Những lối thoát của nghề tiện
15:1', 10/1/ 2005 (GMT+7)

Nghề tiện kim khí sống được phần lớn là nhờ vào việc sửa chữa, gia công một số chi tiết máy. Do máy móc ngày càng mới, phụ tùng thay thế rất sẵn nên khu vực làm việc của nghề tiện bị thu hẹp dần. Lượng công việc ít đi và nhiều thợ tiện buộc phải chuyển nghề. Những người không thể chuyển nghề hoặc nặng lòng với nghề… đã tự tìm cho mình những lối đi riêng để vượt qua… khủng hoảng.

* Tiện kim loại kiêm sửa xe máy

Anh Huỳnh Đông Hóa - một thợ tiện kiêm nghề sửa chữa xe máy

Ông Tẩn - một thợ tiện có thâm niên 40 năm trong nghề kể: "Ở Bình Định, những năm 80 là thời "vàng son" của nghề này. Thời bao cấp, máy móc thiếu thốn, phụ tùng thay thế còn khan hiếm hơn nên nghề tiện có đất sống. Thợ tiện giỏi có thể nuôi sống cả gia đình một cách sung túc. Từ những năm 90 trở lại đây, một mặt phụ tùng thay thế giá rẻ hơn công sửa chữa, mặt khác thiết bị máy móc mới được nhập khẩu về nhiều, hàng mới nên nhu cầu sửa chữa thay thế rất ít nên các cơ xưởng lớn tự thu hẹp dần, một số thợ đã chuyển sang nghề khác… Nghề tiện không còn sáng giá như hồi trước".

Nghề được thợ tiện nhắm đến để chuyển nhiều nhất là nghề sửa xe gắn máy. Hiện nay, xe máy Trung Quốc tràn ngập đường phố, nhưng chất lượng khiến người tiêu dùng không mấy yên tâm. Những khách hàng kỹ tính thường phải làm lại xe để tăng độ ổn định của máy móc, xe chạy an toàn hơn. Nhu cầu này tạo ra đất sống cho thợ tiện kiêm nghề sửa chữa xe máy. Không chỉ phục vụ xe máy Trung Quốc, ngay cả một số chi tiết của dòng xe chính phẩm (Honda, Suzuki, Yamaha…) cũng được đưa vào tầm ngắm của thợ tiện. Anh Huỳnh Đông Hóa - chủ tiệm sửa xe trên đường Phó Đức Chính (Quy Nhơn) - cho biết: "Phụ tùng của dòng xe do hãng Yamaha, Suzuki sản xuất có đặc điểm vừa khó đặt mua, vừa rất đắt tiền. Trước đây, cũng có một số người yêu cầu độ chế, sửa một số chi tiết của xe nhưng hồi đó việc làm của mình nhiều, chế những chi tiết ấy mất nhiều công, khó tính tiền nên mình chỉ nhận làm cho những trường hợp thân quen. Nay thì nhận làm tuốt luốt. Ví dụ, xe Suzuki Viva có cái cuống "e" gió được chế tạo rất mỏng, dễ bị gãy. Ít thợ tiện nào làm được cái chi tiết tưởng dễ ăn này. Thợ sửa xe máy bình thường cũng ít nhận việc này vì công sá không bao lăm. Nhưng dạng thợ như chúng tôi thì làm ngon. Và dám cam đoan là còn tốt hơn cả hàng do Suzuki sản xuất".

Ngoài ra thợ tiện - sửa xe máy còn nhận chế ra những chi tiết trang trí như: gác chân, tay nắm ghi đông, cảng xe… để chiếc xe trông có dáng thể thao và "ngầu" hơn. Để được việc, đôi khi họ còn nhờ đến cả thợ gò hàn, thợ làm đồ inox và thợ xi mạ.

* Thợ tiện... đồ nhựa

Chừng mươi năm trước một thợ tiện ở đường Nguyễn Công Trứ (Quy Nhơn) đã nổi tiếng khắp… thiên hạ nhờ chế tạo được gần như hết thảy các kiểu nhông, bánh răng đặc chủng. Người có thể chế tác được những chiếc nhông xinh xắn như thế nay đã nhiều hơn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cơ sở ở đường Nguyễn Công Trứ với truyền nhân tên Ninh - người con trai út của ông thợ có bàn tay vàng.

Máy ảnh, photocopy, máy in vi tính, đầu đĩa… thường bị hư, mòn các bánh răng, nhông truyền. Phụ tùng chính hãng cực hiếm, khó đặt mua và nếu có giá của chúng cũng ở trên trời. Khoảng trống đó, chính là nơi mà các thợ tiện đặc chủng như Ninh hành nghề. Cầm trên tay một chiếc nhông đã bị cờn răng, Ninh cho biết: "Đây là bánh răng của một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, chị xem nhé - nó chỉ dài gần 4cm, đường kính chiếc nhông lớn nhất cũng chỉ hơn 1cm. Nó có 6 hàng răng, 4 cỡ đường kính và độ dày mỏng không giống nhau. Tiện 6 cái rồi dán lại thì quá dễ nhưng như thế thì không chính xác vì nhông mẫu là một khối trọn vẹn. Với kích thước một phôi nhỏ khoảng 2 phân bằng chất liệu nhựa có độ bền cơ học cao, người thợ tiện phải tỉ mẩn móc từng đường răng sao cho giống y boong với nguyên mẫu. Chỉ cần sơ sẩy làm lệch đi một đường răng nhỏ thì xem như phải… làm lại từ đầu". Lúc này, người thợ tiện không chỉ cần tay nghề điêu luyện mà còn phải có sự tập trung cao độ, thả sự khéo léo của mình vào từng rãnh răng nhỏ nhất. Nói không quá, những chiếc nhông thủ công như thế này đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật.

Nếu tận mắt chứng kiến những thao tác tỉ mẩn như thợ kim hoàn có lẽ bạn cũng sẽ đồng ý như vậy. Người đặt làm chiếc nhông cho biết - Chiếc máy này đã hết bảo hành, đại lý hãng sản xuất ở TP Hồ Chí Minh nói chờ đặt hàng để bên Nhật Bản người ta chuyển về, phải chờ và giá thì cũng rất mắc. Đành chịu, một cái nhông thôi mà giá bằng 1/4 chiếc máy mua mới. Để có hàng làm thường xuyên, những thợ tiện như Ninh đã xây dựng quan hệ mật thiết với các nhóm thợ sửa chữa điện tử, máy ảnh… Và mối quan hệ xem ra ngày càng phát triển.

Với những "sáng tạo" để thích nghi với sự thay đổi của thị trường, nghề tiện tuy không tìm lại được thời kỳ "hoàng kim" nhưng nó vẫn có chỗ đứng trong cuộc sống hằng ngày.

. Mai Hồng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Rau giữa dòng Kôn   (10/01/2005)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn với các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp   (10/01/2005)
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (07/01/2005)
Chuẩn bị đón Tết trên công trường   (07/01/2005)
Góp phần giữ gìn kỷ luật của Đảng  (06/01/2005)
Chuyện "mới" ở Quy Nhơn: Công chức sinh con thứ ba  (06/01/2005)
Quan tâm hơn đối với cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài   (05/01/2005)
Dịch vụ chăm sóc SKSS ở tuyến xã: Thực tế và chuẩn - khoảng cách xa vời  (05/01/2005)
Một mô hình nên được nhân rộng   (04/01/2005)
Dạy học giữa đại ngàn  (04/01/2005)
Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 2004: Đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp   (03/01/2005)
Bình Định với mục tiêu 80% số CBCC được đào tạo CNTT   (03/01/2005)
Hiệu quả từ dự án Số hóa nguồn tài liệu tại Thư viện tỉnh  (02/01/2005)
Nhìn lại 10 năm chống tham nhũng ở Bình Định   (31/12/2004)
Khởi động thị trường Tết  (31/12/2004)