* Ngang nhiên chiếm nhà người khác
Ngôi nhà số 153 - Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) thuộc quyền quản lý của Sở Y tế - Bộ Giao thông vận tải (Sở YTGTVT) và được giao cho Phòng khám đa khoa Đường sắt Quy Nhơn (PKĐKĐSQN) sử dụng. Ngày 18-6-1993, PKĐKĐSQN có hợp đồng cho ông Lê Bá Hải (cán bộ Trung tâm Phục hồi chức năng, chỉnh hình Quy Nhơn) thuê tầng trệt có diện tích 42,5m2 trong thời hạn 24 tháng để ở. Còn tầng 2 có diện tích 32m2, ngày 9-12-1997, PKĐKĐSQN có quyết định "cấp" cho bà Phùng Thị Thơm là nhân viên PKĐKĐSQN, và ngày 5-3-1998 Sở YTGTVT lại có Quyết định số 23/QĐ-SYT cho bà Thơm thuê không thời hạn.
|
Ông Hải không những chiếm hẳn tầng 2 nhà 153 Nguyễn Thái Học mà còn cho thuê treo bảng quảng cáo |
Thuê được nhà nhưng chưa kịp dọn đến ở thì bà Phùng Thị Thơm lâm trọng bệnh. Chồng bà là ông Huỳnh Tấn Nhượng (cán bộ Công an TP Quy Nhơn) phải đưa bà vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh dài ngày. Bệnh quá nặng, tháng 7-2000 bà Phùng Thị Thơm từ trần. Mai táng vợ xong, ông Huỳnh Tấn Nhượng cùng 2 con trở về căn phòng mà vợ mình đứng tên thuê, thì hỡi ơi, căn phòng đã bị ông Lê Bá Hải ở tầng trệt phá khóa vào chiếm ở từ lúc nào!
Sau nhiều phen thuyết phục, thương lượng để ông Hải trả lại căn phòng tầng 2 cho mình không được, ông Huỳnh Tấn Nhượng buộc lòng phải khiếu nại đến UBND phường và UBND thành phố.
* Giải quyết của chính quyền: loanh quanh rồi về lại... vạch xuất phát
Ngày 5-11-2003, UBND phường Ngô Mây họp, mời ông Hải và ông Nhượng mang toàn bộ giấy tờ liên quan đến ngôi nhà 153 Nguyễn Thái Học để xem xét giải quyết. Ông Nhượng đã trình đủ 2 quyết định của PKĐKĐSQN và Sở YTGTVT cho vợ ông thuê tầng 2 ngôi nhà như đã nói ở trên. Còn ông Hải, ngoài quyết định của PKĐKĐSQN cho thuê tầng trệt ngôi nhà đã hết hạn từ ngày 18-6-1995 thì không có giấy tờ gì chứng minh ông được phép sử dụng tầng 2. UBND phường Ngô Mây đã lập biên bản, yêu cầu ông Hải phải trả lại tầng 2 ngôi nhà cho ông Nhượng trong thời hạn 10 ngày, nhưng ông Hải không trả.
Ngày 13-11-2003, UBND thành phố Quy Nhơn họp với các ngành liên quan và Chủ tịch UBND phường Ngô Mây xem xét sự việc, khẳng định việc ông Hải chiếm tầng 2 nhà 153 Nguyễn Thái Học là trái phép, yêu cầu các ngành và UBND phường Ngô Mây kiểm tra lại hồ sơ, nếu không có giấy tờ hợp lệ thì cưỡng chế ông Hải ra khỏi cả tầng 2 và tầng trệt. Cùng thời gian, Phòng Địa chính - Nhà đất thành phố cũng có văn bản đề xuất cưỡng chế ông Hải ra khỏi tầng 2 nhà 153 Nguyễn Thái Học. Ngày 16-6-2004, UBND thành phố Quy Nhơn có Quyết định số 1603/QĐ-UB, buộc trong vòng 5 ngày ông Lê Bá Hải phải thực hiện việc giao trả tầng 2 cho ông Nhượng, nếu không sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Thế nhưng, ông Hải vẫn không thực hiện và chẳng có cuộc cưỡng chế nào xảy ra.
Mãi gần 1 tháng sau, ngày 12-7-2004, UBND phường Ngô Mây mới lập một kế hoạch chi tiết để thực hiện Quyết định số 1603/QĐ-UB của UBND thành phố. Theo đó, đúng 8 giờ ngày 15-7-2004 sẽ có một đoàn công tác có đủ đại diện các ngành chức năng của thành phố và của phường sẽ tiến hành cưỡng chế, "mời" ông Hải ra khỏi tầng 2 nhà 153 Nguyễn Thái Học để giao cho ông Nhượng quản lý sử dụng.
Khi nhận được Quyết định 1603/QĐ-UB của UBND thành phố và bản kế hoạch cưỡng chế của UBND phường Ngô Mây, ông Nhượng tưởng mọi việc sẽ êm xuôi, mình sẽ nhận được nhà. Nhưng không, không hiểu ông Lê Bá Hải khiếu nại thế nào mà đúng ngày 15-7, ngày sẽ cưỡng chế thì Chủ tịch UBND thành phố có công văn số 628/CV-UB hoãn thực hiện việc cưỡng chế đối với ông Hải đến ngày 16-8-2004.
Ông Nhượng khiếu nại việc hoãn cưỡng chế này thì ngày 9-9-2004, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn ký Công văn số 831/CV-UB "bồi thêm một nhát", rằng: "Bà Phùng Thị Thơm là vợ của ông (Nhượng) nay đã chết. Căn cứ điều 16, khoản 3 Bộ luật Dân sự thì năng lực pháp luật dân sự của bà Phùng Thị Thơm đã chấm dứt từ khi bà đã chết. Quyết định tạm cấp tầng 2 ngôi nhà 153 Nguyễn Thái Học - Quy Nhơn của Sở YTGTVT không có giá trị về mặt thừa kế. Do vậy, ông không có quyền khiếu nại cũng như khiếu nại thay cho bà Phùng Thị Thơm"! Điều này nghĩa là ông Nhượng chẳng còn quyền gì đối với căn phòng mà vợ ông (đã chết) đứng tên thuê, kể cả quyền khiếu nại! Và, cũng có nghĩa là mọi động thái giải quyết khiếu nại của ông Nhượng khá hợp tình, hợp lý của UBND thành phố Quy Nhơn trước khi có Công văn 831/CV-UB đều là công cốc.
* Đôi điều suy nghĩ
Khi phủ nhận quyền khiếu nại của ông Nhượng và quyền ông được thay mặt vợ (đã chết) để khiếu nại, Công văn 831/CV-UB của UBND thành phố Quy Nhơn đã viện dẫn Khoản 3, Điều 16 Bộ luật Dân sự: "Năng lực pháp luật dân sự cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết". Điều khoản này nằm trong phần thứ nhất của Bộ luật Dân sự: Những quy định chung, nên quả thật là kỳ lạ khi căn cứ vào quy định chung về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân của Bộ luật để vội vàng "suy ra" rất cụ thể như đinh đóng cột rằng do năng lực dân sự của bà Thơm đã chấm dứt từ khi bà chết nên "Quyết định tạm cấp tầng 2 ngôi nhà 153 Nguyễn Thái Học của Sở YTGTVT không có giá trị về mặt thừa kế! Do vậy, ông (Nhượng - chồng bà Thơm - (NV) không có quyền khiếu nại cũng như khiếu nại thay cho bà Thơm", mà bất chấp các quy định của pháp luật về quyền thừa kế!
Nếu lật tiếp Bộ luật Dân sự, đến Điều 498: "Chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở" thì Khoản 3 của Điều này quy định rất rõ hợp đồng thuê nhà ở chỉ chấm dứt khi "Bên thuê nhà chết và không có ai cùng chung sống". Đến Điều 500 thì càng rõ hơn nữa: "Trong trường hợp bên thuê nhà chết mà vẫn còn thời hạn thuê, thì người cùng chung sống với bên thuê có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê cho đến khi hết hạn".
Hợp đồng thuê nhà của bà Phùng Thị Thơm với Sở YTGTVT không ghi thời hạn, cho đến nay vẫn còn hạn. Dù bà Thơm đã chết nhưng còn ông Nhượng - chồng hợp pháp, người chung sống với bà Thơm nên hợp đồng thuê nhà này vẫn còn hiệu lực. Và theo Điều 500 của Bộ luật Dân sự như đã trích dẫn ở trên thì ông Nhượng hoàn toàn có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà. Hơn nữa, theo Điều 501 tiếp theo đó, dù nhà 153 Nguyễn Thái Học có thay đổi chủ sở hữu thì ông Nhượng vẫn là người có quyền tiếp tục được thuê nhà.
Vì vậy, việc vội vàng suy diễn từ Khoản 3, Điều 16 Bộ luật Dân sự để phủ nhận quyền được thừa kế và quyền khiếu nại của ông Nhượng như Công văn 831/CV-UB của UBND thành phố Quy Nhơn là hoàn toàn trái pháp luật.
* Vĩ thanh
Có một câu chuyện xưa: Một người bị bệnh thổ tả tìm đến thầy lang. Thầy lang tra sách thuốc, đọc được dòng cuối cùng của một trang: "Thổ tả phục nhân sâm" (bị thổ tả uống nhân sâm) liền cắt ngay cho bệnh nhân một thang thuốc có nhân sâm. Không ngờ uống xong bệnh nhân liền chầu trời. Người nhà bệnh nhân đến kiện quan, quan cho triệu thầy lang đến. Thầy lang lại giở sách ra để chứng minh là mình đã làm theo sách, không ngờ khi lật qua trang sau, đầu dòng có thêm hai chữ "tắc tử", tức là đủ câu trong sách thuốc là "thổ tả phục nhân sâm, tắc tử", nghĩa là "bị thổ tả uống nhân sâm thì chết". Đúng là lang băm!
Nếu chính quyền viện dẫn sách luật để giải quyết khiếu nại của công dân theo kiểu "lang băm đọc sách thuốc" như trên, như trường hợp UBND thành phố Quy Nhơn viện dẫn Bộ luật Dân sự để phủ nhận quyền khiếu nại của ông Huỳnh Tấn Nhượng, thì công dân chỉ còn đường... "tắc tử"!
Không biết rồi đây có còn ai bị "tắc tử" như ông Nhượng nữa không?
. Cao Năm
|