|
Những chuyến xe ngựa vẫn miệt mài trên những nẻo đường đất vua |
Mấy mươi năm trước, con đường từ bến xe ngựa thị trấn Đập Đá đến chợ Cảnh Hàng (xã Nhơn Phong) là một con đường quê lam lũ. Xe ngựa chở nông sản, đưa khách từ Cảnh Hàng về Đập Đá tấp nập ngày đêm. Nay, những con đường đã trải nhựa, thảm bê tông láng bóng, tấp nập ô tô, xe máy đi-về, duy những chiếc xe ngựa đã vắng dần.
Anh Hưng cũng chỉ là một trong 7 chủ nhân xe ngựa hiện còn tại thôn Trung Lý. Xóm anh đang sống còn mang một cái tên rất lạ: xóm ngựa. Anh bảo: "Gọi dzậy là phải thôi, vì trước xóm này có tới mươi, mười lăm người làm nghề xe ngựa. Nay tuy ít hẳn nhưng cũng đã vào loại đông nhất ở đất An Nhơn này".
Phải chờ cho đến trưa trợt, khi anh Hưng cất xong xe bắp cuối cùng của buổi sáng, tôi mới gặp được anh. Quơ nắm cỏ xanh mướt, dúi vào chậu nước đường vừa được người nhà mang ra, vỗ vỗ lưng con tía, anh khoe: "Tui mới mua được mươi hôm đấy". Anh Hưng làm nghề chạy xe ngựa từ cả chục năm nay. "Gọi là nghề gia truyền cũng phải, vì từ đời ông, đời cha, bên nội rồi cả bên ngoại nữa cũng làm cái nghề này cả. Ngay như hiện nay, ngay trong cái xóm ngựa này, những người làm xe ngựa cũng đều anh em không xa thì gần của tui cả".
Những vui buồn đã trải qua với công việc nuôi ngựa và đánh xe ngựa nhiều đến nỗi anh Hưng không nhớ hết. Anh nói: "Cách đây dăm bảy năm, xe ngựa chạy đông khách lắm. Chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm đến đón khách từ chợ Cảnh Hàng lên thị trấn, rồi chạy khách, chở hàng không ngơi". Nhưng rồi cái thời vàng son ấy xe ngựa đã bỏ lại sau lưng. Bây giờ, xe lam, xe thồ, xe độ nhiều, nên nếu trước đây, chở một tấn gạo từ thị trấn Đập Đá về Cảnh Hàng được trả ba chục ngàn, nay xe độ phá giá, chạy hai chục, vậy là xe ngựa cũng đành hạ xuống. Nhưng cạnh mãi rồi tranh cũng không lại, vì ngựa nào khỏe lắm mỗi chuyến cũng chỉ chở được tấn rưỡi, chẳng nhằm nhò gì so với xe độ. Bởi vậy, một người chạy xe ngựa khác trong xóm, nói nửa như than thở: "Mỗi ngày anh em tụi tui chỉ mong có hàng. Chạy được hai, ba chục ngàn là sướng rồi, đủ mua gạo, mua mắm. Nhưng được cái nuôi ngựa cũng ít tốn kém, lại chẳng bệnh tật gì mấy. Miễn là mình biết dưỡng. Bình thường thì chỉ cho ăn cỏ, gặp những ngày chạy nhiều thì hòa thêm đường, cám vào nước cho uống thêm, nếu phải cố mà chạy quá sức thì ngâm lúa, ngâm gạo rồi xay bột cho uống để mau phục hồi. Chi phí ít nên nguồn thu có thấp một chút cũng trụ được".
Trừ thôn Trung Lý hiện những nơi còn nhiều xe ngựa chạy nhất là ở Nhơn Hậu, Đập Đá, mỗi xã này còn chừng 4, 5 xe. Rải rác các xã khác trong huyện An Nhơn, mỗi xã còn một, đôi chiếc. Vẫn chạy theo 5 tuyến như từ trước đến giờ: Cẩm Tiên - Nhơn Hạnh, chợ thị trấn Bình Định - Cây Bông Nhơn Khánh, chợ Gồm - Đề Gi, ngã tư thị trấn Bình Định - Gò Bồi (Tuy Phước); trong đó, ba tuyến đầu đều tập trung tại bến xe ngựa (thị trấn Đập Đá), nhưng cái nhịp tất bật của những chuyến xe chừng như đã vợi nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Thể, cũng từng là một chủ ngựa, cách đây 5 năm, cả bến mỗi sáng đậu chừng 30, 40 xe, hai tuyến kia cộng lại cũng cỡ chừng đó. Vậy mà nay thì chỉ còn đâu chừng dăm, bảy chiếc. Bà Thể so sánh: "Hồi xưa, trong cái xóm này, tui ra nghề đầu tiên. Hồi đó, tui phải bấm bụng bán 3 con bò đực, bỏ thêm 3 cây vàng nữa mới mua được chiếc xe, thuê lái chạy. Nay thì chỉ bỏ đâu chừng năm, sáu triệu mua được con ngựa chạy rồi, nhưng hàng họ ít lắm".
* Đến chuyện đi buôn ngựa
Song hành cùng với những "vó câu" rong ruổi đường quê An Nhơn, còn một nghề khác cũng chẳng chịu thua kém về bề dày thời gian lẫn sự gắn bó với những chú mã: nghề buôn ngựa. Anh Nguyễn Thành Chí, một người làm nghề này ở Nhơn Hưng, tâm sự: "Làm cái nghề này thì khó nhất là biết cách xem tướng ngựa. Cũng phải trầy da tróc vảy trong nghề chạy xe ngựa, kiếm chút kinh nghiệm, rồi mới dám bỏ sang làm nghề này".
|
Phút giải lao bên đường |
Theo kinh nghiệm của những người lái ngựa thì một chú ngựa hay nhất thiết phải đủ 10 xoáy, thiếu không được mà thừa cũng chẳng hay. Nghe họ nói một thôi một hồi về phép xem tướng ngựa, tôi chẳng hiểu gì ráo trọi, mới mạo muội đem cái phép xem tướng ngựa của Bá Nhạc mà tôi từng nghe lóm được ở đâu đó ra hỏi, rằng ngựa tốt thì đầu phải vuông, mắt sáng, xương sống mạnh, bốn chân được dài, khuông mắt cao, lỗ mũi to, trong miệng đỏ, xương đầu gối tròn mà dài, hai tai gần nhau và hướng tới trước. Anh Hưng nói: "Quả vậy, nhưng gặp được ngựa đủ tướng như vậy thì hiếm lắm. Mà dẫu gặp rồi thì mấy ai còn muốn bán. Bởi vậy, xem tướng ngựa chủ yếu là loại bỏ tam lụy (ba loại ngựa ốm), ngũ nô (năm loại tồi) làm căn bản, rồi mới xem các bộ phận khác. Cổ to đầu nhỏ là nhất lụy, xương sống yếu bụng to là nhị lụy, đùi nhỏ mông to là tam lụy; đầu to tai chậm là nhất nô, cổ dài không gãy là nhị nô, chân trước ngắn chân sau dài là tam nô, đầu gối to xương sườn ngắn là tứ nô, hông cạn vế mỏng là ngũ nô. Còn như muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Thông thường, ngựa chừng 2,5 năm tuổi sẽ thay một đôi răng, 6 tháng sau lại thay răng lần nữa. Tính ra đủ 18 tháng ngựa sẽ thay đều hết cả ba đôi răng (một đôi là 4 chiếc). Cứ theo đó mà tính tuổi, gặp ngựa già tuổi thì không nên mua vì rất khó dạy".
Một mình một xe máy, lái ngựa thường rong ruổi vào các bản làng vùng cao Tây Nguyên. Mua về, họ phải bỏ ra gần mươi ngày huấn luyện cho thuần. Anh Chí giải thích: "Trước, ngựa chỉ quen kiếm ăn, chạy trong núi, trên rừng; nay để quen với cái náo nhiệt khi rong ruổi trên quốc lộ là cả một vấn đề không đơn giản. Nhưng khó nhất là gặp phải những chú mã cứng đầu, muốn huấn luyện cho thuần, mình cũng phải chịu vài cú đá. Lại có con dù có đánh đến mấy, thà chết chứ không chịu cho tròng vào xe, mà có tròng thì cũng nằm ườn ra đấy "đình công" chứ hổng chịu đi. Với loại này thì mình phải dỗ ngọt từng tí một. Lại có con không dùng vũ lực không xong. Nói chung là phải nắm được tính cách của từng con một".
Ngựa đã thuần, thương lái lúc này chỉ việc ngồi một chỗ, đã có mối đến hỏi thăm. Hẳn là đã nghe tiếng giống ngựa Tây Nguyên qua bàn tay huấn luyện của người Bình Định, người các nơi tìm về đây mua ngựa không ít. Chẳng là giống ngựa cái ở đây, khi đem lai với ngựa đực miền trong tầm vóc cao lớn sẽ ra được giống ngựa vừa đẹp, vừa khỏe. Người Phan Rang thì chuyên dùng để nuôi trang trại. Còn gặp được ngựa hay thì bán cho người miền trong để họ lấy giống lai ra ngựa đua. Ngựa nuôi đủ tuổi, cân đủ 2,2 tạ thì bán vô Nha Trang để họ nuôi và lấy huyết thanh. Còn ngựa bán trong tỉnh chủ yếu là để kéo xe, vừa thấp giá hơn mà lại đòi hỏi vóc dáng hơn. Một lái ngựa tiết lộ: "Mỗi chuyến lên nguồn, tui mua cỡ 4 con, rồi thuê ô tô chở về. Sau khi bán, trừ chi phí còn lại cũng được hơn một triệu một con. Nhưng mà cực lắm cậu ơi".
Cùng số phận với những chuyến xe ngựa, người làm nghề buôn ngựa gần đây ngày một ít. Đất An Nhơn giờ chỉ còn đâu ba người còn đa mang lấy nghề này. Một số ít còn lại thì vừa chạy xe ngựa là chính, nhưng gặp người thích thì cũng sẵn sàng bán lại và tìm mua con khác. Người bán ít, không hẳn bởi nhu cầu ngựa giảm, cái chính là nguồn cung ngày một khan. Hiện nay, để mua ngựa, thương lái thường phải lên tận Gia Lai. "Trước nhiều lắm, nhưng nay may ra ở An Khê mới còn một ít, mà cũng phải cất công vào tận trong buôn, trong làng, chứ ngay như ở Đức Cơ, hồi xưa nhiều là vậy, mấy hôm trước bọn tui lên, lùng được một con cũng khó"- một người trong số họ cho biết. "Vậy sao các anh không nuôi ngựa đẻ"- tôi thắc mắc. "Nuôi cũng được, nhưng ngựa con thì phá lắm, mà đất dưới này thì chỗ đâu chăn thả, sức ngựa vậy là yếu. Hơn nữa, nuôi một con ngựa đẻ tính ra chẳng lợi bằng nuôi bò. Ngựa giờ ít cũng vì vậy"- anh Hưng giải thích.
* Thay lời kết
Trò chuyện với anh Hưng, tôi cứ băn khoăn mãi: "Một con người đã hiểu tướng ngựa là vậy, đã gắn bó với cái nghề này đến vậy, hẳn không chỉ là một người chạy xe ngựa đơn thuần?". Mãi sau, khi câu chuyện đã chín, Hưng mới khoe với tôi, hóa ra, Hưng cùng đã từng vì đua ngựa mà gãy cả xương vai. Ngoài Hưng, ở thôn Trung Lý này, còn có anh em nhà Nguyễn Ngữ, Nguyễn Mươi… từng dẫn đoàn quân ngựa Bình Định đi đua khắp trong Nam, ngoài Bắc và rất có duyên ẵm huy chương. Kể cho tôi nghe những kỳ tích về xóm ngựa, ánh mắt Hưng không giấu nổi sự tự hào. Nhìn ánh mắt ấy, tôi lại nhớ lời một người nuôi ngựa đua cũng ở đất Vua này từng thố lộ: "Ai từng dính vào cái nghề này rồi mà hổng mê cho được".
Trước khi chào tôi, Hưng nói: "Bọn tôi cũng chỉ mong Bình Định mình tổ chức được hình thức xe ngựa làm du lịch như trong Nha Trang, trên Đà Lạt, thậm chí cả ở Gia Lai nữa. Những nơi đó, lễ, tết vẫn mướn bọn tôi lên chở khách đấy chứ. Chạy xe ngựa như hiện nay, kể ra thì thu nhập cũng tạm, nhưng cũng không nên duy trì mãi trong thời buổi giao thông hiện đại này. Chỉ có làm du lịch mới giữ được tiếng nhạc ngựa đất Vua, mà cũng hấp dẫn du khách lắm chứ".
. Lê Viết Thọ