Mùa lân...
15:50', 24/9/ 2004 (GMT+7)

Trung thu đang về. Các nẻo đường thành phố Quy Nhơn đã bắt đầu nhộn nhịp với hàng vài chục đội lân ở quy mô cấp... tổ, xóm. Còn nếu chỉ tính riêng những đội lân có quy mô, đủ cả đầu lân, ông địa, dàn nhạc... gồm khoảng mười lăm, hai mươi người mỗi đội, thì toàn thành phố hiện có khoảng 15 đội lân như vậy.

* Đội lân thế hệ thứ ba

Múa lân

Mỗi năm, cứ sắp đến rằm Trung thu, nghe tiếng múa lân tùng tùng ngoài ngõ, là ông Trần Hồng Ký (nhà số 18, Đào Duy Từ, Quy Nhơn) lại thấy náo nức trong lòng. Năm nay ông Ký đã 57 tuổi. Cách đây hơn 30 năm, ông cũng từng là một thành viên đội lân trong xóm, từng biểu diễn khắp làng trên xóm dưới trong những ngày Trung thu. "Khi đó, trong xóm có một ông thầy người Tàu, tên là Nghệ Quang, thấy bọn nhỏ tụi tui không có gì chơi, mới bày cho học múa lân, chủ yếu là để biểu diễn trong những ngày Trung thu. Mới ngoài 20 tuổi, hồi ấy đúng là tui cũng chẳng múa máy gì đâu, chỉ tham gia trong đội nhạc, nhưng vui lắm, được dạy kỹ càng lắm" - ông Ký kể.

Bây giờ thì các thành viên của đội lân năm xưa đã kẻ mất người còn nhưng ông Ký thì hạnh phúc vẫn còn nguyên đấy. Bởi tiếp nối đội lân năm xưa, đã có đội lân của đám trẻ trong phường mà con trai ông cũng là một thành viên. "Thực ra, đây là đội lân thế hệ thứ ba rồi, vì hồi năm 1988 cũng đã một lần một đội lân được thành lập lại, diễn đâu được ba, bốn năm rồi rã. Mãi đến năm 1999, tụi trẻ ưng quá, mới thành lập được đội lân. Hồi đó, toàn mấy đứa học cấp hai, nay đứa nghỉ, đứa học lớp 12, nhưng cứ đến Trung thu là lại kéo nhau đi" - anh Phan Văn Phúc, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội UBND phường Trần Hưng Đạo, cho biết. Còn Trần Anh Trí, con ông Ký, mà hàng xóm hay gọi là cu Tèo, thành viên chủ chốt của đội lân, thì kể: "Mấy đứa tụi em vốn mê múa lân từ hồi nhỏ lận. Hồi đó, cứ lấy cái hộp giấy làm đầu lân, cái gàu xách nước làm trống, rồi múa. Mấy chú thấy vậy mới bày cách múa. Rồi ba trong nhà cũng biết, nên cũng chỉ. Sẵn có đầu lân lớp trước còn để lại, vậy là Trung thu bọn em rủ nhau đi múa cho vui".

Bây giờ thì đội lân của "cu Tèo" đã nổi danh trong phường, ngoài thành phố. Những dịp đón giao thừa, rồi ngay như Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển toàn tỉnh vừa rồi, đội lân của phường cũng được mời tham gia. Nổi tiếng vậy mà tết năm ngoái, đội lân đi thi cấp thành phố chỉ giật được giải nhì, Trí cứ ấm ức mãi.

* Nghề chơi cũng lắm công phu

Chuẩn bị lân cho Trung thu

Ở nhà Trí, tôi gặp Huỳnh Ngọc Việt, một thành viên khác của đội lân phường Trần Hưng Đạo, vừa mới từ thành phố Hồ Chí Minh về, đang bàn tính chuyện múa lân cho mùa Trung thu năm nay. Chẳng là hơn năm nay, Việt vào thành phố để học nghề làm giày dép. Nhưng rồi cứ đến mùa Trung thu là Việt lại thấy chộn rộn, lại thấy thôi thúc, rằng phải về Quy Nhơn múa lân. "Chỉ chơi cho vui vậy mà cũng mê anh ạ. Vô trong đó, em ở nhờ gần ngay một lò lân, vậy là cứ ngày chủ nhật được nghỉ làm, em lại sang coi họ tập, thi thoảng lại xin vào múa. Vậy mà ăn cắp được khối kỹ thuật hay. Như cái thế ấy, năm rồi bọn em tập tốp đuôi ẵm tốp đầu, cho con lân như chồm lên. Đến năm nay thì đã nhuyễn, biểu diễn ngon rồi. Của độc đấy" - Việt tâm sự. Việt là một trong ba tay leo cây kèo chính của đội. "Mới đầu em cũng ngốt, leo được hơn thước là thấy ớn, sau rồi mấy chú mới tập cho. Lần đầu tập leo không, lần sau tập đội một vật gì nhẹ nhẹ rồi leo. Mãi thành thạo rồi mới dám đội đầu lân leo kèo" - Việt nói.

Nói rồi, Việt chỉ cho tôi chiếc đầu lân. Tôi giở thử. Khá nặng, dễ chừng gần 6 kg. "Nhưng đâu chỉ có đầu lân không, khi leo kèo còn kéo thêm cái đuôi nặng cỡ 4kg nữa. Nhưng leo riết rồi quen. Cứ ngậm chặt dây quai đầu lân rồi leo vô tư, đến đầu kèo, ngồi vắt được lên cây ngang, hai chân ôm chặt lấy kèo rồi, là múa" - Vi Tấn Cường, một thành viên khác của đội, cũng là một tay chuyên leo kèo, nói. Cây kèo của đội lân phường Trần Hưng Đạo chỉ là một cây tre thẳng đuột, dài chừng hơn 5m. Vậy mà theo lời các thành viên đội lân này thì trước nay, chưa ai từng sơ sẩy. "Bọn em cũng có cách dưỡng sức chứ anh. Như nhóm đầu lân của bọn em ba thằng, thì mỗi đứa chịu trách nhiệm leo một nhà, để dưỡng sức" - Cường tiết lộ. Có lẽ, cái người vất vả nhất, nguy hiểm nhất, cũng là lúc phô diễn công kỹ nhất của đội lân chính là người leo lên giật lèo, lấy tiền thưởng này. Chẳng thế mà, khi anh Nguyễn Văn Giao, một người chuyên leo kèo của một đội lân chùa Xá Vệ gặp chuyện gia đình ngay gần mùa Trung thu, cả đội lo ra mặt. "Anh Giao trước cũng đã truyền nghề cho một, hai đứa trong sắp nhỏ nhưng vẫn chưa như ý. Mấy đứa nhỏ lên trên cao là hổng múa may chi được. Chẳng biết mùa lân năm nay ra sao" - họ nói.

"Đã bao giờ chủ nhà treo tiền thưởng cao quá, lân phải bỏ cuộc không?" - tôi hỏi. "Hổng có đâu. Với lại chủ nhà thấy cao, thường thòng dây xuống để dụ lân cho vui. Mà treo cao tụi em cũng ráng, chỉ buồn nhất là có những nhà treo cho thiệt cao, leo rã người mà mở ra chỉ… một, hai ngàn" - Trí nói. Nhưng nói thì nói vậy, chứ sau mỗi mùa Trung thu, mỗi thành viên của các đội lân ngoài trăm ngàn dắt túi, một bữa nhậu khá đậm, còn gây quỹ được kha khá để sắm sanh vật dụng, để không đến nỗi kém cạnh gì đội bạn. Chẳng thế mà, sau mùa Trung thu năm ngoái, một đội lân đã thay hẳn được chiếc đầu lân cũ bằng đầu lân mới giá cỡ triệu sáu, rồi mua thêm chiếc trống giá triệu bạc.

* Mỗi đội lân một bản sắc

Mỗi đội lân lại có một thế mạnh riêng của mình. Theo ông Ký thì đội lân phường Trần Hưng Đạo bao giờ cũng có đặc điểm khác với các đội lân khác trong thành phố, khác ngay từ tiếng trống. Các đội lân khác lấy trống chầu đi đánh, tiếng không vang mà cũng chẳng dội bằng. Đội lân phường ông thì mua trống từ thành phố Hồ Chí Minh về. Trống chỉ bịt một mặt, mặt bên trong có thêm lò xo, tạo tiếng nhép, có phần vang, rộn ràng hơn. Ngay như cách múa, động tác, cũng có ảnh hưởng của múa lân Tàu hơn cả, có phần rôm rả hơn… Còn đội lân chùa Xá Vệ (phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn) thì ngoài những nhân vật như lân, ông địa, còn có thêm ngựa, Tôn Ngộ Không cho sinh động hơn. Đội lân này tập thường xuyên nên tuy chỉ học lóm mà nên đội nhưng cách múa cũng hấp dẫn. Chẳng thế mà từ năm 2001 đến nay đội này liên tục giật giải nhất hội thi múa lân cấp thành phố. "Điều tạo nên sự phát triển của đội lân là sự đoàn kết, tinh thần tập thể. Mỗi năm, vào Trung thu, hay những ngày Tết, được mời đi biểu diễn chỗ này chốn nọ, rồi biểu diễn trong phường, được bao nhiêu anh em lại cùng mua bánh Trung thu về cho mấy em nhỏ, rồi lại góp vào quỹ để sắm mới trang phục, thay dụng cụ đã hư hỏng. Bởi vậy, anh em trong đội luôn thấy gắn bó" - ông Lê Văn Phúc, Bát gia trưởng chùa Xá Vệ, cho biết.

* Quản lý Nhà nước: đã vào cuộc?

Tất nhiên, múa lân không chỉ toàn màu hồng. Trên thực tế, thời gian qua, tình hình hoạt động của các đội lân không phải không có những trường hợp gây lộn xộn, làm phiền hà người dân, dẫn đến ách tắc giao thông, thậm chí lợi dụng vào nhà múa lân để… chôm tài sản. Lân to, lân nhỏ; có lân thanh niên, lại có lân nhi đồng... nên đã xảy ra trường hợp, hai đội lân tranh giành địa bàn hoạt động mà đâm ra ẩu đả. Bên cạnh những đội lân lớn, có những đội lân thiếu nhi tự phát, hoạt động để xin tiền tại các gia đình, cá biệt có đội lân còn chặn xe ô tô trên Quốc lộ xin tiền. Để lập lại kỷ cương trên lĩnh vực này, tháng 2-2004, UBND thành phố Quy Nhơn đã ban hành Quy chế hoạt động của các đội lân, quy định cụ thể việc đăng ký, trách nhiệm và nghĩa vụ của đội lân. Theo đó, đội lân mỗi phường chỉ được phép hoạt động trên đường phố thuộc phạm vi phường mình quản lý, chỉ được phép vào múa ở nhà dân khi có sự đồng ý. Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của các địa phương với hoạt động của đội lân. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các đội lân đều đã làm thủ tục đăng ký. Có cán bộ UBND một phường nọ lý giải nguyên nhân đội lân phường mình chưa đăng ký là do: "Các em nói rằng tụi nó chỉ lập ra để vui chơi ngày Trung thu nên không muốn đăng ký (!)".

Để một tết Trung thu diễn ra trật tự, để múa lân trở về đúng nghĩa của một hoạt động văn hóa, rất cần sự nhập cuộc của chính quyền các địa phương nhằm quản lý chặt chẽ hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho đội lân địa phương mình hoạt động.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quá tải công chứng và chứng thực: Không chỉ có nhu cầu tăng   (23/09/2004)
Bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức: Thực trạng và triển vọng   (23/09/2004)
Như lang băm đọc sách thuốc!   (22/09/2004)
Người khuyết tật với mơ ước việc làm ổn định   (22/09/2004)
Khuyến học ở Mỹ Thọ: Sức mạnh từ nhiều nguồn   (21/09/2004)
Nạn lấn chiếm hành lang các tuyến tỉnh lộ: Làm thế nào để ngăn chặn?   (21/09/2004)
Người phụ nữ 14 năm làm nhân đạo   (21/09/2004)
Tình trạng bàn ghế học sinh thiếu chuẩn: Gọt chân cho vừa giày   (20/09/2004)
Ông chủ tịch phường 14 năm làm "bang chủ"   (20/09/2004)
Kiến thức dân vận được nâng lên  (19/09/2004)
Đội Thông tin lưu động Vĩnh Thạnh: Đưa văn hóa lên vùng cao   (17/09/2004)
Y đức ở Bệnh viện Quân y 13  (17/09/2004)
Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Phù Cát   (16/09/2004)
Bệnh viện tuyến huyện: Khá hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn   (16/09/2004)
Báo động tình trạng nhân viên y tế trường học bỏ việc   (15/09/2004)