Đội Thông tin lưu động Vĩnh Thạnh: Đưa văn hóa lên vùng cao
14:4', 17/9/ 2004 (GMT+7)

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bà con, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống mới đến với vùng cao, năm nay, Đội Thông tin lưu động huyện Vĩnh Thạnh đã đưa 17 diễn viên không chuyên về phục vụ gần 20 bản làng của 7 xã.

Tiết mục múa "Hội xuân " của Đội Thông tin lưu động huyện Vĩnh Thạnh được nhân dân đánh giá cao

10 giờ sáng, Đội thông tin lưu động huyện Vĩnh Thạnh lên đường bắt đầu chuyến lưu diễn của mình. Chiếc xe của Trung tâm VHTT huyện vốn đã cũ, nay lại khó đi hơn vì phải chở bao thứ đồ phục vụ cho các buổi diễn và diễn viên. Đường đi quanh co, khúc khuỷu, xe phải bò từ từ qua mấy con dốc, rồi cũng vượt qua được đèo Vĩnh Sơn.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt tại làng K2 (xã Vĩnh Sơn). Đây là làng đồng bào Ba na sinh sống, việc tiếp cận văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế. Cái làng xa xôi này vốn đã yên tĩnh, nay bà con đi làm rẫy cả nên lại càng thấy yên tĩnh hơn.

Khi mặt trời sắp đi ngủ, bà con trên rẫy kéo nhau về. Cái nắng vàng hoe in bóng từng người trên mặt đường, người thì vác củi, người gùi chuối, thơm… trên đôi vai nặng trĩu. Gặp Bók Trin, tôi hỏi: Bók có biết tối nay Đội Thông tin lưu động của huyện về phục vụ không? - Có chớ. Làng họp đã thông báo cách đây hai ba đêm rồi. Ngày nay, mình đi rẫy, cái rẫy mình xa lắm nên mình phải về sớm để ăn cơm rồi đi xem ca nhạc - bók trả lời.

Buổi diễn chưa bắt đầu nhưng bà con đã đến từ rất sớm. Lâu lắm rồi mới có đội văn nghệ về phục vụ tận làng, mọi người háo hức, phấn khởi lắm. Bók Hoan (64 tuổi) không giấu được niềm vui: "Chương trình ca nhác (nhạc) của Đội Thông tin huyện hay lắm. Ai xem cũng thích, mình cũng ưng cái bụng lắm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm bà con ở làng mình".

Hành trình của đội từ đầu nguồn sông Kôn phục vụ các làng K2, K4, Đak Tra…, xuôi về các làng tái định cư Đồng Binh - Hà Nhe, Suối Xem - Định Nhì, rồi đến các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp. Cả đội có 17 người cả diễn viên, nhạc công, âm thanh - ánh sáng và lái xe nhưng nhờ tập luyện công phu nên hơn 20 tiết mục gồm: đơn ca, song ca, tốp ca và múa mang phong cách biểu diễn sôi động, trẻ trung và đậm đà bản sắc dân tộc, được nhân dân đánh giá cao. Sân khấu biểu diễn của đội chỉ là những góc sân nhỏ hay hội trường, nhà rông của làng. Vậy mà qua các buổi phục vụ tại các làng, bà con đến xem rất đông, cổ vũ nhiệt tình, lại còn tham gia nhiều tiết mục làm sinh động thêm cho đêm diễn.

Đội đi đến đâu cũng làm sôi nổi, hấp dẫn trong âm vang cồng chiêng, tiếng hát, nhịp trống đánh thức núi rừng; mang luồng sinh khí mới đến từng bản làng xa xôi. Xem một buổi biểu diễn, tôi mới thấy được sự đầu tư của các tiết mục cũng như thái độ nghiêm túc của các diễn viên không chuyên. Chương trình của đội tập trung vào chủ đề: ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; ca ngợi Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh bộ đội Cụ Hồ… đã làm sống lại những năm tháng hào hùng của quân và dân ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong những ca khúc ấy, có các bài hát như: Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Hát mừng Điện Biên… đã khơi lại chiến thắng oanh liệt đã đi vào lịch sử, làm chấn động địa cầu. Xen lẫn những ca khúc cách mạng, là những bài hát mang đậm chất Tây Nguyên như: Tháng ba Tây Nguyên, Krông yêu thương, Bóng cây Kơ nia… được thể hiện qua giọng hát Hlúc, Thu Hiền và Tuyết Sương. Nhưng được bà con yêu thích và gây ấn tượng nhất vẫn là những tiết mục múa trong tiếng trống nhịp nhàng của các chàng trai, điệu múa xoan uyển chuyển của các thiếu nữ được biên đạo múa Y Oai dàn dựng qua các tiết mục: Vũ điệu Tây Nguyên, Hội xuân… mang nét rất riêng của đồng bào Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh. Chương trình khép lại bằng những bài hát trẻ trung, sôi động thể hiện khát vọng của tuổi trẻ. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" (Vũ Hoàng).

Có thể nói, hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, mỗi môn nghệ thuật có nét hay riêng. Chương trình của Đội Thông tin lưu động huyện Vĩnh Thạnh có tính thời sự cao, nội dung tuyên truyền nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ được bà con chấp nhận. Bá Xuyên, trưởng thôn làng K2 (xã Vĩnh Sơn) mong muốn: "Đội Thông tin của huyện làm sao phải thường xuyên về phục vụ nhiều hơn nữa. Một năm không chỉ một lần mà là bốn lần - mỗi quý một lần - để động viên bà con lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới ở buôn làng. Qua đó, để đội văn nghệ của làng học hỏi và phục vụ vào các ngày lễ, Tết nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc". Đó là mong muốn chính đáng không chỉ riêng của bá Xuyên mà của rất nhiều người.

. Long Vũ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Y đức ở Bệnh viện Quân y 13  (17/09/2004)
Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Phù Cát   (16/09/2004)
Bệnh viện tuyến huyện: Khá hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn   (16/09/2004)
Báo động tình trạng nhân viên y tế trường học bỏ việc   (15/09/2004)
Thư ký giám đốc  (14/09/2004)
Cô giáo giỏi ở vùng sâu  (13/09/2004)
Ghi nhận từ Hội thi "Dân vận khéo" ở xã Nhơn Phong  (13/09/2004)
Long đong nghề khắc chữ  (12/09/2004)
Ba ngày và những tình cảm nồng ấm   (10/09/2004)
Người dân lo không đủ tiền vào bệnh viện   (09/09/2004)
Những tiếng nổ giữa thời bình từ kho đạn Đèo Son   (09/09/2004)
Nhọc nhằn nghề bán xăng thuê   (08/09/2004)
Những chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện cải cách hành chính   (08/09/2004)
Ngôi trường mới mang tên người anh hùng Nguyễn Huệ  (07/09/2004)
Làm từ thiện   (07/09/2004)