Hoài Nhơn là huyện luôn dẫn đầu công tác y tế trường học (YTTH) và BHYT học sinh của tỉnh trong 10 năm qua. Mạng lưới trường học có cán bộ y tế đạt gần 100%. Hầu hết nhân viên YTTH đều có trình độ trung cấp y tế đã qua tập huấn công tác YTTH và phục vụ tại trường từ 5 đến 10 năm. Giờ đây, vì lý do tiền lương quá ít ỏi, các chế độ quyền lợi không có, nhiều nhân viên YTTH đã tự bỏ việc.
* Từ thực tế ở Hoài Nhơn
|
Ngành Y tế tổ chức kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng định kỳ cho học sinh tiểu học |
Huyện Hoài Nhơn hiện có 54 trường từ tiểu học đến THPT. Những năm qua, đã có 51/54 trường tuyển dụng được nhân viên YTTH chuyên trách công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho học sinh hưởng lương từ quỹ BHYT trích lại. Những năm trước, theo quy định của Thông tư Liên bộ số 40 của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính về công tác BHYT học sinh thì quỹ trích lại cho YTTH là 35% nên nhà trường tạm đủ kinh phí chi trả lương cho nhân viên YTTH chuyên trách. Kể từ năm học 2002-2003, theo quy định của Thông tư số 77 của Liên bộ Y tế - Tài chính về công tác BHYT học sinh, quỹ trích lại cho nhà trường làm công tác YTTH là 20%. Vì vậy, số kinh phí trích lại quá ít, không đủ chi trả lương cho nhân viên YTTH. Nhiều trường đã hạ mức lương hợp đồng của nhân viên YTTH xuống chỉ còn 100.000-200.000 đồng/tháng, nhưng cũng không đủ chi cho cả năm. Nhiều trường chỉ hợp đồng 9 tháng, còn 3 tháng hè, nhân viên phải nghỉ làm. Trong Hội nghị tổng kết công tác YTTH và BHYT học sinh của huyện, nhiều nhân viên YTTH và các hiệu trưởng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ tan rã hệ thống YTTH chuyên trách nếu các cấp, các ngành không có biện pháp giải quyết phù hợp.
Theo báo cáo của BHXH huyện, ngay từ đầu năm học đã có 5 trường có nhân viên YTTH bỏ việc, hiện chưa tuyển dụng được người thay thế. Phòng GD-ĐT hiện chưa có biện pháp giải quyết, đang chờ sự chỉ đạo của cấp trên.
* Cần một giải pháp cấp bách
Đây không phải chỉ là vấn đề của riêng huyện Hoài Nhơn mà là vấn đề của cả tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 208/362 trường có YTTH chuyên trách, đang hoạt động có hiệu quả trong việc CSSK ban đầu cho học sinh, nhưng đã có nhiều trường hợp nhân viên YTTH bỏ việc vì không có chế độ BHXH và lương quá thấp. Vấn đề khó nhất hiện nay để duy trì hoạt động mạng lưới YTTH chuyên trách là biên chế cho nhà trường. Hầu hết các trường tuyển dụng hợp đồng cán bộ YTTH ngoài định biên, trả lương phụ thuộc vào số thu BHYT học sinh trích lại.
Qua các hội nghị tổng kết công tác BHYT học sinh, đa số các hiệu trưởng nhà trường đều cho rằng họ không có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ hướng dẫn về vấn đề tuyển dụng nhân viên YTTH. Không có hướng dẫn của sở chủ quản về việc sử dụng kinh phí ngân sách cấp bổ sung tiền lương, chế độ cho nhân viên YTTH. Rất ít nhà trường mạnh dạn thu thêm tiền của phụ huynh học sinh để sử dụng cho công tác YTTH. Một số trường ra chủ trương năng động hơn là nếu học sinh không tham gia BHYT thì phụ huynh phải đóng một khoản kinh phí bằng số 20% kinh phí tham gia BHYT của một em mà BHXH trích lại để chi cho hoạt động YTTH. Nói chung hiện nay, chưa có một sự thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tổ chức hoạt động hệ thống YTTH chuyên trách tại nhà trường, các trường chỉ dựa vào số tiền ít ỏi mà BHXH trích lại để duy trì hoạt động công tác CSSK ban đầu cho học sinh.
Năm 2002 đã có Thông tư số 03 của Liên bộ Y tế - GD-ĐT hướng dẫn công tác YTTH, nhưng Thông tư này vẫn chưa được triển khai cụ thể tại Bình Định, nhất là hướng dẫn việc tuyển dụng nhân viên YTTH. Đã đến lúc Sở GD-ĐT , Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các ngành liên quan nên ngồi lại để bàn bạc thống nhất việc biên chế YTTH cho nhà trường để trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
. Hà Thúc Chí |