Ông chủ tịch phường 14 năm làm "bang chủ"
10:57', 20/9/ 2004 (GMT+7)

Nhiều năm về trước, cứ mỗi chiều, người dân khu vực Chợ Lớn, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn lại thấy một thanh niên khi thì trên chiếc xe đạp, khi thì lội bộ lang thang các ngõ ngách của chợ nhìn nhìn, hỏi hỏi. Rồi một lúc sau, anh cùng với mấy đứa trẻ thường ngày kiếm sống vật vờ ở cái chợ này, dắt tay nhau cùng đi. Người thanh niên ấy là ai?

* Lớp học "cái bang"

Về thăm lại lớp học tình thương

Cảnh buôn bán sầm uất ở Chợ Lớn hiện nay không làm cho cư dân thị thành Quy Nhơn quên được hình ảnh khó nghèo và nhếch nhác ở những năm 1990. Hồi đó, ngoài những tiểu thương là người thành phố chính hiệu thì một bộ phận không nhỏ dân "ngụ cư" từ khắp nơi đổ về đây kiếm sống. Trong làn sóng nhập cư ấy, có rất nhiều gia đình nghèo khó, con cái nheo nhóc, liều mạng "lên đường" mơ về một sự đổi đời. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền bó buộc họ vào mỗi việc là làm sao lo được bữa hôm, bữa mai. Cứ thế, con cái của họ cũng bị cuốn vào vòng quay tảo tần mưu sinh, dở dang chuyện học hành...

Khi mà số trẻ em này tăng lên con số hàng trăm, thì một người thanh niên đã có mặt. Anh tên Trần Đình Chính, năm nay 32 tuổi. Anh sinh ra và lớn lên ở phố biển Quy Nhơn. Hơn 10 năm nay, anh là một cán bộ Đoàn ở cơ sở nhiệt tình, xông xáo. Nhận thấy số trẻ em lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn không thể đến lớp ngày càng nhiều, anh đã tập hợp bọn trẻ lại ở một địa chỉ tình thương - hẻm 61, khu vực 6, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn - dạy chữ cho các em.

Cái lớp học ấy - anh bồi hồi nhắc lại - là "lớp học cái bang". Cuộc sống bấp bênh khiến những đứa trẻ lang thang này chỉ quen với việc chơi bời, phá phách nên lúc đầu, lớp học vỏn vẹn chưa đến 10 em. Số trẻ bụi đời thì nhiều mà đến lớp lại ít. Anh nhiều đêm trằn trọc: làm sao quy tụ chúng lại dưới một mái nhà, làm sao để chúng say mê cái chữ, làm sao gợi lên trong chúng niềm mơ ước thành đạt bằng con đường học vấn... Những câu hỏi làm sao ấy cứ quay quắt trong anh. Thế rồi, anh đi đến quyết định, chỉ có 3 cùng (cùng học, cùng chơi và cùng ở) với bọn trẻ mới mong có được kết quả. Anh vạch ra "chiến lược"... Những đứa trẻ đã được gom lại, anh chăm chút dạy bảo như một người anh trong gia đình. Anh lắng nghe tâm tư, chia sẻ tình cảm và cả chịu đựng những trò nghịch ngợm của chúng. Rồi ngoài những giờ lên lớp, anh cùng bọn trẻ lang thang đến những tụ điểm có nhiều đối tượng cơ nhỡ khác để khuyên bảo, động viên chúng tranh thủ đến lớp sau quãng thời gian oằn mình kiếm sống. Cứ thế, lớp học ngày một nhiều hơn, có khi lên đến cả trăm em, gắn bó cùng nhau học tập. Đến nay, "lớp học cái bang" đã bước sang niên học thứ 15 với nhiều kỷ niệm vui buồn và dấu ấn của một "bang chủ" cũng chừng ấy năm tận tụy...

* Tấm lòng của "bang chủ"

Một điều đặc biệt, người thanh niên được các em ở lớp tình thương này (lớp học tình thương đầu tiên ở TP Quy Nhơn) gọi trìu mến bằng thầy, chưa hề qua lớp đào tạo sư phạm nào. "Mình dạy bọn trẻ bằng tình cảm và sự gắn bó là chính. Trước đây, mình chỉ mới học lớp Trung cấp Thanh vận của Trung ương Đoàn mở tại Bình Định" - anh Chính chân thành nói. Song, trong thực tế, nhiều học trò ở "lớp học cái bang" qua sự giáo dưỡng của anh đã đạt thành tích học tập xuất sắc, không thua kém học sinh các trường chính quy. Trong số ấy, em Nguyễn Thị Tình đang theo học năm thứ 3 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, em Trịnh Đình Hiển ở khu vực 6 hiện là học sinh giỏi của Trường cấp II Lê Lợi... Gặp chúng tôi, Hiển khoe: "Cặp kính cận mà em đang mang bây giờ là phần thưởng của chú Hà (ông Vũ Hoàng Hà hiện là Chủ tịch UBND tỉnh - PV) tặng vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm lớp tình thương tròn 10 tuổi".

Việc dạy và học ở "lớp học cái bang" chỉ đơn giản thế này, mỗi chiều thầy và trò tranh thủ 2 tiếng đồng hồ sum vầy bên nhau. Thầy chia sẻ những kiến thức tích góp được. Trò cần mẫn nghe thầy dạy bảo. "Chút vốn liếng sư phạm ít ỏi của mình đến lúc cũng phải cạn. Để bọn trẻ khỏi chán, mình phải tự mày mò phương pháp truyền đạt kiến thức một cách thấu tình đạt lý nhất" - anh Chính tâm sự. Anh cho biết thêm, các em cùng học chung một lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Em nào khá sẽ được gửi đến các trường trong thành phố, học chung với các lớp chính quy, tham gia thi vượt cấp, dần dần đến lớp 12 và cũng được quyền dự thi đại học. Chúng tôi tỏ ý thán phục kế hoạch của anh thì anh khiêm tốn nói: "Việc mình làm chỉ cỏn con thôi. Cũng nhờ chính quyền địa phương có nhiều quan tâm, hỗ trợ vật chất để duy trì lớp học cho đến bây giờ. Người có công đầu tiên là cô Lê Thị Minh Tâm (nguyên là Chủ tịch Hội Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh Nghĩa Bình), rồi đến chú Mai Ái Trực (nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)... đã ủng hộ mình trong suốt thời gian gắn bó với lớp".

***

"Bang chủ cái bang" ngày ấy giờ đã thành ông chủ tịch phường trẻ tuổi của phường Lê Lợi. Lớp học ấy đã được anh bàn giao lại cho một "bang chủ" mới - thầy Nguyễn Đức Lợi, cũng là người có thâm niên hơn 10 năm dạy các lớp học tình thương. Dù không thường xuyên "lên lớp" nữa nhưng lòng nhiệt huyết và sự gắn bó với "lớp học cái bang" trong anh vẫn như ngày nào.

. Theo Thanh Niên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kiến thức dân vận được nâng lên  (19/09/2004)
Đội Thông tin lưu động Vĩnh Thạnh: Đưa văn hóa lên vùng cao   (17/09/2004)
Y đức ở Bệnh viện Quân y 13  (17/09/2004)
Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Phù Cát   (16/09/2004)
Bệnh viện tuyến huyện: Khá hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn   (16/09/2004)
Báo động tình trạng nhân viên y tế trường học bỏ việc   (15/09/2004)
Thư ký giám đốc  (14/09/2004)
Cô giáo giỏi ở vùng sâu  (13/09/2004)
Ghi nhận từ Hội thi "Dân vận khéo" ở xã Nhơn Phong  (13/09/2004)
Long đong nghề khắc chữ  (12/09/2004)
Ba ngày và những tình cảm nồng ấm   (10/09/2004)
Người dân lo không đủ tiền vào bệnh viện   (09/09/2004)
Những tiếng nổ giữa thời bình từ kho đạn Đèo Son   (09/09/2004)
Nhọc nhằn nghề bán xăng thuê   (08/09/2004)
Những chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện cải cách hành chính   (08/09/2004)