Tình trạng bàn ghế học sinh thiếu chuẩn: Gọt chân cho vừa giày
16:35', 20/9/ 2004 (GMT+7)

Các nhà chuyên môn đã báo động thực trạng bàn ghế đóng sai quy cách ở các trường phổ thông gây nên tỷ lệ học sinh bị vẹo cột sống cao một cách... đáng sợ. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất lại ở chỗ, ngay cả chủ thể sử dụng bàn ghế và các nhà quản lý giáo dục, nhà sản xuất vẫn chưa xác định được thế nào là một bộ bàn ghế chuẩn (!).

* Hầu hết đều sai quy cách

Những bộ bàn ghế 4 chỗ ngồi có tuổi thọ trên 30 năm vẫn còn khá nhiều

Đến một số trường phổ thông bất kỳ, chúng tôi đều bắt gặp những cảnh học sinh (HS) phải ngồi học trên những bộ bàn ghế đã quá cũ kỹ và điều đáng quan tâm: chúng đều được đóng không đúng với quy cách. Một bộ phận bàn ghế, các trường được thừa hưởng từ trước ngày giải phóng. Đó là những bộ bàn ghế bốn chỗ ngồi, kích cỡ không đồng bộ và mặc dù chúng được đánh giá là khá tốt, nhưng do thời hạn sử dụng đã qua từ rất lâu nên trông còm cõi, rơi rụng khá nhiều bộ phận. Để tiếp tục nâng "tuổi thọ" cho chúng, và cũng là để bảo vệ, bảo quản, các trường có "sáng kiến" đóng dính bàn vào ghế và có những phòng học, cả một dãy bàn ghế HS đều bị đóng dính chặt với nhau, bàn sát ghế, ghế sát bàn. Nhìn vào kiểu bàn ghế này có thể thấy ngay là khá bất tiện cho những HS phải ngồi ở vị trí bên trong. Và cũng do ghế và bàn được đóng cố định nên ở chỗ bàn xa ghế, HS phải chồm lên trước để viết bài và ngược lại phải nép người thẳng đứng cho phù hợp với khoảng không gian chật chội. Đúng là chuyện nghịch lý: gọt chân cho vừa giày.

Vậy mà khi được hỏi về sự bất tiện khi phải ngồi học trên những bộ bàn ghế như thế này thì hầu hết các HS được hỏi đều trả lời: "Em quen rồi, thấy cũng chẳng sao!". Tuy nhiên, đứng ngoài mà nhìn vào các phòng học vốn đã nhỏ so với chuẩn lại chứa đến 45-50 HS, bàn ghế san sát, mỗi bàn học ngồi 4-5 em… thật là cám cảnh. Về sau, có lẽ cũng thấy được sự bất hợp lý của loại bàn bốn chỗ ngồi nên bàn ghế được đóng mới phần lớn là loại bàn hai chỗ ngồi. Tuy nhiên, chúng vẫn được đóng dính bàn và ghế. Và cũng không khác hơn, loại bàn hai chỗ ngồi cũng được kê sát nhau thành bàn bốn chỗ để tiết kiệm diện tích cho lớp học. Đúng là, "cái khó bó cái khôn" (!).

* Nhà quản lý, nhà sản xuất nói gì?

Tại trường Tiểu học Hải Cảng (TP Quy Nhơn), sau khi dẫn chúng tôi đi "trực quan" bàn ghế của các lớp, bà Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm nào trường cũng phải bỏ bớt vài chục bộ vì cũ kỹ quá!". Nhưng khi được hỏi về "chuẩn" bàn ghế HS bà lại khẳng định: "Như vậy là đúng chuẩn đấy chứ. Ghế dính bàn chỉ làm cho bàn ghế đỡ xục xịch và chắn chắn hơn mà thôi, đâu có ảnh hưởng gì!". Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, một trong 5 trường THCS đạt chuẩn quốc gia của tỉnh, bàn ghế HS vẫn chưa chuẩn. Ông Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường vẫn còn 10 phòng học bàn ghế còn lại sau giải phóng, số còn lại là bàn ghế hai chỗ ngồi Phòng GD-ĐT trang bị thêm cho những phòng học mới...". Ông Vinh còn dẫn chúng tôi đi xem số bàn ghế HS được Bộ GD-ĐT cấp cho trường theo dự án giáo dục THCS. Có lẽ đây là những bộ bàn ghế đúng chuẩn mà tôi được chiêm ngưỡng với mặt bàn hai chỗ, ghế đơn rời có thành tựa và mẫu mã khá đẹp. "Trong điều kiện hiện nay, việc đóng mới bàn ghế và ngay cả chuyện xây phòng học, người ta mới chú trọng đến góc độ kinh tế, làm thế nào để tiết kiệm nhất còn tính chuẩn vẫn còn là vấn đề lâu dài" - ông Vinh tỏ ra ái ngại.

Năm học 2004-2005, Sở GD-ĐT đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng mua sắm trên 2.000 bộ bàn ghế HS để cấp cho các trường học của 3 huyện miền núi và các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền núi ở các huyện đồng bằng thuộc chương trình kiên cố hóa trường học. Việc đóng mới bàn ghế được giao cho các nhà sản xuất như: Công ty TNHH xây dựng Tân Phú, Công ty TNHH xây dựng Tân Phát, Công ty Sách - thiết bị Bình Định… Chúng tôi đã đến Công ty Sách - thiết bị Bình Định - một trong số các nhà xuất để tìm hiểu thêm nguyên nhân, ông Lê Huy, Giám đốc Công ty cho biết: "Chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT... Mẫu lấy theo chuẩn của Bộ GD-ĐT lâu nay". Ông Huy cũng cho chúng tôi xem mô hình bàn ghế HS 2 chỗ ngồi, ghế được đóng dính vào bàn và cho biết thêm: "Chúng tôi là nhà sản xuất nên khách hàng yêu cầu như thế nào, chúng tôi đóng như thế đó. Trên nguyên mẫu là như thế này nhưng có nơi đề nghị mặt bàn rộng hơn, có nơi đề nghị gia giảm độ cao, thấp cho phù hợp với từng cấp học…". Ông Võ Tiến Bộ, Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ của Sở GD-ĐT cũng cho biết: "Từ trước đến nay, bàn ghế vẫn được đóng theo kiểu này và đây là mẫu hợp với quy chuẩn của Bộ GD-ĐT đưa ra". Vậy là, chuyện chuẩn bàn ghế HS đối với ngành GD-ĐT cũng chỉ là sự tương đối nên đã không hề có dấu hỏi đặt ra là HS đã được ngồi học trên những bộ bàn ghế chuẩn hay chưa!?

Và cũng do không có những quy định bắt buộc khi đóng mới bàn ghế cho HS nên năm học này, ngoài đóng mới số bàn ghế HS thông thường như đã nói ở trên, Sở còn hợp đồng với Công ty Nhật Linh Đà Nẵng, một đơn vị chuyên đóng bàn ghế HS để đóng thêm 1.248 bộ bàn ghế chất lượng cao trang bị cho một số trường điểm trong tỉnh. Và cũng thật đáng tiếc, mẫu mã được chọn vẫn là bàn dính ghế.

. Minh Ngọc

 

5 tiêu chuẩn bàn ghế đúng quy cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế (năm 2000):

1. Bàn, ghế phải rời nhau, không dính liền bàn với ghế, ghế phải có thành tựa lưng.

2. Kích thước bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc HS. Cụ thể, chiều cao bàn =42%, chiều cao ghế =26% chiều cao thân thể. Thành tựa ghế hơi ngả về sau một góc 5-100 so với đường thẳng đứng; chiều rộng ghế bằng 2/3 - 2/4 dài đùi. Chiều ngang tối thiểu của bàn cho một chỗ ngồi là 0,4-0,5 m.

3. Thuận tiện khi HS đứng lên, ngồi xuống, lúc vào học, ra chơi và khi tan trường.

4. Bố trí hợp lý trong một lớp học.

5. Đẹp và chắc chắn.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ông chủ tịch phường 14 năm làm "bang chủ"   (20/09/2004)
Kiến thức dân vận được nâng lên  (19/09/2004)
Đội Thông tin lưu động Vĩnh Thạnh: Đưa văn hóa lên vùng cao   (17/09/2004)
Y đức ở Bệnh viện Quân y 13  (17/09/2004)
Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Phù Cát   (16/09/2004)
Bệnh viện tuyến huyện: Khá hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn   (16/09/2004)
Báo động tình trạng nhân viên y tế trường học bỏ việc   (15/09/2004)
Thư ký giám đốc  (14/09/2004)
Cô giáo giỏi ở vùng sâu  (13/09/2004)
Ghi nhận từ Hội thi "Dân vận khéo" ở xã Nhơn Phong  (13/09/2004)
Long đong nghề khắc chữ  (12/09/2004)
Ba ngày và những tình cảm nồng ấm   (10/09/2004)
Người dân lo không đủ tiền vào bệnh viện   (09/09/2004)
Những tiếng nổ giữa thời bình từ kho đạn Đèo Son   (09/09/2004)
Nhọc nhằn nghề bán xăng thuê   (08/09/2004)