Mùa công chứng (CC) - chứng thực đang ở vào giai đoạn cao điểm. Không những ở các thành phố lớn mà ngay ở Phòng Tư pháp các huyện cũng đang ở trong tình trạng quá tải. Nguyên nhân của thực trạng này có một phần không nhỏ từ phía người dân do chưa hiểu hết những quy định của pháp luật trong lĩnh vực CC - chứng thực.
|
Chen nhau CC giấy tờ ở Phòng CC số 1 |
Phòng CC Nhà nước số 1 của Bình Định (đặt tại đường Lê Hồng Phong - TP Quy Nhơn) ròng rã mấy tháng nay lúc nào cũng đông nghịt người. Những chiếc xe đạp, xe máy đặt tràn ra ngoài lòng lề đường. Để tiếp cận với những người có trách nhiệm, chúng tôi phải lách qua hết lớp người này đến người khác. Tình trạng quá tải ở các Phòng CC bắt đầu từ tháng 7 - khi các sinh viên ở các trường ĐH, CĐ và chuyên nghiệp vừa tốt nghiệp ra trường đi tìm việc, và kéo dài cho đến hết tháng 10 - khi những thí sinh trúng tuyển từ các trường thôi không còn phải lo bổ túc các hồ sơ để nhập trường. Bình quân mỗi ngày vào giai đoạn cao điểm, Phòng CC số 1 phải giải quyết cho 550-600 lượt người, nếu chia đều cho bình quân cả năm thì sẽ là 300-350 lượt người/ngày. Còn số lượng giấy tờ để CC thì… không thống kê nổi. Đơn cử một học sinh vừa trúng tuyển một trường ĐH, cần phải CC: Học bạ, bằng tốt nghiệp (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp), hộ khẩu, CMND, khai sinh, giấy báo triệu tập, phiếu báo điểm, nếu là diện ưu tiên thì còn phải kèm theo thẻ thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo. Còn với một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường thì số lượng giấy tờ cần CC có thể lên đến hàng trăm lượt, vì cùng một lúc các em phải "chạy sô" nhiều cơ quan để gửi hồ sơ xin việc.
Xã hội càng phát triển thì tất yếu nhu cầu CC sẽ ngày càng tăng theo. Nghị định 75/CP của Chính phủ về CC - chứng thực ra đời từ cuối năm 2000 (thay thế cho NĐ 31/CP trước đây) là để giải quyết sự bức xúc đó. Trong đó vấn đề tháo gỡ có ý nghĩa nhất là Chủ tịch UBND cấp huyện được ủy quyền cho Trưởng phòng Tư pháp thực hiện việc chứng thực một số loại giấy tờ đáng kể. Nghị định cũng quy định rõ: Giá trị pháp lý của các bản sao chứng thực cũng tương đương với giá trị các bản sao do CC thực hiện. Tuy nhiên do không hiểu hết, người dân ở một số huyện lân cận vẫn cứ đổ dồn về các Phòng CC. Còn ở xã thì dồn về ở huyện. Ông Võ Đình Thú - Trưởng Phòng CC số 1 cho biết: "Nhiều người dân từ các xã của huyện Tuy Phước, An Nhơn bỏ cả ngày ra đồng xuống tận Phòng CC để chờ đợi CC bản sao về hộ khẩu, giấy khai sinh trong khi thẩm quyền này ở xã vẫn làm được." Lại có trường hợp như ở huyện Phù Cát, ông Bùi Hồng Phong - Trưởng Phòng Tư pháp huyện, kể lại: "Bản sao chỉ mới có dấu hình chữ nhật để cập nhật vào sổ theo dõi chưa có dấu Quốc huy, người dân đã vội mang đi, có trường hợp vào tận TP Hồ Chí Minh rồi chưng hửng gửi trở lại…".
Ngay cả các cơ quan, tổ chức tiếp nhận giấy tờ cũng rất lơ mơ trong việc nắm bắt luật. Nghị định quy định: Cơ quan, tổ chức đã cấp bản chính giấy tờ có quyền cấp bản sao các giấy tờ đó. Song có một số trường học khi nhận hồ sơ của học sinh lại từ chối bản sao giấy khai sinh do UBND xã chứng thực và yêu cầu phải có dấu của CC. Hoặc tại điểm 4 của điều 73: Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ mà yêu cầu phải xuất trình bản chính để đối chiếu thì không được đòi hỏi nộp bản sao có CC, chứng thực. Thế nhưng ở một số cơ quan (nhất là trong lĩnh vực đất đai) lại "hành" người dân phải đi CC bản sao một lần nữa… qua đó đã gây nên tình trạng quá tải bất hợp lý.
Theo thống kê của Phòng CC số 1, bình quân mỗi năm số lượt người đến CC tăng hơn 25%. Còn theo số liệu thống kê của Phòng Tư pháp huyện Phù Cát: 8 tháng đầu năm 2004 số lượt người đến chứng thực tăng hơn cùng kỳ gần 5.000 lượt người. Các phòng CC, ngoài các công việc thuộc phạm vi của mình, còn phải "gồng mình" làm thêm các việc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp huyện và cấp xã. Do đó, công việc tăng lên rất nhiều lần, trong lúc nhân lực ở các phòng CC và phòng tư pháp các huyện thì không thay đổi. Đặc biệt là từ khi thực hiện cơ chế một cửa, cán bộ tư pháp phải xé lẻ ra để phối hợp thực hiện với các cơ quan chức năng khác, thì công việc ở các phòng tư pháp càng chịu áp lực nhiều hơn.
Để cải thiện tình trạng quá tải CC và chứng thực hiện nay, theo chúng tôi cùng một lúc phải quan tâm nhiều vấn đề: Nhân lực, cơ sở vật chất cho các phòng CC và phòng tư pháp; và đặc biệt là tăng cường tập huấn, công khai thẩm quyền CC - chứng thực của từng cấp để cho người dân và cả những cơ quan, tổ chức tiếp nhận các loại giấy tờ có liên quan.
. Minh Trung
1, UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực: Bản sao các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ; chữ ký của công dân; hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trong phạm vi địa hạt của huyện có giá trị dưới 50 triệu đồng; văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản; các việc khác theo quy định pháp luật.
2, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực: Chữ ký của công dân; di chúc, văn bản từ chối nhận di chúc; các việc khác theo quy định pháp luật.
3, Một việc CC hoặc chứng thực cùng thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau, thì văn bản CC hoặc văn bản chứng thực được thực hiện tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào trong số các cơ quan đó đều có giá trị như nhau.
(Theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP về CC, chứng thực) |