Cơm công nhân: Ai ăn nấy biết
15:40', 30/9/ 2004 (GMT+7)

Buổi trưa. Tan ca. Công nhân từ các xưởng của các công ty tại KCN Phú Tài túa ra, người tranh thủ đi chợ, người ra quán. Đây là lúc họ "nạp năng lượng" để sống và chuẩn bị cho các ca làm việc kế tiếp...

* Cơm nhà

Ra quán chợ, mua thức ăn về nhà nấu

Chuông reo, nghỉ giải lao 15 phút giữa ca buổi sáng, hai công nhân Trần Thị Xuân Liễu và Lê Thị Thanh Thúy ở Công ty TNHH Quốc Thắng tất tả ra quán chợ trước công ty mua vội tí thức ăn cho buổi trưa. Bữa trưa của Liễu chỉ là 1.000 đồng đậu cô ve và 1.000 đồng bí đỏ, của Thúy cũng chẳng hơn gì, chỉ toàn rau mặc dù quán ở đó cũng có bán cả thịt, cá, trứng vịt... "Ở nhà còn cá kho từ hôm qua, hôm nay chỉ mua rau, hai chị em ăn vầy là đủ. Một ngày tiêu chuẩn chi tiêu chỉ gói gọn 10.000 đồng cho hai chị em, tiết kiệm được nữa thì càng tốt", Liễu nói. Trước khi đi làm, họ tranh thủ gắm nồi cơm điện, trưa về luộc tí rau, kho tí cá hay thịt bằng bếp gas là ăn kịp để làm ca chiều. So với Thúy và Liễu, bữa trưa của hai anh Nguyễn Tiến Trung và Ngô Thế Việt (quê ở Hà Tĩnh) sang hơn nhiều. Cả hai khoe: "Con cá nục này mua 4.000 đồng, cộng thêm 2.000 đồ nấu canh, rau sống nữa là đủ cho cả hai. Chiều về tính tiếp". Khi tôi hỏi: "Vì sao không ăn cơm quán cho tiện?" thì mọi người đều cho rằng: "Cơm quán ngày nào cũng giống ngày nào nên ăn rất ngán". Chị Nguyễn Thị Thơm quê ở xã Cát Thắng (Phù Cát) tính toán: "Gạo đem từ nhà vào, chỉ tốn tiền chợ. Tôi mua bốn nghìn chả cá, hai nghìn rau, mắm đủ cho hai người ăn. Ăn quán hao hơn chứ!".

Lâu nay, ở Phú Tài vẫn có những quán chợ, phục vụ cho những người ở xa chợ. Chỉ cần trải tấm nylon dưới đất, hay cái sạp nho nhỏ đủ để bày các nhu yếu phẩm. Từ khi KCN Phú Tài hình thành và đi vào hoạt động, các chợ này mọc nhiều hơn ở gần các công ty nhằm phục vụ công nhân. Có người còn thồ cả xe hàng vào tận các khu trọ để bán. Chị Huê, một chủ quán, cho biết: "Cái quán này có bao nhiêu đâu, vậy mà ngày nào cũng bán nợ cả trăm nghìn ấy chứ. Công nhân nợ, đến khi có lương thì trả, nhưng chỉ trả một nửa, gối lại tháng sau. Công nhân nợ mình, mình nợ lại chủ hàng". Còn chị Thanh, bán quán đã gần 15 năm ở trong một con đường nhỏ kết luận: "Chủ yếu là bán cho dân bản địa, chứ công nhân thì không ăn thua. Họ mua ít lắm, chủ yếu là mua rau cho rẻ. Công nhân mà, tiền đâu mà mua thịt, cá. Có bữa, chỉ cần mua quả trứng ghé trong nồi cơm, vậy là xong".

* Cơm quán

Nhiều công nhân đã chọn ăn cơm quán cho tiện

Tan ca. Công nhân các xưởng Tiến Đạt, Quốc Thắng, Trường Sơn, Trường Lâm... kéo nhau lũ lượt vào các quán cơm bình dân dọc quốc lộ. Họ vào ào ào. Cái quán ăn chừng dăm chục thước vuông bỗng chốc đã kín bàn. Chủ quán bưng ra một tô cơm đầy vun, một tô canh "toàn quốc", một chén mắm cà, dĩa rau sống, dĩa rau muống xào. Ở vị trí trung tâm là dĩa thức ăn: gồm một con cá chiên mỏng lét, chưa bằng hai ngón tay, vài ba miếng đậu phụ rán, vài miếng thịt kho. Tất cả là phần cơm 6.000 dành cho hai người." Tâm (quê ở xã Hoài Thanh Tây - Hoài Nhơn) nói: "Bọn con trai tụi em làm biếng nấu. Cơm quán cho tiện". Chị Dung, chủ quán, phân trần: "Vật giá lên nhưng mình không thể bán lên được. Đành phải bớt thức ăn xuống một ít nhưng phải đảm bảo cơm, canh, rau thoải mái".

Ngoài các quán cơm bình dân ở dọc Quốc lộ 1, còn có cả các quán cơm "dã chiến" mọc ngay cạnh cổng công ty. Đây là những công ty ở phía trong của KCN, xa quốc lộ. Gần giờ cơm trưa, các chủ quán mới căng bạt, dọn bàn ghế, chén bát. Thức ăn thường được nấu ở nơi khác đem tới. Quán nằm sát bên đường nên mỗi khi xe ô tô đi qua, bụi bay mù mịt vào thức ăn, cơm. "Nhiều khi đang ăn, xe ô tô chạy qua cái ào, và miếng cơm cứ lợn cợn cát, bụi. Biết là chả ngon bằng quán ở ngoài kia nhưng được cái tiện, khỏi mất công dắt xe cộ ra vào cho mệt", một công nhân ở xưởng Đức Duy nói. Hiện nay, một số công ty cũng có căng tin nấu bán nhưng hầu hết công nhân đều chê mắc và nấu không ngon miệng bằng ở ngoài. Quả thật, tôi đã "tận mục sở thị" một căng tin: cơm khô rời rạc, thịt mỡ lèo bèo, vài cọng rau dưa, nguội ngắt... vậy mà cũng 3.000 đồng/dĩa. "Cơm ngon thì 5.000 đồng/dĩa nhưng chỉ dành cho nhân viên văn phòng thôi. Mắc lắm, bọn tôi không ăn nổi" - một công nhân nói vậy.

* Và "cơm ký sổ"

Cơm trưa, đánh nhanh rút gọn. Ai hết ca thì về nghỉ, ai vào ca hai thì vội kiếm chỗ nghỉ lưng đâu đó trong xưởng. Vậy nhưng, ăn xong nhiều người không vội về ngay mà lại đứng lần quần trước quán. "Cơm quán là cơm nợ đấy cô ạ. Đấy cô thấy cái ông đứng ngoài cái bàn kia không, trước khi ra về chúng tôi đều phải làm thủ tục với ổng, rồi đi đâu thì đi"- một công nhân cười, chỉ tôi cái ông đang đứng lom khom bên ngoài. Thì ra đó là ông chủ quán chuyên nhiệm vụ ghi nợ. Trên bàn, cả chục cuốn sổ ghi nợ, chẳng cần chủ quán chỉ, ai cũng biết tên mình nằm trong quyển nào. Họ cứ tự động ghi ngày ăn, số tiền bao nhiêu, rồi ra về. Có người còn ghi giùm cho bạn của mình. Ông chủ giở sổ, tính: "Tâm ở Công ty Trường Sơn, tháng tám: 25 buổi x 3.000, thêm 2.000 thuốc lá. Tổng cộng của chú là 77.000 đồng". Làm thêm dấu chéo vào trang giấy trước mặt anh Tâm, vậy là sạch nợ. Yên tâm, tháng sau ký tiếp. "Làm sao anh nhớ hết được?"- tôi hỏi chủ quán. "Sao lại không? Còn hơn cả thống kê, kế toán ấy chứ bộ". Cả buổi, tôi chỉ thấy thỉnh thoảng mới có người trả tiền ăn ngay hoặc thanh toán nợ tháng trước còn hầu hết là ký sổ.

Với công nhân, bữa cơm cần có 2 tiêu chuẩn: no, rẻ, bán đắt lên 500 đồng là họ cũng không ăn. Cơm quán phải là cơm nợ, không nợ thì không ăn. Thậm chí không phải nợ một tháng, hai tháng mà có khi cả bốn, năm tháng. Có người, hai ba tháng mới được lãnh lương một lần. Lúc ấy họ mới có điều kiện để "giũ sổ nợ". Một chủ quán khác tiết lộ: "Lương ở xưởng nào nhận ngày mấy, tụi tôi nắm được hết".

. Thu Hà

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phong trào thanh niên tình nguyện: Khơi dậy sức trẻ   (30/09/2004)
Còn sức còn cống hiến   (30/09/2004)
"Vó câu" rong ruổi đường quê  (29/09/2004)
Những đóng góp tích cực góp phần phát triển đời sống KT-XH   (28/09/2004)
Khi cả xã cùng chung sức   (28/09/2004)
Phổ cập giáo dục THCS đã về đích   (27/09/2004)
Trung úy Lê Sinh Ngọc: Thợ sửa chữa vũ khí "tinh" nghề   (27/09/2004)
Những người lính xung kích  (27/09/2004)
Làm cách nào để ngăn chặn tai nạn nổ?   (24/09/2004)
Mùa lân...   (24/09/2004)
Quá tải công chứng và chứng thực: Không chỉ có nhu cầu tăng   (23/09/2004)
Bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức: Thực trạng và triển vọng   (23/09/2004)
Như lang băm đọc sách thuốc!   (22/09/2004)
Người khuyết tật với mơ ước việc làm ổn định   (22/09/2004)
Khuyến học ở Mỹ Thọ: Sức mạnh từ nhiều nguồn   (21/09/2004)