Trong hệ thống y tế quốc gia, bệnh viện (BV) huyện giữ vai trò quan trọng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến cơ sở, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi. Những năm gần đây, với sự đầu tư lớn của Nhà nước, năng lực hoạt động của các BV tuyến huyện đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, ở BV tuyến huyện vẫn còn nhiều khó khăn.
* Khi năng lực được tăng cường
|
Chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số tại Bệnh viện huyện Vân Canh |
Về mặt chức năng, BV huyện là một trong các đơn vị chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm Y tế huyện (TTYT), thường có các khoa: ngoại - sản, phòng khám đa khoa, nội - nhi- lây, y học cổ truyền, hồi sức cấp cứu, cận lâm sàng. BV huyện có trách nhiệm giải quyết việc khám và điều trị cho phần lớn những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường ở tuyến cơ sở, sàng lọc giải quyết kịp thời các trường hợp cấp cứu và bệnh có thể xử lý được tại tuyến huyện, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh và trung ương.
Theo thạc sĩ Lê Quang Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), trong những năm gần đây, với việc phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, các tổ chức, các BV tuyến huyện đóng trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị… Hơn thế nữa, với chủ trương hoàn thiện công tác chăm sóc bệnh nhân toàn diện được triển khai tại tất cả các BV nên các BV huyện ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn và tính chuyên ngành. Năm 2003, công suất sử dụng giường bệnh của các BV huyện đạt 133,3%, cá biệt nhiều đơn vị vượt khá cao: Hoài Nhơn (228,6%), Tây Sơn (150%), Hoài Ân (146,2%)…
Đơn cử như BV Phù Cát đã xây dựng mới các khoa: nội trung cao, sản, truyền nhiễm, khoa dược và chống nhiễm khuẩn; đồng thời được đầu tư các loại trang thiết bị cần thiết KCB như máy X-quang, máy điện tim, máy giúp thở, máy sinh hóa, máy xét nghiệm nước, monitorine, nồi hấp tập trung… đã tạo được sự an tâm và niềm tin nơi người bệnh. Trước đây, BV chỉ khám bình quân 100 bệnh nhân/ngày thì nay con số này đã vượt gần gấp đôi. Tại các BV huyện miền núi: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh công suất sử dụng giường bệnh cũng thường xuyên vượt chỉ tiêu kế hoạch; số ca buộc phải chuyển lên tuyến trên ngày càng giảm, số trường hợp tử vong cũng rất ít.
* Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù năng lực phục vụ KCB tại các BV huyện đã được nâng lên đáng kể. Song vẫn còn những khó khăn không nhỏ. Trước hết, đó là thực trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn chắp vá và lạc hậu. BV huyện Phù Mỹ được xây dựng cách đây 20 năm, nhiều khoa phòng trong tình trạng hư hỏng, trang thiết bị cũ. Tại các huyện miền núi, sự thiệt thòi càng lớn khi trang thiết bị kỹ thuật cao phục vụ cận lâm sàng chưa có, đa số các kỹ thuật vẫn phải làm theo phương pháp… thủ công. Bên cạnh đó, kinh phí của các BV huyện rất hạn hẹp. Ngoài ngân sách được cấp hàng năm theo giường bệnh (đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 2/3 tổng nguồn thu), BV chỉ có một khoản thu khá khiêm tốn từ viện phí. BS Đỗ Văn Hoàng, Giám đốc TTYT huyện Phù Mỹ, cho biết: "Tại địa bàn huyện, những người khá giả một chút thì vào thẳng BVĐK tỉnh hoặc TP Hồ Chí Minh. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng năm 2003 ước chừng cả huyện có khoảng 18.000 người nghèo và cận nghèo. Riêng xã Mỹ Đức có 12.000 người được liệt vào hộ nghèo. Do đó, số bệnh nhân đóng viện phí rất ít, chưa kể nhiều người đã được duyệt miễn một phần viện phí nhưng vẫn trốn viện".
Thách thức lớn nhất của các BV tuyến huyện là nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu. Cả 10 BV tuyến huyện chỉ có 160 cán bộ đại học và sau đại học y, 7 cán bộ đại học và sau đại học dược, cộng gộp lại mới xấp xỉ lượng cán bộ này tại BVĐK tỉnh (169 cán bộ đại học và sau đại học y, 7 cán bộ đại học và sau đại học dược). Có một nghịch lý là, trong khi hệ thống các BV huyện đang dần hoàn thiện với chủ trương chăm sóc bệnh nhân toàn diện thì nhân lực làm việc lại phân bổ theo đầu giường bệnh.
Nếu khó khăn này không sớm được khắc phục thì các BV huyện khó có thể vươn lên đạt được các yêu cầu như mong muốn.
. Hiền Lê |