người dân lo không đủ tiền vào bệnh viện
Điều chỉnh VP lên 30%, trong khi các BV vẫn cho rằng chưa thấm vào đâu thì nhiều người bệnh lại tỏ ra rất lo lắng, nhất là gia đình ở nông thôn. Chị Nguyễn Thị Lý (Tuy Phước) đang nuôi chồng tại BVĐK tỉnh, thổ lộ: "Chồng làm đá thuê cho chủ, mỗi tháng được 500.000 - 700.000 đồng. Cả nhà chỉ có mỗi ảnh làm ra tiền, tui chỉ phụ thêm vào từ việc nuôi con heo, con gà để nuôi 2 đứa con đang học lớp 4. Ảnh bị tai nạn xe máy, bí quá tui kêu gọi hết 7 anh chị em mượn được 3 triệu bạc lo tiền thuốc men. Bây giờ mà bảo tăng giá VP thêm chắc chết!".
Còn anh L.T.V (Vân Canh) đang nằm viện tại TTYT TP Quy Nhơn chỉ mong được về nhà sớm, vì nỗi "nằm viện mà thấy bả chạy ngược chạy xuôi vay đầu này, mượn đầu kia sốt ruột quá. Mỗi ngày chi ra cả trăm ngàn đồng tiền thuốc men, phẫu thuật, trong khi 2 vợ chồng siêng "cày" cả tháng cũng chỉ được 600.000 đồng".
. Lê Thu Hiền
BS Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT huyện An Nhơn: Điều chỉnh VP 30% BV giảm bớt khó khăn. Nhưng lại trích 30-35% số thu VP để trả thù lao cho cán bộ ngành Y là không nên. Vì thực chất, chúng ta đang lấy tiền của người bệnh để nuôi người lành, chưa kể đó là người của ngành Y. Đây là một sự bất cập vì sẽ buộc các BV phải tăng thu, thậm chí là tận thu để có lương và càng thu nhiều thì càng có thưởng. Hơn thế nữa, tính chất nhân đạo của ngành Y cũng mất đi. Cũng không nên cho rằng điều chỉnh 30% VP thì chất lượng khám chữa bệnh tăng theo. Chất lượng khám chữa bệnh tăng hay không cốt yếu ở nhân tố con người (năng lực chuyên môn và y đức) và sự đầu tư của Nhà nước về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. |