Những người lính xung kích
11:8', 27/9/ 2004 (GMT+7)

. Ghi chép của Lê Hoài Lương

Như ý nghĩa của tên gọi "đội xung kích", đội chỉ có 10 sĩ quan và chiến sĩ, công việc của họ cũng dễ hình dung: khám bệnh, cấp thuốc, cấp gạo, chiếu phim, diễn văn nghệ, trò chuyện giải tỏa những vướng mắc trong đời sống nhân dân… Nghĩa là về với dân, về với nguồn cội bằng tấm lòng son trung hiếu thảo thơm của người lính.

Quân y BCHQS tỉnh khám bệnh phát thuốc cho các đối tượng chính sách ở Nhơn Hội (Quy Nhơn)

Điểm đến của đội lần này là làng Konblo (Vĩnh Sơn - Vĩnh Thạnh) và Canh Giao (Canh Hòa - Vân Canh), làng thì cao hút tầm đèo Vực Bà, làng đụng miền rừng Phú Yên, mỗi nơi có mấy chục hộ dân Bana, Chăm H'roi cư trú, mỗi nơi có đặc điểm địa lý, khí hậu riêng nhưng đều là sơn cùng thủy tận và nghèo đói!

Đội xung kích LLVT tỉnh bắt đầu hoạt động từ năm 2003 và lập tức cho thấy hiệu quả rất tốt, từ hai phía: nhân dân và người lính. Dù trước đó từng có Chương trình 12 - quân dân y kết hợp mà việc khám chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu vùng xa mang ý nghĩa việc thiện, tượng trưng nhiều hơn. Đội xung kích LLVT tỉnh mỗi lần lên đường đều như một cuộc hành hương về nguồn cội: nhân dân sinh thành và trùng điệp rừng núi chiến khu.

Thạc sĩ, bác sĩ chủ nhiệm quân y, thiếu tá Huỳnh Văn Quang vừa khám bệnh vừa tuyên truyền trực tiếp cho từng đối tượng về vệ sinh, phòng bệnh. Danh sách cứ dài ra từ cháu bé 1 tuổi viêm hô hấp đến cụ già 104 tuổi bệnh đường ruột; những mí Khoát, bok Dướk, bá Ngớch, yá Xơi… từ 50 suất địa phương lập theo diện chính sách đã kéo dài đến hơn 60 suất! Làm sao từ chối việc dân nghe tin bộ đội về, tìm đến khám bệnh xin thuốc... Trừ một số bệnh nặng như parkingson, liệt, khớp…, phần đông là bệnh đường hô hấp, đường ruột. Người nào cũng được kê đơn, hướng dẫn cụ thể, ngoài suất thuốc bình quân 20.000đ, đơn thuốc còn có ý nghĩa sau này cho dân nếu bệnh tái phát. Anh Quang đã khám và kê hơn 10.000 đơn thuốc từ năm 2000 đến nay mà chưa có một phản hồi xấu nào, một con số đáng khâm phục về trách nhiệm và tấm lòng người thầy thuốc quân đội!

Buổi tối chiếu phim và diễn văn nghệ ngay sân nhà rông. Cả làng tập trung ngồi xem. Ngay trên vùng đất thủy điện, Konblo vẫn chỉ xài điện máy nổ, vài nhà mua được tivi cũng để trưng bày vì điện quá yếu và máy phát đến 9 giờ tối nên chuyện phim ảnh, văn nghệ là chuyện ngàn năm một thuở! Mấy phim đội mang theo về đề tài chiến tranh: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch mùa xuân năm 1975… được dân yêu cầu chiếu đi chiếu lại đến khuya, đến sáng. Giữa chương trình chiếu phim đầu hôm và khuya là văn nghệ. Đúng là Hát cho dân tôi nghe! Những người lính - ca sĩ, những đoàn viên thanh niên địa phương cùng hợp tác rất tốt trong đêm diễn. Đại úy đội trưởng Nguyễn Xuân Sơn, Trợ lý thanh niên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Thường vụ Tỉnh Đoàn, đã tạo sự kết dính chương trình với các cán bộ huyện đoàn, xã đoàn với người dân. Từng học trường văn hóa nghệ thuật, hoạt động phong trào là sở trường của anh.

Từng vòng xoang ngẫu hứng quanh ca sĩ, những vòng xoang quanh đống lửa mê say. Bó hoa rừng hái vội cho kịp bài hát khiến Bích Hạnh - thành viên nữ duy nhất của đoàn - xúc động lắm, chị vừa hát vừa đi dần xuống tìm tặng một bok già. Chùm hoa lá dại của núi rừng đã được bok cầm trân trọng suốt đêm văn nghệ. Cái tình bao giờ cũng làm tâm hồn người cao đẹp, lớn lao hơn. Đống lửa tàn mà không ai muốn về. Lại chiếu phim, mời rượu đến ngất ngây…

Sáng sớm, đồng bào đã tụ tập tiễn đưa. Bok Đinh Quyên, huy hiệu cựu chiến binh trên ngực đến bắt tay từng thành viên trong đoàn, nghẹn ngào nhớ lại thời quân ngũ 1968-1970 của mình. Vì nhân dân… bài hát dậy trong lòng mỗi người cảm xúc tươi nguyên và mới mẻ trong những ánh nhìn lưu luyến, những bàn tay vẫy.

Ngân sách của UBND tỉnh và Tỉnh Đội là trăm triệu cho hoạt động này. "Cái được lớn nhất là về mặt tinh thần. Những người dân chân phác và chung thủy này không có cảm giác bị bỏ quên!" - Thượng tá Phó chủ nhiệm chính trị Trần Đức Thắng tâm sự. Riêng sự chan hòa tình đồng đội trong công việc của các anh tạo cho tôi ấn tượng rất tốt: không phân biệt lính, thủ trưởng, mỗi người một tay từ khám bệnh cấp thuốc, trò chuyện tiếp xúc dân đến dàn diễn, khiêng hòm xiểng. Bữa ăn, mỗi người một tay, mắm cà mua sẵn dưới xuôi, người hái rau má rừng, kẻ đi mua măng rừng, cá suối của đồng bào; lái xe và đội trưởng, ca sĩ và bác sĩ… đều quây quần quanh bếp. Những bữa ăn đạm bạc này là nguồn dưỡng chất tốt cho tâm hồn người lính!

Và tôi, qua bao đèo dốc núi rừng trùng điệp với đoàn chợt hiểu rằng những làng nhỏ mong manh xa hút này thực sự là tín hiệu bình yên. Làng là muối mặn, cây lành của từng vùng đất dù hẻo lánh, hoang sơ. Cần nhiều hơn nữa những chương trình tốt để thực sự chăm sóc chất muối mặn cây lành này từ thẳm sâu nguồn cội: lòng dân.

. L.H.L

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm cách nào để ngăn chặn tai nạn nổ?   (24/09/2004)
Mùa lân...   (24/09/2004)
Quá tải công chứng và chứng thực: Không chỉ có nhu cầu tăng   (23/09/2004)
Bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức: Thực trạng và triển vọng   (23/09/2004)
Như lang băm đọc sách thuốc!   (22/09/2004)
Người khuyết tật với mơ ước việc làm ổn định   (22/09/2004)
Khuyến học ở Mỹ Thọ: Sức mạnh từ nhiều nguồn   (21/09/2004)
Nạn lấn chiếm hành lang các tuyến tỉnh lộ: Làm thế nào để ngăn chặn?   (21/09/2004)
Người phụ nữ 14 năm làm nhân đạo   (21/09/2004)
Tình trạng bàn ghế học sinh thiếu chuẩn: Gọt chân cho vừa giày   (20/09/2004)
Ông chủ tịch phường 14 năm làm "bang chủ"   (20/09/2004)
Kiến thức dân vận được nâng lên  (19/09/2004)
Đội Thông tin lưu động Vĩnh Thạnh: Đưa văn hóa lên vùng cao   (17/09/2004)
Y đức ở Bệnh viện Quân y 13  (17/09/2004)
Bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Phù Cát   (16/09/2004)