Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2004 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ nổ do cưa đục vật liệu nổ (VLN) còn lại trong chiến tranh, làm chết 12 người, bị thương 5 người. Trong đó riêng vụ nổ xảy ra lúc 15 giờ 45 ngày 7-9 tại tổ 9, KV 8, phường Nhơn Phú đã làm chết một lúc 7 người, bị thương 3 người. Tai nạn do VLN gây ra đã đến mức báo động, nên làm cách nào để ngăn chặn tai nạn nổ là nỗi trăn trở không của riêng ai!
|
Những nạn nhân trong vụ nổ ngày 7-9-2004 |
Những người bị chết, bị thương trong các vụ nổ hầu hết đều có "nghề" cưa đục đạn pháo, cối và đã lén lút "hành nghề" nhiều năm nay. Anh Nguyễn Văn Út (1973, ở tổ 4, KV 6, phường Bùi Thị Xuân - TP. Quy Nhơn) là một nạn nhân thuộc diện nói trên. Theo nhiều người ở địa phương, Nguyễn Văn Út rất "rành" việc tháo đầu đạn M79 để lấy vỏ bán phế liệu. Hàng đêm, Nguyễn Văn Út xuống khu vực Đèo Son tìm nhặt đạn M79 đem về nhà để sáng hôm sau tháo lấy vỏ. Mỗi vỏ đạn M79 bán được 2.500đ, có ngày Út kiếm trên 100.000đ từ công việc nguy hiểm này. "Chơi dao có ngày đứt tay", quả đúng như lời ông bà đã dạy, sáng ngày 7-9, Nguyễn Văn Út đem đạn M79 ra tháo lấy vỏ và một quả đạn phát nổ đã cướp đi mạng sống của anh. Từ vụ tai nạn này, công an địa phương kiểm tra phát hiện trong nhà anh Út có 2 bao xi măng đựng trên 70 quả đạn M79 còn nguyên và 10 quả khác đã tháo rời đầu đạn. Nhiều người chưa hết bàng hoàng trước cái chết của anh Út thì 7 tiếng đồng hồ sau, tại khu vực Cồn Đá nổi (thuộc tổ 9, KV8, phường Nhơn Phú - Quy Nhơn) xảy ra vụ nổ đạn pháo 105 ly làm 5 người chết tại chỗ, 2 người chết tại bệnh viện và 3 người khác bị thương. Các nạn nhân trong vụ nổ trên cũng thuộc loại có "nghề" trong việc tìm kiếm, khai thác sắt phế liệu không kém gì Nguyễn Văn Út. Tống Văn Còn (1975) ở tổ 8, KV8, phường Nhơn Phú - một trong 10 nạn nhân chết và bị thương trong vụ nổ này vừa ra trước vành móng ngựa về tội phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia từ việc khai thác sắt phế liệu trái phép, bị phạt 2 năm tù đang chờ phúc thẩm. Các nạn nhân khác là anh em vợ, cháu ruột của Còn. Họ không hề có chút biểu hiện sợ hãi, rụt rè khi làm công việc nguy hiểm này, bởi họ tin vào "tay nghề" của mình…
|
Đầu đạn, vỏ đạn do một đại lý sắt phế liệu mua gom |
Mục đích của những người săn tìm "thần chết" chủ yếu là để lấy sắt phế liệu và thuốc nổ. Sắt, họ đem cân cho các đại lý; thuốc nổ lén lút bán cho những ai chuyên đánh cá bằng mìn trái phép.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ công tác phòng ngừa ngăn chặn tai nạn nổ nên tập trung vào các biện pháp chủ yếu sau:
Chính quyền xã, phường rà soát nắm chắc số người mua bán sắt phế liệu (cả số mua gom và chủ đại lý) tổ chức cho họ học tập Nghị định 47CP về quản lý vũ khí (VK), VLN, thông báo cho họ tác hại nguy hiểm do VLN gây ra. Qua đó, bắt buộc họ cam đoan không mua bán các loại sắt phế liệu có hình dạng đạn pháo, cối các loại. Đồng thời phát hiện báo cáo chính quyền những người cố tình mua bán sắt phế liệu từ những loại này, nếu bao che sẽ bị xử lý như người vi phạm. Ngoài ra, phải kiểm tra thường xuyên và đột xuất các đại lý sắt phế liệu, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Đối với những người chuyên đi tìm kiếm sắt phế liệu, phải kiểm tra thu giữ, tiêu hủy triệt để những dụng cụ rà sắt, tổ chức cho họ học tập các quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN. Lấy thực tế từ các vụ nổ để chứng minh tỷ lệ xảy ra tai nạn rất cao, nhiều người "giỏi nghề" đã phải trả giá bằng tính mạng… để tuyên truyền giáo dục vận động họ bỏ nghề.
Từng địa phương phải phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tập trung vào nội dung phát hiện, đấu tranh ngăn chặn việc tìm kiếm, mua bán sắt phế liệu có hình dạng bom, đạn. Hướng dẫn các tổ ANND, tổ tự quản quản lý từng nhóm hộ, kịp thời phát hiện báo cáo chính quyền những trường hợp vi phạm…
Hiện nay, tại khu vực Đèo Son vẫn còn tình trạng nhiều người đến tìm kiếm khai thác sắt phế liệu từ bom, đạn, vì vậy bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo vệ, chính quyền địa phương nên làm pano cảnh báo nguy hiểm do tìm kiếm sắt phế liệu từ VK, VLN đặt ở hai đầu đường dẫn vào kho đạn.
Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng pano, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt nhân dân về những nội dung trên phải duy trì thường xuyên và tăng cường hơn nữa.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, việc đẩy lùi tai nạn nổ có thể mang lại hiệu quả thiết thực.
. Mai Linh Giang |