Phổ cập giáo dục THCS đã về đích
15:26', 27/9/ 2004 (GMT+7)

Đến cuối tháng 3-2004, tỉnh Bình Định đã có 99,2% số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, trong đó, tỷ lệ HS trong độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS là 83,1%. Toàn tỉnh có 147/155 xã phường và 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) THCS. Đây là kết quả của sự nỗ lực từ Ban chỉ đạo (BCĐ) PCGD THCS tỉnh đến các BCĐ cơ sở, các cấp ủy đảng và chính quyền, ngành GD-ĐT và quần chúng nhân dân trong nhiều năm qua.

* Hành trình gian nan

Các thành viên trong BCĐ PCGD THCS đến từng gia đình để điều tra đối tượng trong độ tuổi PCGD THCS

Năm 1998, Bình Định đã được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành công tác chống mù chữ và PCGD tiểu học. Ngay sau đó, công tác PCGD THCS đã được quan tâm đặt ra. Ngay từ đầu, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo cho các cấp ủy, chính quyền địa phương đưa công tác PCGD THCS vào nghị quyết từng năm để từng ngành, từng cấp phấn đấu tổ chức thực hiện. Với vai trò "đầu tàu", Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập BCĐ PCGD THCS của tỉnh. Từ khi thành lập, BCĐ đã phân công công việc cho từng thành viên, đặc biệt, có kế hoạch cụ thể để thực hiện phổ cập đúng tiến độ. BCĐ đã thường xuyên đi sâu, đi sát các địa bàn để kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Các ban, ngành, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... đã có sự phối hợp hỗ trợ ngành Giáo dục trong việc đẩy nhanh tiến độ phổ cập. Các phòng GD-ĐT huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục đã làm tốt công tác tham mưu cho các đảng ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác phổ cập. Từ đó, BCĐ địa phương đã triển khai các văn bản về phổ cập xuống tận nhân dân; tổ chức tuyên truyền điều tra, thống kê, tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện theo đúng yêu cầu. Đồng thời, các địa phương đã tiếp nhận, tổ chức các lớp học cho các đối tượng PCGD THCS cư trú thường xuyên trên địa bàn mình phụ trách; thực hiện đúng chương trình phổ cập do Bộ GD-ĐT quy định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục. Các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tham gia vận động cha mẹ HS cho con em trong độ tuổi phổ cập đến lớp học để đạt được trình độ THCS; phối hợp với nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục giúp đỡ, động viên đối tượng trong độ tuổi phổ cập có khó khăn đến lớp.

* Sâu từ gốc, bền từ rễ

Những kết quả đạt được của công tác PCGD THCS đều khởi nguồn từ nền tảng vững chắc của sự nghiệp GD-ĐT. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cho GD-ĐT. Nhờ đó, hệ thống trường lớp phát triển rộng khắp từ nhà trẻ, mẫu giáo đến THPT. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng, THCN, dạy nghề ngày càng được củng cố, phát triển với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công PCGD THCS. Những năm gần đây, số lượng HS các ngành học, cấp học tiếp tục ổn định ở tất cả các vùng, các địa bàn trong tỉnh. Riêng HS THCS và THPT tiếp tục tăng theo nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân và điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nếu như trong năm học 2001-2002, toàn tỉnh mới huy động được 86,6% số người trong độ tuổi học THCS, 92,4% số HS trong độ tuổi tốt nghiệp tiểu học, 80% số HS trong độ tuổi tốt nghiệp THCS; thì đến năm học 2003-2004, số HS trong độ tuổi phổ cập THCS ra lớp đã tăng lên 93%; HS tốt nghiệp tiểu học đạt 94,2%; HS tốt nghiệp THCS đạt 83,1%. Đây chính là cái nền vững chắc để tỉnh tiếp tục huy động số ít người trong độ tuổi còn lưu ban, bỏ học ra các lớp phổ cập, tạo nên sự thành công của PCGD THCS.

* Điểm hẹn của quyết tâm

Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra qua thực tế của quá trình thực hiện PC GD THCS, đó là, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã có nhận thức sâu sắc về chủ trương PCGD THCS của Đảng và Nhà nước. Từ đó, BCĐ đã vận dụng được sức mạnh tổng hợp để thực hiện các bước điều tra, cập nhật số liệu và vận động các đối tượng ra lớp phổ cập. Các cơ sở giáo dục đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục chính quy, giảm tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học giữa chừng để góp phần đẩy nhanh tiến độ phổ cập ở địa phương.

Trong suốt quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chỉ đạo thống nhất, công tác điều tra được làm tốt để xây dựng kế hoạch chính xác và có biện pháp thực hiện phù hợp. Trong thực hiện, ngành GD-ĐT đã giữ vai trò chủ động và làm nòng cốt trong việc tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền và đề xuất những giải pháp kịp thời như quy hoạch mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các loại hình học tập, xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng và tăng cường GV cho vùng sâu, vùng xa, đề xuất những chính sách thích hợp cho người dạy, người học và đáp ứng yêu cầu phát sinh trong quá trình thực hiện các mục tiêu phổ cập.

Dù đã vươn đến đích song công việc của PCGD THCS vẫn sẽ phải tiếp tục với những giải pháp phù hợp tình hình mới. Bởi sự dừng lại đối với công tác này cũng đồng nghĩa với việc đẩy lùi thành tích trở lại vạch xuất phát.

. Minh Ngọc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trung úy Lê Sinh Ngọc: Thợ sửa chữa vũ khí "tinh" nghề   (27/09/2004)
Những người lính xung kích  (27/09/2004)
Làm cách nào để ngăn chặn tai nạn nổ?   (24/09/2004)
Mùa lân...   (24/09/2004)
Quá tải công chứng và chứng thực: Không chỉ có nhu cầu tăng   (23/09/2004)
Bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức: Thực trạng và triển vọng   (23/09/2004)
Như lang băm đọc sách thuốc!   (22/09/2004)
Người khuyết tật với mơ ước việc làm ổn định   (22/09/2004)
Khuyến học ở Mỹ Thọ: Sức mạnh từ nhiều nguồn   (21/09/2004)
Nạn lấn chiếm hành lang các tuyến tỉnh lộ: Làm thế nào để ngăn chặn?   (21/09/2004)
Người phụ nữ 14 năm làm nhân đạo   (21/09/2004)
Tình trạng bàn ghế học sinh thiếu chuẩn: Gọt chân cho vừa giày   (20/09/2004)
Ông chủ tịch phường 14 năm làm "bang chủ"   (20/09/2004)
Kiến thức dân vận được nâng lên  (19/09/2004)
Đội Thông tin lưu động Vĩnh Thạnh: Đưa văn hóa lên vùng cao   (17/09/2004)