Hiện nay, nạn lấn chiếm hành lang các tuyến tỉnh lộ ngày càng gia tăng, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Làm thế nào để xử lý và ngăn chặn tình trạng này?
* Bức xúc hành lang giao thông
|
Dưới chân cầu Gò Bồi (Phước Hòa - Tuy Phước) trên tuyến ĐT640, nhà và đường không còn ranh giới |
Theo Ban Thanh tra giao thông (TTGT) của Sở Giao thông - Vận tải, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến tỉnh lộ ở Bình Định ngày một gia tăng, đặc biệt là trong thời gian vài năm nay. Điển hình nhất là đường ĐT 629 (Bồng Sơn đi An Lão). Trên con đường này, lưu lượng xe cộ qua lại ngày một nhiều, thế nhưng, hành lang 2 bên đường này bị lấn chiếm rất nghiêm trọng. Từ năm 2003 đến nay, lực lượng TTGT đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản 144 trường hợp vi phạm. Trong đó, các địa phương vi phạm nhiều là xã Ân Hảo (Hoài Ân) có 90 trường hợp vi phạm; xã An Hòa (An Lão) có 16 trường hợp vi phạm; xã An Tân, An Trung (An Lão), số trường hợp vi phạm tuy có ít hơn, nhưng diễn biến cũng rất phức tạp. Các tuyến khác như: ĐT 640 từ cầu Ông Đô (Tuy Phước) đi Cách Thử (Phù Cát) có 41 trường hợp vi phạm; ĐT 636 từ Gò Găng (An Nhơn) đi Kiên Mỹ (Tây Sơn) có 22 trường hợp; ĐT 636 B từ thị trấn Bình Định (An Nhơn) đi Lai Nghi (Tây Sơn) cũng có hơn 30 trường hợp vi phạm…
Ông Trần Đình Tâm, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: "Hiện nay, nhiều người dân có tư tưởng cứ xây dựng nhà kiên cố, Nhà nước sẽ không đập hoặc có giải tỏa thì sẽ bồi hoàn. Bởi vậy, thời gian gần đây trên tuyến đường ĐT 636, khi nghe tin sẽ mở rộng, nâng cấp, nhiều người đã lấn chiếm hoặc có ý định lấn chiếm để xây dựng nhà ở, chờ sau này được bồi thường". Ngoài ra, nạn lấn chiếm hành lang ATGT làm cho cự ly giữa nhà và đường quá gần, nhiều nơi tầm nhìn bị che khuất, nên rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
* Làm thế nào để ngăn chặn?
Từ đầu năm 2004 đến nay, có 207 trường hợp vi phạm, với 6.483 m2 nhà ở, nhà tạm, lều quán và 304 m tường rào. Hầu hết các tuyến tỉnh lộ đều xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT. Trên các tuyến đường này đã xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết 18 người, bị thương 65 người. Từ năm 2003 đến nay, lực lượng TTGT chỉ xử phạt và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ 22 trường hợp vi phạm. |
Dọc theo đường ĐT 629, hầu như địa phương nào cũng có tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Tuy nhiên, ở xã Ân Mỹ (Hoài Ân), nơi có đến hơn 7 km tỉnh lộ 629 đi qua, thì mấy năm nay chỉ có 4 trường hợp vi phạm. Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, khẳng định: "Việc bảo vệ hành lang ATGT là việc làm của toàn xã hội và vai trò của chính quyền cơ sở là rất lớn. Bởi vậy, chúng tôi đã làm kiên quyết, triệt để những trường hợp vi phạm." Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng ý thức được và làm tốt công tác này như xã Ân Mỹ. Ông Trần Văn Ơi, Trưởng Ban TTGT, bức xúc: "Mặc dù các trường hợp lấn chiếm đã được lập biên bản, nhưng việc tổ chức cưỡng chế không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nguyên nhân, do thiếu sự phối hợp cũng như do chính quyền địa phương, cụ thể là chính quyền cấp xã chưa kiên quyết xử lý nên tình trạng này vẫn cứ âm ỉ kéo dài". Ông Trần Đình Tâm thừa nhận: "Hiện nay, đa số chính quyền các xã còn ngại việc giải tỏa, cưỡng chế những hộ vi phạm, do còn nể nang tình làng nghĩa xóm. Xã không cương quyết, thiếu trách nhiệm nên đã dẫn đến vi phạm dây chuyền, người sau cứ theo người trước mà làm. Bởi vậy, hiện nay huyện An Nhơn đã chỉ đạo các xã cụ thể bằng văn bản, yêu cầu các xã phải xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, nếu làm không tốt phải chịu kỷ luật".
Trước thực trạng hành lang ATGT đường bộ bị lấn chiếm như hiện nay, đã đến lúc công tác bảo vệ không phải là của riêng ngành Giao thông hay TTGT mà đòi hỏi chính quyền địa phương cần phải vào cuộc, bằng những biện pháp kiên quyết và triệt để hơn?
. Ngọc Thái |