Rau giữa dòng Kôn
10:53', 10/1/ 2005 (GMT+7)

. Phóng sự của Quỳnh Hoa - Quốc Việt

Nhìn từ bờ bên này, làng Hữu Giang (Tây Giang, Tây Sơn) như một bán đảo xanh nhoi ra giữa dòng sông Kôn. Thiên nhiên đã ban tặng người Hữu Giang hàng trăm ha đất phù sa ven sông để phát triển nghề trồng rau. Thế nhưng, người trồng rau Hữu Giang vẫn còn vất vả lắm. Giao thông cách trở, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, có lúc giá rẻ như bèo.

Hữu Giang nhìn từ bờ bên kia sông Kôn

Một người đàn ông mặc quần kaki xanh bạc phếch, chiếc áo ngả màu cháo lòng đầu đội mê nón cũ đang loay hoay dận lại cây cọc để giăng lưới cho mấy ngọn khổ qua len lỏi bò lên ngoài bãi soi. Trời trưa, nắng vàng trải lên mảng xanh lúc đậm, lúc nhạt của những luống xà lách, dưa leo, khổ qua, cà dĩa… đang uốn lượn theo những mô đất ven sông trông thật mát mắt. Ông Đào Văn Phát - tên của người đàn ông - hất ngược mê nón nhìn chúng tôi ngạc nhiên: "Vào tận đây mua rau à?". Nét mặt ông càng nghệch ra khi nghe những vị khách hiếm hoi đến Hữu Giang chỉ là để hỏi thăm về rau. "Từ thời ông bà rồi đến cha mẹ tôi sinh ra ở đất này đã trồng rau. Đời chúng tôi cũng trồng rau để sống".

Gia đình ông Phát là một trong những hộ trồng nhiều rau ở Hữu Giang. Ngoài mấy sào đất giao quyền sử dụng của gia đình, ông còn đấu thầu thêm 1,5 mẫu đất soi dự phòng của xã để trồng rau. Mùa nào thức nấy, những cây rau theo bàn tay cần mẫn của 4 lao động chính trong gia đình mà nảy nở quanh năm. Như bắt được sự đồng cảm từ những vị khách mới đây còn xa lạ, ông Phát trở nên cởi mở hơn và dẫn chúng tôi vào vườn rau. "Vụ này tôi trồng được 3 thiên cà chua, cà dĩa, 1 thiên khổ qua, dưa leo… Cà chua từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng, trái chín rộ vào giáp Tết, còn cà dĩa thì có thể thu hoạch bán lai rai đến hết vụ hè". Theo lời ông Phát, vụ cà dĩa vừa rồi ông trúng đậm, thu hoạch gần 10 tấn, bán với giá cao, trên 2.000đồng/kg. Đó là chưa kể cà chua, dưa leo và các loại cây khác. Sau khi làm sơ sơ một vài phép tính, tôi buột miệng kêu: "Vậy thì dân Hữu Giang giàu to rồi!". Giọng ông Phát trở nên trầm lắng: "Được mùa thì… mất giá. Năm ngoái, trồng cà dĩa trúng, vụ này, tôi định gieo thêm thiên cà nhưng nhìn quanh thấy bà con trồng nhiều sợ rớt giá nên lại thôi…".

* Điệp khúc được mùa...… rớt giá

Gieo hạt chuẩn bị cho một mùa rau mới

Nghề trồng rau ở Hữu Giang trở nên hưng thịnh trong khoảng thời gian 10 năm đổ lại đây, khi bà con nông dân khai thác nước từ các giếng bơm. Tôi nhìn xuống các thửa rau ven sông, cứ mỗi một đám đất đều có một miệng giếng đậy nắp nửa kín, nửa hở. Ông Phát cho biết, để có đủ nước tưới cho rau, ông đã thuê khoan cả chục cái giếng như thế. Tiếng là ở bên sông nhưng để dẫn nước vào các soi đất trồng rau và các loại hoa màu khác không dễ. Bởi thế, tuy đã có đến 40 năm gắn bó với cây rau, ông Phát cũng như bao người nông dân khác chỉ có thể trồng lúa, trồng rau 2 vụ/ năm hết sức bấp bênh vì phụ thuộc nước trời. Mấy cái giếng lẻ loi, đơn điệu giữa ngàn rau này đối với bà con nông dân lại là một phát kiến vô cùng vĩ đại. Từ ngày có giếng, những mảnh đất phù sa ven sông này đã được phát huy dồn hết tinh lực cho những trái cà chua chín đỏ mọng, những quả khổ qua xanh tươi mỡ màng… Tôi xem lại lịch thời vụ mà ông Phát kể cho nghe ban nãy: Đông xuân trồng khổ qua, cà dĩa, cà chua, dưa leo; hè thu trồng đậu nành, đậu phụng; vụ mùa lại trở qua bắp lai, lúa, khổ qua… "Thu nhập từ cây rau gấp 3-4 lần so với trồng lúa nên bà con ở đây chỉ trồng lúa một vụ lấy đủ thóc ăn thôi, tất cả là tập trung cho hoa màu" - ông Phát tâm sự.

 

Học sinh Hữu Giang đến trường phải vắt quần lên cổ để mà lội qua sông

Lúc sáng, ghé qua UBND xã Tây Giang, ông Ngô Tốt, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thôn Hữu Giang có 310 hộ thì đã có đến 80% số hộ có nghề trồng rau. Diện tích rau ở đây chiếm khoảng trên 100 ha. Đất đai trù phú, màu mỡ, cây rau ở Hữu Giang còn tiềm năng rất lớn để phát triển. Thế nhưng, trở lại sự ngạc nhiên của ông Phát ban nãy, người Hữu Giang trồng rau nhưng muốn bán được rau phải gánh từng gánh qua sông Kôn rồi mới đưa xuống được chợ Đồng Phó, cách đó khoảng 3-4 km để tiêu thụ. Cũng vì chuyện đò giang cách trở nên chuyện thương lái vào tận vườn mua rau cho bà con còn rất xa vời. Lúc sáng, xuống đò để qua thôn, anh lái đò tên Lộc thấy người lạ cũng đã bắt chuyện: "Cô, chú vào làng mua rau à?". Rồi anh tỏ ra biết chuyện: "Từ tờ mờ sáng, cả làng Hữu Giang đã kẽo kẹt gánh rau ra bến đò để sang chợ đông vui lắm, cô chú muốn mua rau thì phải đến thật sớm mới mua được…". Cứ mỗi gánh rau vận chuyển sang sông, anh Lộc chỉ lấy của bà con 500 đồng. Thế nhưng, có ngày đến hàng trăm gánh rau như vậy xuôi đò sang sông. Ông Phát tiếp tục câu chuyện: "Mấy năm trước, các cháu ăn học tốn quá nên tôi làm nhiều rau, bây giờ thì bớt rồi. Làm gì có sức mà gánh gồng đi bán! Đó là đặc điểm chung của hầu hết bà con ở đây". Lúc ở ngoài soi, chúng tôi còn gặp ông Ân Văn Thanh, một nông dân khác, cũng tâm sự như vậy. Tiềm năng đất đai còn rất lớn nhưng không hộ nào dám trồng nhiều rau và đầu tư cho cây rau. Ngoài đò giang cách trở, cây rau đến được thị trường cũng lắm nỗi truân chuyên. Việc tìm được một thị trường tiêu thụ ổn định đối với bà con nông dân cũng là… ngoài tầm tay. Bởi thế mới có chuyện được mùa, rớt giá. "Có vụ tôi trồng một sào cà chua, thu hoạch 1,5 tấn, bán được giá từ 2.500- 3.000 đồng/kg. Thế nhưng, vụ sau mà tiếp tục trồng cà chua, có khi chỉ bán được 300 đồng/kg, gánh được gánh cà chua xuống chợ bán chỉ được 20.000 đồng/gánh, khi đó thì đúng là đổ đi thì tiếc mà bán cũng không xong...". Ông Thanh ngậm ngùi.

* ...Và ước mơ về một cây cầu

Củ lang Đồng Phó

Đậu phụng Hà Nhung (Hữu Giang).

Những giếng bơm như thế này đã giúp cho cây rau và nghề trồng rau ở Hữu Giang trở nên phát triển

Câu ca xưa đã "chết" danh làng Hữu Giang với một sản vật nổi tiếng là đậu phụng. Cây đậu phụng ở Hữu Giang bây giờ vẫn còn trồng nhiều và có lợi thế hơn cây rau ở chỗ, sản phẩm làm ra nay bán không được thì có thể để lại hôm sau. Chứ còn cây rau đã ra khỏi đất là không "dừng" lại được. Tuy nhiên, theo bà con nông dân, trồng rau cũng có nhiều thuận lợi vì ngày nào cũng có bán, mùa nào thức nấy và có thể bán quanh năm, thu nhập dài dài và còn cao hơn so với trồng đậu phụng. Khi hỏi chuyện ông Phát, tôi có đề cập đến những mô hình "cánh đồng 50 triệu/ha/năm". Tuy chưa bao giờ thử nghiệm các mô hình "50 triệu" nhưng ông đã nhẩm tính, nếu giá cả ổn định, đạt được 50 triệu đồng/ha đối với cây rau ở Hữu Giang là chuyện trong tầm tay. Vậy mà, người nông dân ở Hữu Giang chưa ai giàu cả. Chuyện trồng rau ở Hữu Giang mang đầy tính tự phát. Ngay cả áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây rau, đối với người nông dân ở đây cũng chỉ là chuyện nghe lõm bõm trên tivi và "thấy người ta làm như vậy". Bởi thế, ngay từ chuyện phun thuốc trừ sâu cho cây rau cũng chẳng tuân thủ một quy trình nào cả: "thấy người ta phun loại này sâu chết nhiều nên tôi mua về" hay thừa nhận "có sâu là phun thuốc" dù ai cũng biết là có hại đối với người tiêu dùng.

Tuyến đường lâm nghiệp từ xã Bình Thành chạy ngang qua Hữu Giang để lên Vĩnh Thạnh vừa mới được nhà nước đầu tư xây dựng và thông thương đã đưa người Hữu Giang thoát ra khỏi sự cô lập bởi sông và núi. Rồi thỉnh thoảng, một vài thương lái mon men về làng tìm sản vật… Người Hữu Giang đã được gần hơn với cộng đồng dân cư nhưng trong họ vẫn là bao nhiêu câu hỏi: Bao giờ có được cây cầu để con em đến trường không phải vắt quần lên cổ mà lội nước, người phụ nữ gánh rau qua sông vơi bớt nhọc nhằn? Bao giờ người dân có được những hợp đồng mang tính pháp lý để tiêu thụ cây rau, rồi nghề trồng rau cũng cần tiến dần đến chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa để có thể gia nhập vào thị trường trong nước và thế giới! Ông Đinh Huyền, một cán bộ ở Trung tâm Khuyến nông huyện Tây Sơn kể chuyện, vừa rồi, Trung tâm đã mở một lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn cho 200 hộ nông dân Hữu Giang. Bà con nghe như cứ nuốt lấy từng lời. Hay quá, mới quá, toàn những chuyện mà từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ không ai nói, không ai dạy bao giờ. Ông Phát tỏ vẻ tự tin: "Trồng rau sạch cũng không tốn kém mà năng suất, chất lượng lại cao... Vụ sau nhất định tôi sẽ thử trồng rau sạch!".

. Q.H - Q.V

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sinh viên Đại học Quy Nhơn với các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp   (10/01/2005)
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (07/01/2005)
Chuẩn bị đón Tết trên công trường   (07/01/2005)
Góp phần giữ gìn kỷ luật của Đảng  (06/01/2005)
Chuyện "mới" ở Quy Nhơn: Công chức sinh con thứ ba  (06/01/2005)
Quan tâm hơn đối với cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài   (05/01/2005)
Dịch vụ chăm sóc SKSS ở tuyến xã: Thực tế và chuẩn - khoảng cách xa vời  (05/01/2005)
Một mô hình nên được nhân rộng   (04/01/2005)
Dạy học giữa đại ngàn  (04/01/2005)
Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 2004: Đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp   (03/01/2005)
Bình Định với mục tiêu 80% số CBCC được đào tạo CNTT   (03/01/2005)
Hiệu quả từ dự án Số hóa nguồn tài liệu tại Thư viện tỉnh  (02/01/2005)
Nhìn lại 10 năm chống tham nhũng ở Bình Định   (31/12/2004)
Khởi động thị trường Tết  (31/12/2004)
Nữ cửu vạn  (30/12/2004)