Khi cả xã cùng chung sức
10:24', 28/9/ 2004 (GMT+7)

Đói chữ là nguy cơ dẫn đến sự đói nghèo và tụt hậu. Ý thức rõ điều này, Đảng ủy và chính quyền xã Cát Hanh (Phù Cát) đã rất quan tâm đến việc phổ cập giáo dục (PCGD) trên quy mô toàn xã và đã trở thành đơn vị điển hình PCGD THCS ở Bình Định.

Một lớp PCGD THCS tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát

Năm 1998, xã Cát Hanh bắt đầu thực hiện công tác PCGD THCS với đầy rẫy khó khăn với tỷ lệ người trong diện phải phổ cập rất lớn. Do đời sống kinh tế khó khăn, nhiều bậc cha mẹ thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí có người còn tỏ ra gay gắt đối với việc vận động đưa con em họ đến lớp phổ cập. Bản thân người được vận động cũng tỏ ra không "mặn mà" lắm đối với việc tiếp tục sự học của mình; ít nhiều trong số này mang nặng tâm lý mặc cảm vì lớn tuổi. Do vậy mà ở đây từng xảy ra tình trạng trưởng thôn buổi tối tới nhà vận động và buổi sáng thì đích thân tới chở đi nhập học, vậy mà khi đến nhà người được vận động đã… bỏ trốn.

Ông Nguyễn Văn Bính - Hiệu trưởng Trường THCS Cát Hanh, Phó ban chỉ đạo PCGD THCS của xã - cho biết: "Khai giảng một lớp học bổ túc có khi cán bộ đến dự còn đông hơn cả học sinh. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chỉ khuyên bảo, thậm chí không ai dám nặng lời với các em vì sợ chúng bỏ học, mà đã bỏ học thì vận động đi học lại rất khó".

Mặt khác, để có được đội ngũ giáo viên đứng lớp dạy PCGD cũng là một thách thức không nhỏ. Nhiều năm qua, tình trạng giáo viên vẫn phải triền miên chịu cảnh một hội đồng hai nhiệm vụ (dạy cả hai hệ: chính quy và bổ túc). Thêm nữa, điều kiện cơ sở vật chất chưa được trang bị tốt, các lớp PCGD THCS vẫn chưa có nơi học riêng. Để duy trì được lớp, xã phải phân bổ thời gian phù hợp với cơ sở mượn của trường học. Trong hè, các lớp PCGD THCS được học 6 buổi/tuần, khi năm học mới bắt đầu lại rút xuống còn 2 buổi/tuần.

Tuy khó khăn còn nhiều, nhưng với quyết tâm cải thiện mặt bằng văn hóa, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình nhằm duy trì "sĩ số" của lớp học. Sự nỗ lực vượt bậc của các ban, ngành, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...) ở địa phương đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết khó khăn. Cán bộ địa phương đã đi tới từng gia đình, cùng gia đình vận động các em đến lớp. Đối với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì xã hỗ trợ về mặt vật chất (sách, vở, dụng cụ học tập...). Ngoài ra, xã còn kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, Chi hội khuyến học của xã tham gia vào chương trình PCGD THCS ở địa phương. Xã đã đưa tiêu chí không còn người trong diện PCGD THCS vào trong các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.

Những cách làm trên, đã tác động đáng kể đến nhận thức của người dân về PCGD THCS. Họ đã ý thức được vai trò của gia đình trong việc đưa con em mình đến lớp PCGD đồng thời khuyến khích con không bỏ học giữa chừng. Tính đến tháng 3-2004, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS (2 hệ) ở xã Cát Hanh đạt 98,68%, trong đó số người ở độ tuổi từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 84,69% (phổ thông là 650 người, bổ túc văn hóa là 80 người).

. Quốc Việt

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phổ cập giáo dục THCS đã về đích   (27/09/2004)
Trung úy Lê Sinh Ngọc: Thợ sửa chữa vũ khí "tinh" nghề   (27/09/2004)
Những người lính xung kích  (27/09/2004)
Làm cách nào để ngăn chặn tai nạn nổ?   (24/09/2004)
Mùa lân...   (24/09/2004)
Quá tải công chứng và chứng thực: Không chỉ có nhu cầu tăng   (23/09/2004)
Bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức: Thực trạng và triển vọng   (23/09/2004)
Như lang băm đọc sách thuốc!   (22/09/2004)
Người khuyết tật với mơ ước việc làm ổn định   (22/09/2004)
Khuyến học ở Mỹ Thọ: Sức mạnh từ nhiều nguồn   (21/09/2004)
Nạn lấn chiếm hành lang các tuyến tỉnh lộ: Làm thế nào để ngăn chặn?   (21/09/2004)
Người phụ nữ 14 năm làm nhân đạo   (21/09/2004)
Tình trạng bàn ghế học sinh thiếu chuẩn: Gọt chân cho vừa giày   (20/09/2004)
Ông chủ tịch phường 14 năm làm "bang chủ"   (20/09/2004)
Kiến thức dân vận được nâng lên  (19/09/2004)