Long đong nghề khắc chữ
14:30', 12/9/ 2004 (GMT+7)

Chỉ cần chút năng khiếu thẩm mỹ, khéo tay và cây bút bằng sắt là có thể kiếm sống bằng nghề khắc chữ kỷ niệm (KCKN). Người hành nghề KCKN thường phải đi khắp nơi để lưu lại những dòng chữ, hình ảnh trên thân một vật nào đó như bút, thước…

* Họ là ai?

Một người KCKN đang cặm cụi với công việc trước cổng Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn

Phần lớn những người đang hành nghề KCKN đều là nam giới và điểm họ dừng lại là những nơi công cộng như công viên, trường học… Khách hàng chính của những người làm nghề KCKN chủ yếu là học sinh và du khách. Thu nhập trung bình mỗi tháng của họ khoang từ 500.000 đồng trở lên.

Chẳng phải qua trường lớp nào, những người đến với nghề KCKN chỉ bằng năng khiếu và niềm đam mê. Lúc đầu họ chỉ khắc chơi, sau đó biến thú vui thành nghề để kiếm tiền. Anh Phan Công Chính, ở Nhơn Tân, An Nhơn là một ví dụ. Khoảng 5 năm trước đây, anh sinh sống bằng nghề nông nhưng lại có sở thích khắc chữ. Hàng ngày, anh dành tất cả thời gian rảnh cho thú vui khắc chữ của mình. Bằng cây bút sắt tự chế, khi thì anh khắc những dòng chữ trên cây bút bi, lúc thì vẽ những hình ảnh lên trên thanh gỗ, lên bàn ghế, cột nhà… Bất cứ vật gì có thể dùng để khắc chữ được, anh lôi ra để vẽ, để khắc những hình ảnh lên đó. Thú chơi đó càng ngày càng ăn sâu, nhiều lúc anh say mê đến nỗi bỏ cả việc nhà. "Lúc đó, những người thân trong gia đình cứ nghĩ tôi là người gàn dở. Nhiều người khuyên tôi nên bỏ thú vui ấy đi vì cho rằng cái trò này vừa tốn thời gian, vừa mất tiền mà lại vô ích… Tôi thấy họ nói cũng đúng, trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha đã không thể để tôi chỉ sống với niềm đam mê ấy. Vậy là sau đó tôi đã biến niềm đam mê ấy thành một nghề để kiếm tiền. Tôi đã rời quê để đến thành phố kiếm tiền bằng nghề KCKN. Bây giờ thì không ai còn nói tôi "điên" nữa rồi…" - Anh Chính cười mãn nguyện.

* Muôn nẻo đường

Đã 19 giờ tối, một đám đông người tụ tập ngay trước cổng Công viên thiếu nhi Quy Nhơn. Tò mò, tôi đến xem, thì ra họ là những người khách đang quây quanh một người hành nghề KCKN. Người làm nghề KCKN này tên là Nguyễn Văn Cảnh, ở Phong Thạnh, Tuy Phước. Một tay cầm bút sắt nghiêng khoảng 45 độ lượn vòng, tay còn lại giữ thăng bằng cho cây thước mika ngay trên đùi của mình, cứ thế chẳng mấy chốc anh đã khắc xong những dòng chữ kỷ niệm trên thân cây thước cho một du khách… Tốc độ khắc chữ của anh không thua gì tốc độ của người đang viết chữ bình thường. Anh quen việc đến mức không cần nhìn lại chữ viết mà chỉ thỉnh thoảng thổi nhẹ bột mika, bột nhựa vừa được ngòi bút sắt đẩy ra. Tốc độ khắc họa hình ảnh có chậm hơn việc khắc chữ, nhưng tác phẩm của anh luôn đem lại sự ngạc nhiên và tính thuyết phục cho khách hàng, kể cả người khó tính nhất. Thỉnh thoảng, công việc của anh bị gián đoạn bởi một vài người khách hỏi mua những sản phẩm đang được bày bán trên tấm bạt bằng nhựa đặt cạnh chỗ anh ngồi như: thước mika, lược nhựa, lược ngà, bút mực, bút bi… Các sản phẩm này được khắc sẵn vài dòng thơ, chữ kỷ niệm với giá tiền khá bình dân là 5.000 đồng/cái.

Những người làm nghề KCKN phải đi khắp mọi nơi từ trường học, khu du lịch, công viên… trong tỉnh đến một số nơi ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang… Anh Cảnh tâm sự: "Nghề KCKN muốn sống được thì phải chịu khó đi. Đặc biệt là vào mùa du lịch, mùa thi, ngày lễ, Tết… mới có nhiều người có nhu cầu. Những lúc đi biền biệt cả tháng trời, lang thang khắp mọi nơi mà khi trở về nhà tính tiền xe, tiền ăn ở xong có khi còn thâm tiền túi. Lúc ấy buồn vì chuyện làm thì ít mà bị gia đình phàn nàn, khuyên thôi nghề thì nhiều". Thế đấy, thành nghề đã khó, giờ kiếm sống bằng nghề cũng chẳng dễ dàng gì.

Câu chuyện của anh Cảnh cũng là hoàn cảnh của khá nhiều người theo nghề KCKN. Có vượt qua tất cả khó khăn, có lòng yêu nghề thì họ mới thật sự mưu sinh bằng đôi bàn tay khéo léo và tìm được một chút thông cảm của gia đình. Hiện nay, nhiều người làm nghề KCKN sử dụng bút lửa với ưu điểm nhanh, đẹp, khắc được nhiều hình họa, hoa văn khó… Đa số những người này đều có cửa hàng bán đồ lưu niệm ngay tại các điểm du lịch. Chính vì vậy mà "đất" làm ăn của người KCKN bằng bút sắt càng ngày càng bị thu hẹp và việc mưu sinh của họ trở nên khó khăn hơn.

Trong cái nắng gay gắt cuối mùa hè, tình cờ bắt gặp hình ảnh một người KCKN cạnh cổng Trường THPT Quốc Học vào ngày khai giảng năm học mới, lòng tôi chợt bâng khuâng về những nét khắc tài hoa và nghề nghiệp của một đời người…

. Hải Yến

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ba ngày và những tình cảm nồng ấm   (10/09/2004)
Người dân lo không đủ tiền vào bệnh viện   (09/09/2004)
Những tiếng nổ giữa thời bình từ kho đạn Đèo Son   (09/09/2004)
Nhọc nhằn nghề bán xăng thuê   (08/09/2004)
Những chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện cải cách hành chính   (08/09/2004)
Ngôi trường mới mang tên người anh hùng Nguyễn Huệ  (07/09/2004)
Làm từ thiện   (07/09/2004)
Đời sống ngư dân Nhơn Lý: Không chỉ có nghề biển   (07/09/2004)
Chăn vịt giữa lòng sông Kôn   (06/09/2004)
Lao động kỹ thuật cao: Doanh nghiệp cần nhưng không đủ   (06/09/2004)
Làm mặt trận thôn cũng cần sáng tạo   (05/09/2004)
Bình Định vào năm học mới   (05/09/2004)
Để trẻ vui đến trường   (03/09/2004)
Đánh máy vi tính: Nghề phụ, thu góp   (03/09/2004)
Khát vọng Canh Liên   (02/09/2004)