Hiện nay, Bình Định có trên 31.814 người tàn tật. Đời sống của nhiều người vẫn còn khó khăn, chuyện tìm việc làm ngoài xã hội lại càng khó khăn hơn. Rất ít người trong số họ may mắn được các cơ quan, đơn vị đón nhận.
* Việc làm - cơ may đổi đời
|
Các học viên tàn tật đang học tiếng Anh và vi tính tại Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga |
Đoàn Trọng Nghĩa, 24 tuổi, quê ở Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn), hai chân bị teo - hậu quả của cơn sốt bại liệt từ nhỏ, tuy không nặng đến mức phải dùng nạng nhưng đi lại rất khó khăn. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp THPT, nghe nói ở Quy Nhơn có Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga chuyên dạy nghề cho người khuyết tật, vậy là cậu khăn gói tìm đến. Tại đây, Nghĩa đã được học vi tính văn phòng, đồ họa... Cách đây hai năm, Nghĩa được chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga giới thiệu vào Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng A.T.T (Lê Hồng Phong- Quy Nhơn). Công việc của Nghĩa là thể hiện các chi tiết bản vẽ trên máy vi tính. "Mới đầu, em thấy bỡ ngỡ lắm, nhưng được chú Trì (KTS Phạm Thanh Trì- Giám đốc Công ty A.T.T) và các anh chị trong phòng thiết kế giúp đỡ nên dần quen việc". Hiện nay, Nghĩa đã có thể tự thể hiện được hồ sơ bản thiết kế qua các thông số của kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Anh Lê Đắc Thịnh, Trưởng phòng thiết kế của Công ty nhận xét: "Nghĩa rất ham học hỏi, tiếp thu nhanh. Chỉ qua hai tháng đầu học hỏi đã có thể làm được công việc giống như kỹ thuật viên xây dựng mới tốt nghiệp". Hiện nay mức lương của Nghĩa là 600.000 đồng/tháng, được ở miễn phí tại Công ty. Chưa phụ giúp được bố mẹ nhưng Nghĩa đã có thể mua quà cho các em bằng chính đồng tiền mình làm ra. Nghĩa tâm sự: "Trước đây, chưa bao giờ em dám mơ đến một công việc như bây giờ".
Không chỉ có Nghĩa, rất nhiều người có số phận không may đang phấn đấu tìm kiếm được việc làm để có thể nuôi sống bản thân và có ích cho xã hội. Bởi đó chính là cơ may đổi đời của họ. Ở các cơ sở của người tàn tật như Đồng Tâm, Nguyễn Nga đã và đang thu hút rất đông người đến học và làm nghề. Họ vừa học vừa làm, sản phẩm làm ra của họ tuy chưa đẹp bằng của người bình thường nhưng là kết quả của quá trình cố gắng, khổ luyện của họ. Anh Võ Đình Minh, bị liệt ở phường Lê Hồng Phong là điển hình của sự vươn lên đó. Hiện nay anh là một chủ tiệm sửa xe máy nho nhỏ. Anh còn tự nghiên cứu mày mò cải tiến hộp số xe máy có thể đi lùi, rất phù hợp và tiện lợi cho những người tàn tật như anh. Đinh Khánh Linh, 26 tuổi, vừa câm vừa điếc hiện đang làm tại xưởng thêu vi tính Hương Vi (đường Trường Chinh- Quy Nhơn) đã viết về mơ ước của mình: "Tôi ước mình có thể làm ra được tiền để có thể đưa về giúp đỡ cho ba mẹ ở quê". Quê Linh ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ba mẹ làm ruộng, sau Linh còn có một đứa em cũng bị tật nguyền.
* Tìm việc trước khung cửa hẹp
Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Hiện nay, tỉnh mới có chính sách hỗ trợ người tàn tật học nghề chứ chưa có chính sách hỗ trợ việc làm cho họ. Theo Nghị định 82 của Chính phủ, các đơn vị sản xuất phải nhận 2% trong tổng số lao động là người tàn tật vào làm việc nhưng tôi thấy hình như các đơn vị không mặn mà. Có lẽ vì họ ngại sẽ giảm sút năng suất lao động. Người tàn tật trong xã hội ít được các tổ chức, đơn vị nhận vào làm việc nếu không có sự vận động. |
Trong ngày thứ ba của Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ hai vừa qua (từ 2 đến 4-9) một thanh niên đi nạng, tay cầm hồ sơ hòa vào dòng người đi kiếm việc tại hội chợ. Trên mặt và sau lưng áo anh đẫm mồ hôi: "Hôm qua tôi nghe đài truyền hình đưa tin về Hội chợ việc làm nên vội đi ngay. Sáng giờ, đi dạo khắp các gian hàng, việc thì nhiều đấy nhưng hình như chẳng có việc gì dành cho những người khuyết tật như chúng tôi." Anh tên Hồ Thế Sinh quê ở Cát Trinh (Phù Cát) bị bại liệt từ nhỏ, tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Đà Lạt năm 1997. Nhà 6 anh chị em, chỉ có anh là học hết đại học. Sau khi tốt nghiệp, anh tham gia công tác xã hội ở Đà Lạt một thời gian và sau đó về quê. Từ đó đến nay anh đã đi nhiều nơi, đến các công sở xin việc, thậm chí đến cả Sở Nội vụ, để kiếm việc làm phù hợp nhưng kết quả vẫn là đợi chờ và tiếp tục tìm kiếm.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh năm 2003, toàn tỉnh có hơn 31.814 người tàn tật. Nhìn chung, đời sống của họ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người thuộc diện nghèo, phải sống dựa vào hàng xóm hoặc phải đi làm thuê làm mướn, thậm chí phải đi xin ăn. Với họ, tự thân kiếm được một việc làm thật khó khăn nếu như không có ý chí và nghị lực và được sự trợ giúp của mọi người. Trong số đó, nhiều người không cam chịu số phận nghiệt ngã mà phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, số người thành công không được nhiều, phần vì không có cơ hội được học hành, học nghề nhiều và phần vì không kiếm được việc làm phù hợp.
Hiện nay, Bình Định đã có những chính sách hỗ trợ người tàn tật học nghề như được học nghề miễn phí hoặc được hỗ trợ học bổng. Theo ghi nhận của chúng tôi, khó khăn lớn nhất mà người tàn tật gặp phải chính là tìm được việc làm phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình bởi hầu hết các đơn vị, công ty đều không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc khi mà còn nhiều lao động lành lặn có bằng cấp đang thất nghiệp. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không nơi nào dang tay đón nhận họ. Đã có một số đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận họ vào làm việc và tạo điều kiện cho họ phát triển nhưng tiếc là con số này chưa nhiều.
. Thu Hà |